Vì sao lợi nhuận quý III của các công ty niêm yết thấp hơn kỳ vọng?
Lợi nhuận quý III của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán thấp hơn kỳ vọng là một nguyên nhân của đợt bán tháo vừa qua trên thị trường.
Trong số các công ty đã công bố kết quả kinh doanh quý III thuộc danh mục theo dõi của VNDIRECT có tới 46% doanh nghiệp không đạt được lợi nhuận như kỳ vọng. Chỉ có 13% doanh nghiệp vượt dự báo, phần còn lại cơ bản đạt được mức lợi nhuận đã được dự tính.
Theo ông Nguyễn Việt Minh Tú, chuyên gia Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT, ước tính lợi nhuận ròng toàn thị trường của các công ty niêm yết trên ba sàn chứng khoán HOSE, HNX, UPCOM giảm 5,5% so với cùng kỳ, trong khi giới đầu tư kỳ vọng khoảng thời gian này lợi nhuận phải phục hồi tích cực.
Trên sàn HOSE, tổng lợi nhuận của các công ty niêm yết ghi nhận mức giảm 9%, sâu hơn mức giảm trung bình của toàn thị trường. Nguyên nhân là BSR, doanh nghiệp có tăng trưởng lãi ròng khủng 581% lại không thuộc HOSE.
Trên thị trường, ở nhóm doanh nghiệp tăng trưởng mạnh, ngành thép và dầu khí có đóng góp nổi bật.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép có kết quả khả quan trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận lỗ. Tổng lợi nhuận ròng ngành thép đã tăng gấp ba lần so với quý III. Lợi nhuận cải thiện nhờ chi phí đầu vào giảm, giúp biên lợi nhuận gộp tăng.
Khối dầu khí có lợi nhuận ròng tăng 2,1% so với cùng kỳ nhờ chênh lệch giá trong hoạt động hóa dầu (crack spread) tăng khi nguồn cung toàn cầu thắt chặt cùng căng thẳng ở Trung Đông. Lợi nhuận cũng cải thiện nhờ thị trường phân phối xăng dầu trong nước trở lại hoạt động bình thường trong 9 tháng đầu năm.
Chiều ngược lại, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp các ngành hóa chất, điện tiếp tục xu hướng giảm.
Lợi nhuận ròng của các công ty hóa chất giảm 77,3% do giá phân bón giảm mạnh trong khi giá khí đốt vẫn ở mức cao. Vào quý II vừa qua, lợi nhuận của nhóm hóa chất cũng giảm 62,3% so với cùng kỳ. Hai công ty phân bón lớn là DPM và DCM công bố lợi nhuận ròng quý 3 chỉ đạt 64 tỉ đồng và 74 tỉ đồng, tỷ lệ giảm tương ứng là 94% và 90% so với cùng kỳ.
Ở ngành điện, lợi nhuận giảm mạnh 66,7% so với cùng kỳ do các nhà máy thủy điện ghi nhận lỗ vì yếu tố thời tiết không thuận lợi và giá phát điện trên thị trường cạnh tranh trong quý III giảm 30% so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp bán lẻ cũng ghi nhận mức giảm lợi nhuận 62,4% do cạnh tranh giá gay gắt giữa các công ty lớn. Tổng cộng, nhóm hóa chất, điện và bán lẻ đã kéo giảm 7,1% mức tăng trưởng lợi nhuận trong quý II toàn thị trường.
Chi phí lãi vay đạt 6,8% trong quý III, tiếp tục tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý II, cho thấy chính sách cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa tạo ra những chuyển động đáng kể. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính đạt mức thấp kỷ lục 60,7%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với quý trước do các công ty đều tập trung vào trả nợ. Tổng lợi nhuận thị trường vẫn đang bị chi phí tài chính ăn mòn.
Lãi vay đã đạt đỉnh điểm vào quý II và sau đó có xu hướng giảm do NHNN cắt giảm lãi suất chính sách nhiều lần kể từ tháng 3. Lãi suất huy động đã giảm trở lại mức trước Covid-19. Gần đây, các ngân hàng đã bắt đầu hạ lãi suất cho vay kể từ quý III.
Ông Nguyễn Việt Minh Tú kỳ vọng chi phí lãi vay sẽ giảm trong các quý tới, giúp doanh nghiệp bớt đi áp lực, có điều kiện tăng trưởng tốt hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận