24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vì sao người người nhà nhà lao vào mua cổ phiếu “rác”?

Cổ phiếu rác, hay cổ phiếu được bơm thổi (tiếng Anh thường được gọi là meme stock), là các cổ phiếu có giá tăng trưởng nóng, thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư không phải vì nội lực của doanh nghiệp mà là do các thông tin được lan truyền trên phương tiện truyền thông, các mạng xã hội, các diễn đàn hội nhóm.

Với sự phát triển của Internet cũng như sự tham gia ngày càng đông đảo của những nhà đầu tư mới, vốn thiếu kiến thức và kinh nghiệm, các cổ phiếu loại này xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường, mang đến nhiều niềm vui nhưng cũng không ít nước mắt cho những người quyết định tham gia vào nó. Bài viết này sẽ chỉ ra những quan sát và đánh giá cá nhân của tôi về đặc điểm và mức độ rủi ro khi đầu tư vào các cổ phiếu rác này để bạn có cái nhìn tổng thể nhất.

Vịt hóa thiên nga

Các cổ phiếu rác này thường tạo ra các cơn sóng thần trong một thời gian ngắn, giá trị và thanh khoản tăng đến vài lần thậm chí vài chục lần không phải vì hoạt động của doanh nghiệp có những chuyển biến tích cực mà bởi những sự đồn đại và các thông tin được truyền thông bơm thổi để kích thích sự hưng phấn ở các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân chưa có nhiều kinh nghiệm, ham làm giàu nhanh. Việc tăng nóng không dựa trên nội tại tất nhiên sẽ khiến giá của các cổ phiếu này vượt xa khỏi giá trị thực của chúng. Điển hình của các cổ phiếu loại này là case GME và AMC tại thị trường chứng khoán Mỹ, giá tăng vài chục lần (Ở Việt Nam thì ...). Tuy nhiên, không phải tất cả trong số chúng đều vô giá trị, nhiều cổ phiếu rác cũng sở hữu tiềm năng tăng trưởng nhưng những sự thổi phồng quá mức đã đẩy kỳ vọng đi quá xa so với thực tế.

Vì sao người người nhà nhà lao vào mua cổ phiếu “rác”?

Nguyên nhân giá của các cổ phiếu rác có khả năng bay rất cao là do giá trị ban đầu của chúng thường rất rẻ và có thanh khoản giao dịch thấp, khi đó chỉ cần số lượng người mua gia tăng, kéo theo lượng giao dịch tăng đột biến là cổ phiếu sẽ ngay lập tức “thăng thiên”. Một phần chúng được gọi là “rác” cũng vì đây thường là cổ phiếu của các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc hoạt động kinh doanh thiếu ổn định, đang trong chu kỳ suy thoái, cục diện rất xấu, vì vậy chỉ cần một chút chuyển biến tích cực cũng có thể tạo ra nhiều kỳ vọng đối với các nhà đầu tư.

Chu kỳ của một cổ phiếu rác

Chu kỳ tăng giá của một cố phiếu rác thường sẽ có hai cách bắt đầu. Cách thứ nhất là có những tin đồn hay câu chuyện được lộ ra trên truyền thông, sau đó được lan truyền rộng rãi và thu hút được sự tham gia của nhiều nhà đầu tư. Cách thứ hai là có những tổ chức hoặc cá nhân vào mua với khối lượng lớn, kéo giá cổ phiếu lên cao bất ngờ, sau đó các tin đồn mới bắt đầu xuất hiện, tạo ra tâm lý FOMO (Fear of Missing Out, sợ bị bỏ lỡ), đánh vào lòng tham của các nhà đầu tư khác. Với tốc độ lan truyền rất nhanh của Internet và mạng xã hội, giá cổ phiếu sẽ tăng lên rất nhanh chóng vì lôi kéo được sự tham gia và mong muốn kiếm tiền nhanh của nhiều nhà đầu tư. Như ở Việt Nam, các cổ phiếu rác sẽ bắt đầu chu kỳ tăng với hàng loạt các phiên tăng trần, thậm chí nhiều phiên liên tục không có người bán. Tuy nhiên, vì giá các cổ phiếu này thường không tăng trưởng theo nội tại thực tế của doanh nghiệp nên sớm muộn thì việc sụp đổ cũng sẽ xảy ra.

Chu kỳ của một cổ phiếu rác thường sẽ trải qua 4 giai đoạn sau:

- Giai đoạn 1 - Cá mập vào hàng: Một số cá nhân hoặc tổ chức nắm bắt được các thông tin nội bộ hoặc cảm thấy cổ phiếu đang ở dưới giá trị thực nên quyết định mua vào với khối lượng lớn. Giai đoạn này thường diễn ra khá lâu vì các nhà đầu tư sẽ thực hiện gom cổ phiếu liên tục trong nhiều phiên nhưng mỗi phiên chỉ mua với khối lượng nhỏ để tránh việc giá tăng quá cao. Vì thế, giá cổ phiếu trong giai đoạn này sẽ đi ngang hoặc chỉ tăng nhẹ trong một thời gian dài và khối lượng giao dịch bắt đầu tăng nhẹ nhưng cũng chỉ ở mức khá thấp.
- Giai đoạn 2 - Bắt đầu cuộc chơi: Một số nhà đầu tư khác nhanh nhạy bắt đầu theo dõi và nhận thấy sự gia tăng trong khối lượng giao dịch, khi cảm thấy cổ phiếu đã có sự tích lũy nền đủ lâu, họ quyết định mua vào. Số lượng người mua tăng đột biến khiến giá cổ phiếu ngay lập tức tăng mạnh. Thông thường có thể sẽ xuất hiện vài phiên tăng trần trước khi giá cổ phiếu rơi vào trạng thái điều chỉnh hoặc tích lũy do có một số người muốn rời khỏi cuộc chơi từ sớm. Điều đáng chú ý là ban đầu thanh khoản có sự gia tăng nhưng khi điều chỉnh thì sẽ thấp dần, cái này dân gian hay gọi là “tiết cung” vì hầu hết những cá mập ở giai đoạn 1 chưa muốn nhả hàng.
- Giai đoạn 3 - Những kẻ FOMO: Lúc này, các thông tin bơm thổi sẽ bắt đầu xuất hiện tại khắp các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, diễn đàn và hội nhóm. Có những thông tin là thật, có những thông tin chỉ là lời đồn được truyền tai nhau. Tâm lý FOMO bắt đầu lên cao, nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ, bắt đầu tham gia. Lúc này giá cổ phiếu được đẩy lên rất nhanh, tăng liên tục trong nhiều phiên liên tiếp, những cổ được truyền thông tốt có thể tăng bằng lần. Thanh khoản tăng mạnh, người mua người bán nhộn nhịp, người xuống tàu chúc người lên tàu thành công. Khi giá lên liên tục như vậy, nhiều người bắt đầu mua vào để cầu may, T+3 về là sẽ thoát hàng luôn chứ không kỳ vọng cái gì cả. Cái hay của giai đoạn FOMO là giá cổ phiếu luôn tăng trong nghi ngờ, nghĩa là ban đầu ai cũng ngờ vực là giá không tăng được nữa đâu, nhưng khi thấy bạn bè, người thân thu được lợi nhuận lớn thì họ lại quyết đánh liều một phen. Sau đó cổ phiếu vẫn tăng tiếp thì họ lại khoe với các bạn bè, người thân khác và vòng tròn này lại tiếp tục kéo thêm nhiều người vào cuộc chơi. Những người vào từ giai đoạn 1 và giai đoạn 2 cũng tranh thủ chốt lời một phần.
- Giai đoạn 4 - End game: Trong giai đoạn phân phối này, những cá mập tham gia từ giai đoạn 1 và giai đoạn 2 quyết định chốt lời phần lớn cổ phiếu đang nắm giữ. Có những cổ phiếu cá mập rất phũ khi họ thoát hàng liền trong vài phiên với thanh khoản khổng lồ. Tuy nhiên, đa phần họ sẽ không chốt liền một lúc vì vẫn đang ôm khối lượng rất lớn, vì thế sẽ thoát hàng dần dần qua từng phiên. Khối lượng giao dịch bắt đầu tăng lên, biên độ dao động cũng tăng lên. Nhiều người đánh hơi được điều này cũng bắt đầu bán ra, xuất hiện những phiên giá cổ phiếu giảm mạnh hoặc những phiên nằm sàn. Tuy nhiên, vì hiệu ứng FOMO vẫn còn nên cũng có nhiều người vào bắt đáy, hấp thụ hết lượng cổ phiếu phân phối. Để thoát hết hàng thì các cá mập sẽ phải mất thời gian 1 vài tuần duy trì thanh khoản vừa phải, tránh bị lộ bài. Trong thời gian này thì điều dễ thấy là giá cổ phiếu bắt đầu có sự lên xuống, tăng giảm đan xen chứ không tăng 1 chiều như trước nữa. Nền giá sẽ được giữ một thời gian cho đến khi nhà đầu tư FOMO chán nản và bắt đầu bán ra, từ lúc này giá cổ phiếu cũng bắt đầu giảm sâu vì tâm lý FOMO không còn nữa.
Vì sao người người nhà nhà lao vào mua cổ phiếu “rác”?

Vì sao giá cổ phiếu tăng trần liên tục thì cũng giảm sàn liên tục?

Câu trả lời rất đơn giản, vì tâm lý của các nhà đầu tư. Khi cổ phiếu tăng trần liên tục, ai cũng nghĩ rằng sẽ có ngày cổ phiếu giảm sàn liên tục. Vì vậy khi cổ phiếu bắt đầu thực sự giảm sàn 2-3 phiên do số lượng người bán quá nhiều, nhà đầu tư đứng ngoài sẽ nghĩ cổ phiếu sẽ còn giảm sàn tiếp và không ai dám vào mua. Chỉ đến khi cổ phiếu giảm đến mức mà người ta cho là “chấp nhận được” thì sẽ có dòng tiền vào bắt đáy. Nhưng cũng phải cẩn trọng vì đây có thể là hiệu ứng Cú nảy mèo chết (Dead Cat Bounce), có thể sau khi có lực bắt đáy, giá cổ phiếu sẽ thoát khỏi cảnh nằm sàn nhưng sẽ ngay lập tức nhanh chóng quay đầu giảm do lực bán vẫn còn rất mạnh.

Ai được ai mất từ những cổ phiếu rác?

Có thể thấy, phần lớn những nhà đầu tư tham gia cuộc chơi từ giai đoạn 1 và giai đoạn 2 sẽ là những người nắm thế chủ động trong chu kỳ của 1 cổ phiếu rác. Họ đủ tiềm lực tài chính và kinh nghiệm để có thể kéo giá cổ phiếu lên và chốt lời thông qua việc phân phối lại cho các nhà đầu tư tham gia ở giai đoạn sau. Những nhà đầu tư FOMO tham gia ở giai đoạn 3 là những người chịu nhiều rủi ro nhất vì họ sẽ không thể biết được khi nào cá mập sẽ thực hiện phân phối, việc mua vào ở giai đoạn này có thể coi như việc đánh bạc. Những nhà đầu tư FOMO đủ tỉnh táo có thể sẽ thoát hàng ra được đúng thời điểm còn những người non kinh nghiệm, những nhà đầu tư F0 sẽ thường là những người bị bỏ lại sau cùng vì họ không hề biết cách xử lý khi giai đoạn phân phối bắt đầu xảy ra. Khi những những nhà đầu tư FOMO chán nản bắt đầu bán ra thì đó cũng là lúc giá cổ phiếu tuột dốc không phanh.

Vì sao người người nhà nhà lao vào mua cổ phiếu “rác”?

Nếu bạn muốn chấp nhận rủi ro để kiếm lời từ những cổ phiếu rác, hãy đảm bảo rằng bạn đủ kiến thức và kinh nghiệm để xử lý trong mọi tình huống có thể xảy ra, đừng đánh cược toàn bộ số tiền của mình vào những thương vụ một mất một còn. Hãy tỉnh táo để biết rằng mình đang ở giai đoạn nào trong chu kỳ tăng nóng của một cổ phiếu và phải luôn học cách tư duy như những người tham gia ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Nếu bạn hiểu được những gì cá mập sẽ làm thì bạn sẽ có nhiều cơ hội bơi cùng họ hơn, còn nếu không thì bạn sẽ chỉ làm con mồi. Thị trường chứng khoán vốn dĩ rất khắc nghiệt và lời khuyên của tôi là hãy luôn thực sự tỉnh táo có thể tránh được những chiếc bẫy nguy hiểm có thể giăng ra bất cứ lúc nào.

Chúc các bạn đầu tư thành công và gặp nhiều may mắn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả