Vì sao ngân hàng cấp tốc chuyển sàn?
Chuyển sàn sang HOSE, các ngân hàng sẽ có thêm cơ hội, nhất là khi nhu cầu vốn và tăng trưởng ngày càng trở nên cấp thiết.
Lên sàn để nâng giá trị
Theo đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025", năm nay là hạn chót để các ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán chính thức.
Dưới áp lực pháp lý, các ngân hàng nhỏ hơn như Ngân hàng Bản Việt, Nam Á Bank đã bắt đầu niêm yết trên sàn UpCom vào năm 2020. Bên cạnh đó, các ngân hàng lớn hơn như OCB, Maritime Bank, SeaBank lại có kế hoạch niêm yết trực tiếp trên HOSE vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.
Đánh giá về động thái trên, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, việc niêm yết mới trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) của các ngân hàng đang được đẩy nhanh hơn. Điều thú vị là những ngân hàng không chịu áp lực pháp lý vì đã niêm yết trên HNX như SHB hoặc đã đăng ký giao dịch trên UpCom như VIB, LPB cũng có kế hoạch chuyển sang HOSE trong quý IV/2020, bất chấp điều kiện thị trường bất lợi do Covid-19.
Nhu cầu chuyển sàn này một phần có thể do áp lực cạnh tranh, vì các ngân hàng cấp 2 khác có quy mô tương đương đang niêm yết thẳng trên HOSE. Ngoài ra, phần khác có thể là do nhu cầu vốn, vì việc niêm yết trên HOSE sẽ cải thiện cơ hội thu hút vốn trong tương lai với định giá tốt hơn. Hệ số an toàn vốn (CAR) của SHB, VIB và LPB lần lượt là 10,36%, 9,69% và 8,59%.
Đối với các ngân hàng, không có thách thức đáng kể nào khi niêm yết trên HOSE, tuy nhiên việc công bố thông tin tại HOSE chặt chẽ hơn UpCom. Ví dụ, UpCom chỉ yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính bán niên và cả năm, trong khi HNX và HOSE yêu cầu báo cáo tài chính quý.
“Chúng tôi tin rằng điều này không ảnh hưởng đến LPB, VIB và các ngân hàng đều đáp ứng được những thay đổi này”, SSI Research nhận định.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, niêm yết trên HOSE có thể mang lại nhiều lợi ích, giúp ngân hàng có nhiều cơ hội tăng vốn hơn.
Thứ nhất, việc chuyển từ UpCom sang HOSE sẽ khiến ngân hàng đủ điều kiện để giao dịch ký quỹ, giúp cải thiện tính thanh khoản của cổ phiếu. Theo quy định, cổ phiếu sẽ được phép giao dịch ký quỹ sau 6 tháng kể từ ngày niêm yết.
Thứ hai, tính minh bạch cũng như độ tin cậy của thông tin doanh nghiệp công bố trên HOSE, nhìn chung được đánh giá cao hơn so với thông tin trên UpCom. Do đó, các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE cũng được nhà đầu tư đón nhận tốt hơn so với sàn UpCom.
Trong số 31 ngân hàng thương mại cổ phần, 10 ngân hàng lớn đã niêm yết trên HOSE, 3 ngân hàng niêm yết trên HNX và 7 ngân hàng nhỏ là trên UpCom. Nếu các ngân hàng này đều niêm yết trên HOSE, vốn hóa thị trường của ngành ngân hàng trên tổng vốn hóa thị trường sẽ tăng từ 27% lên 30%.
Thứ ba, một số quỹ không được phép đầu tư vào cổ phiếu UpCom, do đó việc chuyển sang HOSE sẽ khiến cổ phiếu VIB và LPB có thể được các quỹ ngoại lớn tiếp cận.
Tuy nhiên, trường hợp của VIB không nên đánh giá quá cao lợi ích này vì không còn room cho nhà đầu tư nước ngoài.
“Dựa vào những lợi ích kể trên, nhà đầu tư đều kỳ vọng các cổ phiếu này sẽ được định giá lại. Theo đó, việc bán cổ phiếu trong tương lai để cải thiện tỷ lệ an toàn vốn có thể được thực hiện với mức giá tốt hơn”, SSI Reasearch nhận định.
Minh bạch để "chơi lớn"
Các chuyên gia trên sàn chứng khoán cũng cho rằng, do quy định về công bố thông tin và giao dịch trên UpCom không khắt khe, nên việc các ngân hàng chuyển niêm yết sang HOSE là một dấu hiệu tích cực, thể hiện các ngân hàng đã sẵn sàng “chơi lớn”.
Thực tế, hệ thống ngân hàng đang ngày một lớn dần với 19 ngân hàng thương mại nằm trong Top 500 ngân hàng lớn và mạnh nhất châu Á - Thái Bình Dương cùng 1 ngân hàng nằm trong Top 200 ngân hàng lớn nhất trong khu vực theo công bố của Tạp chí The Asian Banker năm 2019.
Ðiều này còn thể hiện qua sự tăng lên trong quy mô của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Bên cạnh đó, năng lực tài chính cũng được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm; chất lượng quản trị, điều hành từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Việc triển khai chuẩn mực vốn Basel II tiếp tục được tập trung thực hiện để đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn. Ðến nay, hơn 70 TCTD (2 ngân hàng có vốn nhà nước, 20 ngân hàng tư nhân, 2 ngân hàng liên doanh, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 43 chi nhánh ngân hàng nước ngoài) đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, các TCTD đã ý thức và chú trọng hơn trong việc quản trị rủi ro cũng như tăng cường tính minh bạch trong hoạt động tín dụng. Theo đó, các đơn vị đã tập trung rà soát, cập nhật, hoàn thiện hệ thống quy định nội bộ về các lĩnh vực nghiệp vụ, đồng thời thiết lập bộ máy kiểm tra, kiểm soát, quản lý rủi ro; nâng cao hiệu quả giám sát của HÐQT, Ban điều hành đối với hoạt động của ngân hàng cũng như tách biệt chức năng quản trị của HÐQT với chức năng điều hành của Ban điều hành; thiết lập cơ chế phân cấp, ủy quyền minh bạch, rõ ràng, tránh xung đột lợi ích…/.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận