Vì sao thương mại Mỹ - Trung Quốc tăng trưởng như chưa từng có đại dịch và chiến tranh thương mại?
Nhiều nhà bán lẻ Mỹ đã lựa chọn chấp nhận chịu chi phí này và lợi nhuận suy giảm mạnh chứ không đẩy nó về phía người tiêu dùng.
Trung Quốc và Mỹ đang bán hàng cho nhau ở tốc độ cao nhất trong nhiều năm, mối quan hệ thương mại song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện đang phát triển mạnh như chưa từng có chiến tranh thương mại hay đại dịch Covid-19, theo bài đăng mới đây trên Bloomberg.
18 tháng sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ký kết thỏa thuận thương mại, thỏa thuận này dường như cho đến giờ chưa phát huy được nhiều tác dụng. Thâm hụt thương mại của Mỹ chưa giảm, các biện pháp thuế quan vẫn tiếp tục được áp dụng, đồng thời cũng chưa có thêm nhiều các cuộc đối thoại về nhiều vấn đề kinh tế khác.
Thương mại hàng hóa hai chiều phát triển tốt cho thấy một lĩnh vực trong quan hệ vẫn ổn định trong khi nhiều lĩnh vực khác đang tiếp tục xấu đi, đặc biệt phải kể đến căng thẳng leo thang về vấn đề Hồng Kông, Đài Loan, nguồn gốc đại dịch Covid-19, các lời cáo buộc tấn công mạng máy tính và nhiều vấn đề quan trọng khác.
Thương mại hàng hóa hai chiều hàng tháng, sau khi giảm xuống mức còn 19 tỷ USD vào tháng 2/2020 trong bối cảnh các nhà máy tại Trung Quốc đóng cửa, từ thời điểm đó đến nay đã hồi phục đáng kể lên những mức kỷ lục mới, theo số liệu của Trung Quốc.
Sự bùng nổ này được dự báo sẽ tiếp diễn, Trung Quốc mua hàng triệu tấn hàng hóa nông sản Mỹ trong năm nay, cùng lúc đó những người Mỹ trong tình trạng phong tỏa vẫn tiếp tục mua sắm và vì vậy doanh nghiệp Mỹ nhập khẩu giá trị kỷ lục hàng hóa Trung Quốc.
Dù rằng số liệu công bố từ phía Mỹ có phần khác biệt, việc thương mại phát triển mạnh giữa hai nước đã đi ngược lại mọi kỳ vọng rằng mức thuế quan cao hơn áp với hàng trăm tỷ USD hàng hóa sẽ khiến cho chuỗi cung ứng đảo chiều.
Thay vào đó, cả hai bên dường như đang cố gắng sống chung với các mức thuế quan mới, doanh nghiệp Trung Quốc mua thêm nhiều hàng hóa Mỹ để đáp ứng điều khoản trong thỏa thuận thương mại năm 2020 còn phía doanh nghiệp Mỹ mua nhiều loại hàng hóa mà họ chỉ mua được từ Trung Quốc nhằm đáp ứng cho nhu cầu của người tiêu dùng, người tiêu dùng Mỹ chi tiêu mạnh tay một phần cũng bởi hàng nghìn tỷ USD kích cầu.
Phó chủ tịch phụ trách chuỗi cung ứng và chính sách thuế tại Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ, ông Jonathan Gold, nhận xét: “Chúng ta đã chứng kiến nhu cầu của người tiêu dùng tăng mạnh trong suốt đại dịch và mức độ nhập khẩu từ đó đến nay đã tăng chóng mặt. Có dấu hiệu rõ ràng cho thấy kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục hồi phục”.
Xuất khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan vào Mỹ cũng đã tăng trưởng đáng kể trong thời gian nói trên, nó cho thấy nhu cầu tiêu dùng của phía Mỹ tăng trưởng mạnh bất chấp việc họ vừa trải qua đợt bùng dịch Covid-19 với nhiều hậu quả tồi tệ hơn so với phần lớn các nước trên thế giới.
Tại cảng Los Angeles lớn nhất của Mỹ, ước tính khoảng nửa trong tổng số kim ngạch hàng hóa đa phương 259 tỷ USD liên quan đến Trung Quốc và Hồng Kông. Nhu cầu hàng hóa của người Mỹ vẫn tiếp tục, hàng hóa vào các cảng của Mỹ ngày một nhiều dần bởi các doanh nghiệp cố gắng mua gom hàng hóa trước thềm dịp mua sắm vô cùng sôi động cuối năm.
Khi mà phía Mỹ tăng thuế với khoảng hơn 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, từ da giày cho đến quần áo hay hàng điện tử và xe đạp hoặc thậm chí cả thức ăn cho thú cưng, nhiều nhà bán lẻ Mỹ đã lựa chọn chấp nhận chịu chi phí này và lợi nhuận suy giảm mạnh chứ không đẩy nó về phía người tiêu dùng.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho đến nay chưa hề nói đến việc liệu có tiếp tục với thỏa thuận thương mại từ thời Donald Trump hay không, tuy nhiên, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã gọi mối quan hệ này là “thiếu cân bằng” và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định thỏa thuận này không giải quyết được những vấn đề căn bản với Trung Quốc, triển vọng vì vậy rất khó đoán.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận