menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Chung Chính

Vì sao ngân hàng liên tục thoái vốn khỏi công ty tài chính?

Thị trường mua bán sáp nhập trên lĩnh vực tài chính đang thu hút sự chú ý lớn khi các thương vụ ngân hàng (NH) chuyển nhượng vốn tại công ty tài chính (CTTC) trực thuộc liên tục được công bố.

Ngày 25-8, SHB thông báo đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn điều lệ tại Công ty tài chính TNHH MTV NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance). Đối tác nhận chuyển nhượng vốn là NH TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan, thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG – Nhật Bản.

Krungsri là tập đoàn tài chính lớn thứ 5 tại Thái Lan về tổng tài sản, dư nợ, tiền gửi. Tại Thái Lan, Krungsri cung cấp một loạt các dịch vụ NH, tài chính tiêu dùng, đầu tư, quản lý tài sản và các sản phẩm, dịch vụ tài chính khác cho tiêu dùng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các tập đoàn lớn.

Trong đó, Tập đoàn Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG), tập đoàn tài chính lớn nhất Nhật Bản, và một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới, nắm giữ 76,88% vốn của Krungsri. MUFG cũng đã có nhiều kinh nghiệm hoạt động tại thị trường Việt Nam, là cổ đông chiến lược sở hữu 20% vốn tại một NH lớn trong nước của Việt Nam.

Theo thỏa thuận, khi được sự chấp thuận của NHNN cũng như cơ quan quản lý có liên quan của Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri, và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm.

SHB cho biết, thỏa thuận chuyển nhượng SHB Finance sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông của SHB, cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của SHB.

4 tháng trước, vào ngày 28-4-2021, VPBank cũng đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC) bán 49% vốn điều lệ tại FE CREDIT cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), công ty con do SMBC sở hữu 100% vốn. Thời điểm bán vốn, FE Credit được định giá đến 2,8 tỷ USD. Theo đó, khoản tiền VPBank có thể thu về từ thương vụ này là gần 1,4 tỷ USD.

Vì sao ngân hàng liên tục thoái vốn khỏi công ty tài chính?
Ngược với NH trong nước dần sang tay công ty tài chính, doanh nghiệp nước ngoài lại có sự quan tâm đặc biệt tới thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam.

NH bán CTTC trực thuộc là xu hướng phổ biến trong những năm gần đây. Đơn cử, HDBank và MB đã sớm bán 49% vốn ở công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc cho đối tác Nhật Bản. Năm 2018, Techcombank hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại TechcomFinance cho Tập đoàn Lotte Hàn Quốc, khi công ty này chỉ mới có giấy phép kinh doanh và chưa đi vào hoạt động.

Hiện tại MSB cũng đang có kế hoạch thoái 100% vốn khỏi CTTC FCCOM, thay vì mức 50% như kế hoạch trước đó. Theo MSB, NH đã xin giấy phép từ NHNN, dự kiến thời gian thực hiện tìm đối tác và hoàn thành thương vụ không dưới 1 năm, sớm nhất là cuối năm 2022.

Trong hơn 10 năm phát triển, tài chính tiêu dùng Việt Nam ngày càng cho thấy tiềm năng, và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng với quy mô dân số hơn 98 triệu người, dân số trẻ ở độ tuổi trung bình 32,9 tuổi. Dư nợ tín dụng tiêu dùng cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2012.

Năm 2021, dự báo nhu cầu tín dụng tiêu dùng khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao, có thể tăng khoảng 13-15%.

Dù vậy, một chuyên gia tài chính nhận định, các NH Việt Nam cũng đang đi vào quỹ đạo chung của thế giới, tức dần dần rời khỏi mảng cho vay tiêu dùng thông qua việc thoái vốn, hoặc giảm cổ phần khỏi các công ty tài chính vì rủi ro về cho vay tiêu dùng cá nhân rất lớn.

Với rủi ro đó, không loại trừ trường hợp nhiều công ty tài chính báo lãi trên báo cáo tài chính, nhưng có thể trên thực tế đang lỗ. Thêm vào đó, trong thời gian dịch bệnh vừa qua, các cá nhân giảm doanh thu lợi nhuận, lương thưởng… tác động đến sức khỏe tài chính rất mạnh. Và như thế rủi ro này càng ngày càng tăng, càng tác động lớn đến quyết định bán vốn tại công ty tài chính của các nhà băng.

Ngược lại, nhiều nhà đầu tư nước ngoài có sự quan tâm đặc biệt tới thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, vì họ tự tin có công nghệ tài chính phù hợp để kiểm soát được rủi ro và có nguồn vốn lớn, đủ sức tránh được thiệt hại trong trường hợp rủi ro tín dụng tiêu dùng tăng.

Với tình hình hiện nay, những thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực này được dự báo sẽ còn sôi động thời gian tới.

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại