24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Anh Đức
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vì sao ngân hàng khó dứt nợ xấu tại toà án?

Những tưởng đưa các tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và bên vay ra toà án là có thể xử lý dứt điểm nhưng thực tế lại không như vậy.

Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) và các cơ quan thuộc Tòa án Nhân dân TP Hà Nội vừa có buổi hội thảo: “Thực trạng giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại, tín dụng, ngân hàng tại tòa án và các vấn đề pháp lý các tổ chức tín dụng cần lưu ý liên quan đến hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp”.

Bất cập bủa vây xử lý nợ xấu

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VNBA cho rằng, việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm tại các tổ chức tín dụng thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là kể từ khi Nghị quyết số 42 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng ra đời.

Tuy nhiên, những kết quả tích cực này chủ yếu đến từ ý thức trả nợ của người dân được nâng cao. Trong khi đó, đến nay chưa khoản nợ nào xác định theo Nghị quyết 42 được áp dụng thủ tục rút gọn.

Vì sao ngân hàng khó dứt nợ xấu tại toà án?

Ngay cả tòa vẫn không giải quyết được chây ỳ trả nợ của khách hàng.

Thậm chí, theo ông Hùng, các tổ chức tín dụng hội viên phản ánh quá trình giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại, tín dụng, ngân hàng tại tòa án hiện nay; trong đó có Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội và các tòa án nhân dân các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội còn phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập.

“Hiệp hội Ngân hàng nhận được nhiều đơn phản ánh từ các tổ chức tín dụng hội viên đề nghị can thiệp bảo vệ quyền lợi từ các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại, tín dụng, ngân hàng”, ông Hùng nói.

Đại diện một ngân hàng thương mại nhà nước cho hay, một trong những khó khăn hiện nay của việc giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng là xác định trụ sở bị đơn, nơi làm việc thì khách hàng là chủ doanh nghiệp rất quan trọng, trước đây một trong những lý do tòa trả hồ sơ là không xác định được địa chỉ bị đơn.

“Tòa án thường yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp xác minh của cơ quan Công an có thẩm quyền về nơi cư trú của khách hàng/bên bảo đảm trước khi thụ lý hồ sơ khởi kiện. Tuy nhiên, công an địa phương từ chối xác minh lý do thông tin cư trú là thông tin cá nhân, chỉ cung cấp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không cung cấp cho các cá nhân, tổ chức khác và hồ sơ khởi kiện không được thụ lý”, vị đại diện ngân hàng này chia sẻ.

Một ngân hàng thương mại khác cho rằng, khi nhận thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất và/hoặc tài sản gắn liền với đất, các tổ chức tín dụng căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp được cơ quan có thẩm quyền cấp cho bên bảo đảm để xác định chủ sở hữu tài sản và thực hiện thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

Lẽ đó, các tổ chức tín dụng không thể biết hoặc không có điều kiện để biết và cũng không thể lường trước được việc sẽ phát sinh tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản giữa bên bảo đảm và chủ sở hữu cũ.

Thế nhưng, một số tòa án khi xét xử lại tuyên ngân hàng phải trả lại giấy chứng nhận vì theo quan điểm của thẩm phán khi xét xử cho rằng, khi ký hợp đồng thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản tiền vay, các tổ chức tín dụng không tiến hành thẩm định tài sản thế chấp theo đúng quy định. Vì vậy, tổ chức tín dụng không xác định được tài sản thế chấp là của ai…, trên cơ sở đó tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp đồng thời với tuyên vô hiệu Hợp đồng chuyển nhượng…

Hay một số đại diện ngân hàng khác lại nêu khó khăn về mức lãi suất được áp dụng trong các quan hệ tín dụng, thời hiệu khởi kiện, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, giao dịch trao đổi tài sản…

Đánh giá chung, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng cho biết, qua tập hợp các vướng mắc liên quan giải quyết các tranh chấp dân sự từ các ngân hàng cho thấy có 3 nhóm vướng mắc đang tồn tại, bao gồm: (i) nhóm vướng mắc cần thống nhất nhận thức và áp dụng quy định pháp luật trong thực tiễn xét xử; (ii) nhóm bất cập về thủ tục hành chính tố tụng; (iii) nhóm vướng mắc xác định trách nhiệm dân sự trong các vụ án hình sự.

Phối hợp để tháo gỡ vướng mắc

Thông thường, các vụ tranh chấp kinh doanh thương mại, hợp đồng tín dụng khi được đưa ra toà đều là nợ xấu. Thế nhưng, với đủ loại bất cập nêu trên, việc xử lý dứt điểm nợ xấu tại tòa rất khó khăn. Đấy là chưa kể, mặc dù ra được bản án nhưng tỷ lệ thi hành án cũng vô cùng khiêm tốn.

Tại hội thảo, lãnh đạo Tòa án Nhân dân Hà Nội và các bộ phận chuyên môn cũng có những giải thích về vấn đề các ngân hàng nêu, trong đó có những nguyên vì lý do khách quan, những có một số nguyên nhân chủ quan cần khắc phục.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chánh tòa Kinh tế, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, qua quá trình giải quyết các tranh chấp hợp đồng tín dụng tại tòa án nhân dân rất nhiều vụ tranh chấp bên vay tài sản đã vi phạm nghĩa vụ ngay từ khi ký kết hợp đồng. Từ đó có thể thấy, phần lớn các vụ tranh chấp là do quá trình xem xét và cấp tín dụng của cán bộ tín dụng và ngân hàng chưa tốt, thẩm định và giám sát các khoản tiền vay còn lỏng lẻo dẫn đến việc bên vay không trả được tiền cho ngân hàng.

Bên cạnh đó, còn nhiều các tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan đến khoản nợ gốc và lãi. Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, trên thực tế giải quyết các tranh chấp hợp đồng tín dụng, các bên trong quan hệ tín dụng ít khi tranh chấp về khoản nợ gốc vì việc giải ngân của ngân hàng thường chặt chẽ và có ký nhận hoặc chuyển khoản một cách rõ ràng.

“Tuy nhiên, các ngân hàng khi thu nợ gốc và lãi phải rõ ràng trong các giấy tờ về nghiệp vụ ngân hàng, tránh việc sau này khi xảy ra tranh chấp, bên vay tiền thường cho rằng ngân hàng thu tiền không đúng, đáng lẽ phải thu vào nợ gốc lại thu vào lãi trước là không đúng thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng mà hai bên đã ký kết”, ông Thành lưu ý.

Ngược lại, ông Thành cũng công nhận việc yêu cầu ngân hàng cung cấp bản xác minh của công an về tình trạng cư trú của bị đơn là yêu cầu không cần thiết.

"Việc này có thể xuất phát từ việc một số thẩm phán sợ quá trình thụ lý bị kéo dài nếu tòa đi xác minh, nên muốn làm "tròn trịa" hồ sơ trước khi thụ lý chính thức đã đưa yêu cầu ngân hàng phải đi xác minh, nhưng yêu cầu như vậy là không đúng. Toà án sẽ phối hợp với ngân hàng để điều chỉnh yêu cầu này", ông Thành nói.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, đại diện Vụ Pháp chế kiến nghị, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, lãnh đạo Tòa án Nhân dân các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội cần xem xét, xử lý kịp thời, theo thẩm quyền các ý kiến của Ngân hàng Nhà nước tại các văn bản đã gửi các đơn vị này. Xem xét giải quyết một số vụ việc liên quan đến các tổ chức tín dụng, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức tín dụng, thống nhất việc áp dụng quy định pháp luật.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả