Vì sao Omicron lây lan với tốc độ chóng mặt ?
Trong khi các biến chủng khác thất thế, biến chủng Omicron của SARS-CoV-2 vẫn lây lan như vũ bão và khiến các nhà khoa học đau đầu.
Chỉ hơn một tháng sau khi được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 26.11.2021 xếp vào nhóm biến chủng đáng lo ngại, Omicron đã lan khắp thế giới, vượt Delta để trở thành biến chủng chiếm ưu thế ở một số nơi và đẩy số ca nhiễm nhiều nước tăng vọt.
Theo NPR, số ca nhiễm mới ở Mỹ những ngày gần đây luôn dao động quanh mức nửa triệu. Tính đến 31.12.2021, Pháp đã 3 ngày liên tiếp ghi nhận số người mắc Covid-19 kỷ lục và vượt mốc 200.000 ca nhiễm mới/ngày. Reuters đưa tin Ý cũng phá kỷ lục của chính mình khi báo cáo 144.243 ca bệnh mới ngày 31.12.2021. Tại Anh, số ca nhiễm lại đạt mức cao nhất kể từ đầu đại dịch trong ngày cuối năm 2021 với 189.846 người mắc Covid-19.
Việc Omicron lây lan mạnh ở những nơi phần lớn người dân đã tiêm vắc xin là vấn đề đáng báo động. Do đó, các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu vì sao biến chủng mới lại lây nhanh như vậy.
Khả năng của Omicron
Đến nay, khả năng đáng gờm nhất của Omicron là thoát miễn dịch. Nghiên cứu mới ở Đan Mạch cho thấy đây có thể là đặc điểm giúp Omicron chiếm ưu thế. Các nhà khoa học phát hiện Omicron lây nhiễm cao hơn 2,7 - 3,7 lần so với biến chủng Delta ở những người đã chủng ngừa và tiêm liều tăng cường. Tuy nhiên, ở người chưa tiêm vắc xin, cả Omicron và Delta có cùng mức độ lây nhiễm. Nói cách khác, số ca nhiễm tăng vọt có thể do Omicron thoát miễn dịch chứ không hẳn do biến chủng mới lây nhanh hơn.
Đặc điểm nổi bật này thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học. “Môi trường lây nhiễm hiện tại đã khác thời kỳ đầu đại dịch. Phần lớn biến chủng trước đây không thể phát triển mạnh khi mức độ miễn dịch cao như vậy”, NPR dẫn lời chuyên gia bệnh truyền nhiễm Joshua Schiffer tại Trung tâm Nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson (Mỹ).
Thời gian ủ bệnh ngắn
Tuy nhiên, với việc mang số lượng lớn đột biến, Omicron còn có thể sở hữu những lợi thế khác như khả năng tạo ra nhiều bản sao hơn trong tế bào hay tồn tại ngoài không khí lâu hơn. Chuyên gia Schiffer cho biết bất kỳ đặc điểm nào ở trên đều sẽ giúp Omicron lây nhanh hơn và các nhà khoa học sẽ phải tiếp tục nghiên cứu để xác nhận điều này.
Trong lúc đó, các chuyên gia phát hiện một đặc điểm nổi bật khác của Omicron: thời gian ủ bệnh ngắn. Một nghiên cứu về bữa tiệc Giáng sinh siêu lây nhiễm ở Oslo, Na Uy cho thấy người nhiễm Omicron ủ bệnh trong 3 ngày. Trong khi đó, người nhiễm Delta ủ bệnh trong 4,3 ngày và đến 5 ngày nếu là các biến chủng khác. Ông Schiffer chỉ ra rằng điều này khiến biến chủng mới có nhiều chu kỳ lây nhiễm hơn. Người mắc Covid-19 do Omicron cũng có ít thời gian hơn để nhận ra mình đã nhiễm SARS-CoV-2 trước khi phải tự cách ly.
Nghiên cứu khác từ Đại học Hồng Kông còn phát hiện Omicron nhân lên ở mẫu mô từ phế quản nhanh hơn 70 lần so với Delta. Tuy nhiên, biến chủng mới lại gặp khó khăn hơn trong việc lây nhiễm tế bào phổi so với phiên bản SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tại Vũ Hán, Trung Quốc. Điều này dẫn đến việc người nhiễm Omicron có tải lượng vi rút cao ở đường hô hấp trên và dễ phát tán vi rút ra không khí với nồng độ cao hơn.
Omicron không gây tổn thương phổi như các biến chủng khác
Tờ The New York Times ngày 31.12.2021 đưa tin nhiều nghiên cứu được thực hiện trên động vật cho thấy Omicron không gây tổn thương phổi như những biến chủng trước đó. Các nhà khoa học phát hiện biến chủng Omicron đa số bám ở mũi, họng và khí quản nên ít gây khó thở. Trong khi đó, các biến chủng khác chủ yếu tấn công phổi và để lại tổn thương nặng nề.
Để rút ra kết luận trên, các nhóm nghiên cứu đã lây nhiễm tế bào trên đĩa thí nghiệm và phun trực tiếp biến chủng Omicron vào mũi của động vật. Kết quả thu được cho thấy Omicron gây bệnh nhẹ hơn Delta. Bên cạnh đó, các động vật cũng không sụt cân nhiều và ít tử vong hơn khi nhiễm biến chủng mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận