Vì sao người nước ngoài không được mua BĐS ở Việt Nam ?
Việc chưa có quy định người nước ngoài sở hữu bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng là một trong những điểm nghẽn pháp lý.
Trong một cuộc hội thảo mới đây, TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam đã phải thốt lên: “Tôi luôn đặt ra câu hỏi, tại sao một năm người Việt Nam có thể chi hàng tỷ đến hàng chục tỷ đồng để mang ra nước ngoài mua BĐS? Tại sao các quốc gia đều khuyến khích thu hút mua bất động sản của nước họ? Tại sao người nước ngoài mua BĐS ở Việt Nam lại khó như vậy?”.
Trăn trở của TS. Lương Hoài Nam không phải không có lý, bởi trong khi có hàng chục ngàn căn hộ, biệt thự BĐS nghỉ dưỡng vẫn đang “mòn mỏi” chờ khách, thì ngược lại, nhà đầu tư Việt Nam vẫn "âm thầm" mang tiền ra nước ngoài đầu tư BĐS. Trước đó, theo thống kê của một tổ chức nước ngoài, trong vài năm mà số tiền người Việt Nam mua BĐS ở nước ngoài lên tới con số 3 tỷ USD. Dự báo, dòng vốn này sẽ còn tiếp tục “chảy máu” vì chính sách cởi mở cho người nước ngoài sở hữu BĐS của các quốc gia.
Nói về những điểm nghẽn của BĐS du lịch nghỉ dưỡng, trong vấn đề pháp lý, ngoài các vướng mắc về phân biệt các loại đất, ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, vấn đề là nằm ở chính sách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào BĐS du lịch hiện chưa có.
“Từ góc độ pháp luật đất đai, mặc dù người nước ngoài được phép mua nhà ở theo Luật Nhà ở nhưng Luật Đất đai năm 2013 không ghi nhận quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của người nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở”, ông Bình nói.
TS. Sử Ngọc Khương, chuyên gia BĐS cho rằng, trên thực tế, các nhà phát triển BĐS nghỉ dưỡng chủ yếu là doanh nghiệp trong nước, chiếm đến trên 80%, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài rất ít, chủ yếu là nhà điều hành, nhà tư vấn.
Nhưng xét ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhìn nhận, hiện các tổ chức nước ngoài đầu tư vào BĐS theo Luật Đầu tư không hạn chế danh mục nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam và cũng không cấm đầu tư nước ngoài vào danh mục BĐS và BĐS nghỉ dưỡng.
Minh chứng cho thấy, dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đổ vào lĩnh vực BĐS của Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, dòng vốn này luôn đứng thứ 3. Đơn cử như 10 tháng năm 2021, đã có hơn 2,1 tỷ USD vào lĩnh vực này. Nhiều tổ chức nước ngoài đã đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, các dự án nhà ở như: khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh, khu đô thị Ciputra Hà Nội, Gamuda Hà Nội…
Trước câu hỏi nên hay không nên cho cá nhân người nước ngoài sở hữu BĐS du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam? ông Đính cho rằng, việc này rất cần thiết. Bởi vì BĐS nghỉ dưỡng chỉ là một loại hàng hoá, như Luật Nhà ở vẫn cho người nước ngoài sở hữu nhà ở thương mại trong một dự án không quá 30%, trong khi ở khu nghỉ dưỡng còn cho tổ chức nước ngoài đầu tư cả dự án.
Mặc dù cơ quan chức năng lo ngại về tính sở hữu, nhưng theo ông Đính, sản phẩm này là đất dịch vụ có thời hạn.Việc cho phép họ mua chỉ nhằm mục đích lôi kéo nguồn vốn tham gia vào thị trường trong bối cảnh hạ tầng du lịch của Việt Nam còn yếu, huy động nguồn vốn của toàn xã hội vẫn còn khó khăn do quy định pháp lý sở hữu như thế nào cho người Việt.
“Cho phép cá nhân người nước ngoài mua họ đầu tư để kinh doanh tại sao mình không cho họ vào. Mình cũng có thể cho phép họ sở hữu theo tỉ lệ, thậm chí cho họ sở hữu cả khu để họ kinh doanh”, ông Đính đặt vấn đề.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận