Vì sao nhiều tuyến cao tốc chỉ có hai làn xe?
Do ngân sách hạn chế, khó huy động nguồn lực xã hội nên một số cao tốc chỉ có hai làn xe và sẽ được nâng lên 4-6 làn vào giai đoạn hoàn chỉnh.
Thời gian qua, một số đoạn cao tốc đã đưa vào khai thác chỉ có hai làn xe, nền đường rộng 12 m, như Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị - Thừa Thiên Huế), La Sơn - Túy Loan (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng). Các đoạn này không có làn dừng khẩn cấp, chỉ thiết kế điểm dừng khẩn cấp.
12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2021 phần lớn được thiết kế bốn làn xe hạn chế, nền đường rộng 17 m, không có làn dừng khẩn cấp. Dự kiến giai đoạn hoàn chỉnh, các dự án này sẽ được mở rộng thành 4-6 làn xe, có làn dừng khẩn cấp dọc tuyến.
Sau khi đưa vào khai thác, một số cao tốc có lưu lượng lớn như Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) đã bộc lộ hạn chế khi không có làn dừng khẩn cấp. Phương tiện gặp sự cố phải dừng trên một làn đường gây ùn tắc, công tác cứu hộ gặp khó khăn. Đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn với bốn làn xe hạn chế cũng thường ùn tắc vào ngày lễ Tết do lưu lượng phương tiện lớn.
Lý giải một số tuyến cao tốc được thiết kế hai làn hoặc bốn làn hạn chế, không khác với quốc lộ, tỉnh lộ, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết theo quy hoạch đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 5.000 km đường cao tốc và cần nguồn vốn 813.000 tỷ đồng. Thực tế, giai đoạn 2010-2020 ngân sách mới bố trí 395.000 tỷ đồng, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 thêm khoảng 178.000 tỷ đồng. Do ngân sách hạn chế, một số dự án cao tốc đã và đang được phân kỳ đầu tư, đến giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đảm bảo quy mô theo đúng quy hoạch.
Nhiều quốc gia cũng đang áp dụng cách phân kỳ đầu tư như Canada, Australia, New Zealand, Anh, Phần Lan, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tức là giai đoạn đầu do điều kiện nguồn lực xã hội còn hạn chế, hoặc do điều kiện địa hình, họ thiết kế và thi công cao tốc hai làn xe, mỗi hướng chỉ có một làn xe chạy.
Về làn dừng khẩn cấp, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã chỉ đạo điều chỉnh. Những tuyến cao tốc được phân kỳ đầu tư bố trí thêm điểm dừng, mỗi điểm cách nhau 5 km thay vì cách 10 km như trước, chiều dài điểm dừng khẩn cấp từ 30 m lên 170 m.
PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), cũng chỉ ra khó khăn về vốn khiến một số cao tốc chỉ có hai làn xe, hoặc bốn làn xe hạn chế. Việc huy động xã hội hóa khó khăn do các dự án cao tốc có suất đầu tư lớn, doanh nghiệp không chịu nổi nếu không phân kỳ đầu tư. Thời gian tới, nếu các dự án hai làn được điều chỉnh lên bốn làn xe, nhất là ở những khu vực địa hình khó khăn, cần nâng tỷ lệ góp vốn của nhà nước thì dự án mới khả thi.
Ngoài ra, lưu lượng phương tiện, nhu cầu của người dân ở nhiều vùng chưa cao như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Cao Bằng, Sơn La nên các dự án có thể phân kỳ đầu tư. Sau này khi nguồn lực tốt hơn, nhu cầu người dân tăng lên, nhà nước sẽ đầu tư mở rộng, hoàn chỉnh theo đúng quy hoạch. Để chuẩn bị cho tương lai, các địa phương đã giải phóng mặt bằng đến 4-6 làn xe để giữ đất.
Quan trọng hơn, ông Trần Chủng cho rằng các dự án cần kết nối đồng bộ, như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đang có lưu lượng xe thấp song nếu kéo lên đến cửa khẩu Hữu Nghị thì sẽ tăng mạnh. Hay cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tăng lượng xe sau khi có tuyến Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái. "Đầu tư cao tốc không chỉ tính toán hai làn hay bốn làn mà làm sao có sự kết nối liên tục mới phát huy hiệu quả", ông Chủng nói.
Ngày 15/2, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính sau chuyến kiểm tra các dự án giao thông đầu năm. Thủ tướng yêu cầu không đầu tư cao tốc hai làn xe bởi gây lãng phí nguồn lực và thời gian nâng cấp, mở rộng. Quy hoạch cao tốc phải có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu bốn làn ôtô, có làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 80-100 km/h.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận