Vì sao nhiều ngôi nhà cũ sơn hoặc đắp nổi số năm 1979, 1983... ở phía trước?
Có lẽ ai cũng ít nhất một lần nhìn thấy những ngôi nhà cũ có con số 1981, 1982, 1990, 1995... được sơn hay đắp nổi ở phía trước; những con số này nói lên điều gì?
Những ngôi nhà mới xây hiện nay hầu như không còn được thiết kế với con số như vậy nữa; tuy nhiên nếu đi tới các địa phương, bạn vẫn dễ dàng nhìn thấy những ngôi nhà xây từ vài chục năm đổ về trước có đặc điểm này. Thường con số biểu thị năm như 1974, 1982, 1991... được thể hiện khá nổi bật ở vị trí dễ nhìn nhất khi người ngoài hướng về ngôi nhà. Chúng thường hiện diện ở dưới mái hiên trước nhà, phía trên cửa chính, nằm trang trọng chính giữa.
"Tại sao ngày xưa xây nhà thường để năm" là câu hỏi được nhiều người gõ lên mục tìm kiếm của Google với mong muốn hiểu được hiện tượng đó.
Con số này không chỉ có tác dụng trang trí, mà quan trọng nhất là để ghi nhớ "năm sinh" của ngôi nhà.
Ngôi nhà là tổ ấm, nơi che nắng che mưa, nơi con người quay về trú ngụ và nghỉ ngơi sau những vật lộn, vất vả bên ngoài, có ý nghĩa vô cùng quan trọng với mỗi gia đình. Dựng được ngôi nhà mới có thể an cư, phải an cư mới có thể lạc nghiệp. Trong khi đó, dù là thời xưa hay thời nay, việc xây nhà luôn khó khăn và vô cùng tốn kém, có những người tích cóp cả đời mới đủ tiền xây. Vì vậy, một khi xây xong, nó chính là thành tựu to lớn cả đời của gia đình, là niềm tự hào mà người chủ muốn không chỉ mình mà cả con cháu cũng đều ghi nhớ.
Vì thế, nếu để ý, bạn sẽ thấy trên đất Việt Nam, rất nhiều ngôi nhà được xây từ đến cuối những năm 1990 trở về trước có chi tiết "năm sinh" này. Con số luôn được sơn, đắp ở vị trí nổi bật, trang trọng ở mặt tiền, để không chỉ người nhà mà khách khứa cũng dễ dàng nhìn thấy. Thời gian trôi qua, ngôi nhà cũ đi, mọi người sẽ nhìn con số trên đó mà hoài niệm, nhắc lại những cột mốc đáng lưu tâm của những người trong gia đình: "Ngôi nhà này bằng tuổi thằng Cò"; "Hồi xây ngôi nhà này thì cái Bống mới vào lớp 1"; "Vậy mà cũng đã 30 năm, đã có 3 đứa con, 2 đứa cháu được sinh ra dưới mái nhà này..."
Có thể nói, ngôi nhà như một người thân chứng kiến niềm vui, nỗi buồn, những thăng trầm của gia đình và từng thành viên, cũng là người bạn đồng hành của họ. Ngôi nhà có "năm sinh" là một nét đặc trưng trong văn hoá Việt.
Ngoài việc ngày xưa xây nhà thường để năm, trong thiết kế nhà hồi trước cũng có một số nét đặc trưng khác.
Gian nhà: Nhà xưa thường được xây dựng với ít nhất 3 gian gồm gian chính là phòng khách, các gian phụ là phòng bếp và phòng ngủ. Nhà có bố cục gian lẻ 1, 3, 5 hay 7 gian cùng với 2 chái, rất hiếm nhà có số gian chẵn. Số lượng gian và chất liệu để làm nhà tuỳ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình. Bức màn sẽ là vách ngăn giữa các gian trong nhà và các gian nhà luôn được quay về hướng Nam để phù hợp với khí hậu tốt cũng như quan niệm phong thủy.
Cột nhà: Đây chính là phần trọng yếu để trụ đỡ toàn bộ sức nặng của ngôi nhà. Tùy theo mức độ to lớn của ngôi nhà mà gia chủ lựa chọn những cây cột đứng to, tròn hoặc thanh mảnh để phù hợp và chống đỡ một cách vững vàng nhất.
Bàn thờ trong nhà xưa là nơi trang trọng nhất, được trang hoàng các bức hoành phi câu đối bằng chữ Nho hoặc chữ Nôm. Ở những gia đình là trưởng chi hoặc trưởng tộc thì bàn thờ được bài trí đầy đủ hơn với long ngai, bài vị… Đây cũng là một nét tín ngưỡng đặc sắc của người Việt Nam.
Xung quanh không gian nhà xưa thường có sân vườn, giếng nước, chuồng trại, ao cá...
Nhà có "năm sinh", nhà 3 gian, có giếng nước, sân vườn... mang đậm nét văn hoá Việt là hình ảnh in đậm trong tâm trí nhiều người khi hoài niệm về nét xưa. Những ngôi nhà cũ có "năm sinh" vẫn còn đến ngày nay thường gợi cảm giác bình yên giữa cuộc sống hiện đại ồn ào, gấp gáp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận