Vì sao lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động?
Ngân hàng Nhà nước cho rằng hiện nay các ngân hàng đang huy động tới trên 80% là vốn ngắn hạn, trong khi 50% dư nợ cho vay là trung, dài hạn, kỳ điều chỉnh dài nên có độ trễ.
Lãi suất giảm về mức thấp nhất trong 20 năm
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, năm 2023, NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường; các tổ chức tín dụng cũng được chỉ đạo tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022.
Phó Thống đốc, thời điểm đầu năm 2023, lãi suất là câu chuyện rất gay gắt nhưng đến giai đoạn nửa cuối năm, các ngân hàng thương mại đã có ý thức rất cao trong vấn đề giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Chính vì vậy, đến nay mức lãi suất cho vay trung bình đã xuống rất thấp.
"Có thể nói, đến thời điểm này, lãi suất cho vay đang xuống mức rất thấp bao gồm cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, kể cả lĩnh vực ưu tiên và không ưu tiên. Mặt bằng lãi suất chung đã giảm như theo đánh giá của báo chí và chúng tôi cũng thấy hợp lý là xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua và nhiều ngân hàng thương mại cho biết lãi suất không thể thấp hơn được nữa.
Hiện tại còn rơi rớt lại những khoản lãi suất cao là của những kỳ hạn trước đây khi ngân hàng thương mại huy động với lãi suất cao. Nhưng chắc chắn, đến năm 2024 sẽ không còn duy trì được mức này nữa", ông Tú nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, lãi suất qua đêm giữa các ngân hàng hiện đang rất thấp ở mức 0,2 - 0,5%, tạo điều kiện rất tốt để các tổ chức tín dụng có dư địa cho vay với lãi suất thấp.
"Lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng thương mại tại các giao dịch mới phát sinh ở mức 3,9%/năm, lãi suất cho vay bình quân tại các giao dịch mới phát sinh ở mức 6,7%/năm, giảm trên 2% so với thời điểm cuối năm 2022. Do đó, lãi suất huy động và cho vay tại các ngân hàng ở thời điểm hiện tại đang thấp hơn khá xa so với trước đại dịch Covid-19", ông Quang cho hay.
Giải thích về tình trạng lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động, ông Phạm Chí Quang cho biết, trong cấu trúc bảng cân đối tài sản, 80% nguồn vốn của các ngân hàng thương mại hiện nay đến từ ngắn hạn và 20% đến từ trung và dài hạn; trong khi đó, trên 50% dư nợ tín dụng là cho vay trung và dài hạn.
Tuy lãi suất giảm nhanh, song NHNN thừa nhận lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động. Theo lý giải của ông Phạm Chí Quang, nguyên nhân là do độ trễ, khi tới 50% dư nợ tín dụng tại các ngân hàng đang là cho vay trung và dài hạn.
“Có đến 80% nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại hiện nay đến từ ngắn hạn, chỉ 20% đến từ trung và dài hạn. Trong khi đó, trên 50% dư nợ tín dụng nằm ở trung và dài hạn.
Các ngân hàng cho vay trung và dài hạn thường dựa vào lãi suất huy động trung và dài hạn 12 tháng hoặc 24 tháng cộng với biên độ, dẫn đến kỳ điều chỉnh lãi suất cho vay trung dài hạn có độ trễ rất xa so với lãi suất huy động”, ông Quang lý giải.
Quyết liệt đưa vốn vào nền kinh tế hơn
Về hạn mức tăng trưởng tín dụng, một điểm khác là năm nay NHNN đã giao toàn bộ hạn mức tăng trưởng 15% cho các ngân hàng, thay vì chia nhiều đợt và yêu cầu các nhà băng gửi đề nghị rồi mới xem xét nới room như mọi năm.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, cách cấp hạn mức tín dụng mới là một bước thay đổi cơ chế tổ chức điều hành, mang thông điệp đối với các ngân hàng là vốn đưa vào nền kinh tế trong năm nay phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và có trách nhiệm hơn.
"Nếu như những năm trước đây chúng ta xem đó là những khoản cấp phát, phân bổ thì nay là cơ chế giao để cho các ngân hàng phấn đấu để đạt chỉ tiêu. Bởi vì năm ngoái, cũng có ngân hàng tăng hết room nhưng rất nhiều ngân hàng không đến room thậm chí có ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm. Những ngân hàng tăng trưởng âm, tăng trưởng thấp đó có thể do chưa mạnh dạn tăng trưởng. Do đó, việc thay đổi cơ là để các ngân hàng này phải phấn đấu đạt mức chỉ tiêu tín dụng được giao", Phó Thống đốc nói
Tuy cấp toàn bộ hạn mức vào đầu năm nhưng ông Tú cho biết nếu ngân hàng nào hết hạn mức thì NHNN vẫn xem xét có thể tiếp tục gia tăng nhưng điều kiện đi kèm là nền kinh tế phải cho phép việc mở rộng tín dụng và vẫn phải đảm bảo an toàn kinh tế vĩ mô và đảm bảo vốn tín dụng vào đúng đối tượng.
"Tăng trưởng thậm chí là 16% nếu như nền kinh tế, doanh nghiệp cần tín dụng", ông Đào Minh Tú khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận