Vì sao nên bỏ quỹ bình ổn xăng dầu?
Nhiều ý kiến cho rằng, Qũy bình ổn xăng dầu (BOG) thời gian qua không hiệu quả như mục tiêu của nó khi thành lập, vì vậy đã đến lúc nên bỏ quỹ này.
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã đồng ý tiếp tục duy trì quỹ bình ổn.
Duy trì quỹ là không công bằng với người dân
Bộ Công Thương lập luận: Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là công cụ để Nhà nước điều tiết giá bán xăng dầu trong nước. Vì vậy, nếu bỏ Quỹ thì Nhà nước sẽ không còn công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, lập luận này của Bộ Công Thương ngay lập tức vấp phải ý kiến trái chiều của nhiều chuyên gia.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Mặt khác, khi bỏ Quỹ bình ổn, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.
Trong khi đó, với quy mô hàng ngàn xe, mỗi khi biến động giá xăng dầu là doanh nghiệp khổ sở bởi liên quan đến quyền lợi của khách hàng cũng như tài xế và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Về phần mình, TS Đinh Sơn Hùng - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP HCM rằng:“Kinh doanh nhưng khi rủi ro, doanh nghiệp lại xả quỹ, tức lấy tiền của người dân đóng vào để bù lỗ cho mình, còn lãi thì thu về là không công bằng với người dân. Để bảo đảm công bằng, quỹ phải do người dân, doanh nghiệp cùng đóng, không thể đẩy hết rủi ro cho dân được”.
Cần xây dựng một cơ chế bình ổn khác
PGS TS Bùi Xuân Hồi - Giảng viên cao cấp Bộ môn kinh tế Công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng về mặt bản chất là một công cụ điều tiết ổn định giá xăng dầu trong nước trước những biến động của thị trường quốc tế đặc biệt là ở nhưng giai đoạn giá dầu quốc tế tăng cao thì vai trò của quỹ bình ổn càng lớn.
Tuy vậy, vấn đề ở chỗ điều mà cả xã hội quan tâm là sự công khai minh bạch của quỹ từ dòng ra dòng vào, giá trị của quỹ, cơ chế quỹ… Chỉ khi trong nghị định mới vấn đề công khai minh bạch của quỹ được giải quyết thì việc giữ lại quỹ mới đáp ứng được các mục tiêu: bình ổn giá và minh bạch thông tin điều hành cua nhà nước liên quan tới quỹ. Còn vẫn với cách làm như hiện nay thì không nên giữ lại quỹ mà cần xây dựng một cơ chế bình ổn khác.
Đồng quan điểm ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - cho rằng mục tiêu của việc điều hành giá xăng dầu là để hạn chế, không để tác động của giá thế giới tạo ra những biến động, những cơn sốt giá ở trong nước tác động bất lợi đến thị trường, đến sản xuất kinh doanh trong nước.
Điều hành quỹ nhưng vẫn phải để giá phản ánh giá thị trường ở mức độ nhất định, chứ không phải như một số kỳ điều chỉnh vừa qua mang tính "triệt tiêu" sự biến động của thị trường là không phù hợp.
“Trước mắt, khi vẫn phải phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới, vẫn nên giữ quỹ nhưng phải cải tiến”, ông Thỏa nói.
Cụ thể, chỉ nên trích lập quỹ khi kinh doanh xăng dầu có lãi, tức là khi giá xăng dầu hạ, doanh nghiệp có lãi và không trích lập khi giá tăng cao. Ngay cả doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kinh doanh có lãi cũng phải trích ra lập quỹ chứ không chỉ người tiêu dùng đóng góp để tạo sự công bằng.
Còn về chi quỹ bình ổn giá, theo ông Thỏa, chỉ chi khi giá biến động bất thường và phải định lượng rõ sự bất thường, xóa bỏ cách điều hành theo kiểu xem giá xăng dầu luôn bị biến động bất thường. Về lâu dài, khi không còn phụ thuộc vào việc nhập khẩu xăng dầu thế giới, tức là không phụ thuộc vào biến động của giá xăng dầu thế giới, sẽ có thể không cần quỹ này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận