Vì sao Minh Phú thoát khỏi vụ kiện lẩn tránh thuế chống bán phá giá vào Mỹ?
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn đầy tiềm năng nhưng luật pháp khá phức tạp đòi hỏi các doanh nghiệp cần tìm hiểu rất kỹ và nắm rất chắc.
Theo Cục Phòng vệ Thương mại, ngày 11/02/2021, Cơ quan Hải quan và Biên giới Hoa Kỳ (CBP) đã ban hành quyết định: “không có bằng chứng để kết luận Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Công ty Minh Phú) lẩn tránh thuế chống bán phá giá mà Hoa Kỳ đang áp dụng với tôm của Ấn Độ”.
Trên cơ sở đó, CBP sẽ xem xét, điều chỉnh biện pháp ban hành ngày 13/10/2020 để không áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm tôm xuất khẩu của Công ty Minh Phú.
Bộ Công Thương Việt Nam hoan nghênh kết luận nêu trên và cho rằng đây là quyết định khách quan, công bằng, cân nhắc đầy đủ các thông tin, nỗ lực của Công ty Minh Phú và các bên liên quan trong quá trình xử lý vụ việc, giúp tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất tôm Hoa Kỳ và các công ty xuất khẩu nước ngoài.
Ngay từ khi CBP khởi xướng điều tra, Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và Công ty Minh Phú để làm rõ tình hình, đồng thời yêu cầu Công ty phối hợp, cung cấp thông tin tối đa cho phía Hoa Kỳ. Bộ Công Thương cũng đã trao đổi, đề nghị phía Hoa Kỳ thực hiện điều tra một cách khách quan, minh bạch, đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Trước đó, Chính phủ Hoa Kỳ nhận được đơn kiện của Ủy ban Thực thi Thương mại tôm Hoa Kỳ (đại diện các nhà sản xuất tôm trong nước) cho rằng công ty Minh Phú sử dụng tôm Ấn Độ xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Và vụ việc điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với Công ty Minh Phú được CBP khởi xướng điều tra ngày 09 tháng 10 năm 2019.
Do vậy, phía Hoa Kỳ đã cho điều tra công ty Minh Phú và trong thời gian điều tra đến tháng 10/2020, Hoa Kỳ xác định là Minh Phú có vi phạm cho nên yêu cầu công ty này phải thực hiện theo mức thuế của Ấn Độ cho các lô hàng Minh Phú xuất khẩu vào Hoa Kỳ, cho dù Minh Phú không bị áp thuế CBPG giống như các doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, Minh Phú đã kiện lại và đến hôm nay Hoa Kỳ đã ra phán quyết là không có đủ cơ sở để cho rằng có tình trạng né thuế và lệnh phạt với Minh Phú được gỡ bỏ.
Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu áp thuế chống bán phá giá với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ và một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác từ năm 2005. Tuy nhiên, tháng 7/2016, Bộ Thương mại Mỹ thu hồi lệnh áp thuế CBPG với Minh Phú. Nói cách khác, Minh Phú không cần nộp thuế chống bán phá giá với tôm xuất xứ Việt Nam nhưng tôm nguồn gốc Ấn Độ vẫn chịu thuế 10,17%. Do vậy, Minh Phú bị cáo buộc sử dụng tôm Ấn Độ xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết đây là trường hợp riêng biệt và qua vụ kiện của công ty Minh Phú, các doanh nghiệp Việt Nam rút ra được kinh nghiệm là kiên trì. Nếu Minh Phú không kiên trì đi đến cùng vụ kiện này thì không thể có được kết quả như hôm nay. Vì vậy, một khi đã xác định không sai thì phải theo đuổi chứ không được bỏ cuộc và đó là vấn đề quan trọng nhất của câu chuyện này.
“Nói chung, luật pháp của Hoa Kỳ rất phức tạp chúng ta không thể một lúc mà nắm hết được cho nên phải kiên trì, và phải có các chuyên gia giỏi về luật để họ nắm rõ bản chất của vấn đề có như vậy mới giúp doanh nghiệp giải quyết các sự việc", ông Hòe chia sẻ.
Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục trao đổi với các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ để làm rõ thông tin, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm của Việt Nam. Bộ Công Thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, xây dựng và triển khai cơ chế truy xuất nguồn gốc để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận