Vì sao kinh tế Trung Quốc khó có thể vượt Mỹ trong tương lai gần?
Giáo sư Joseph S. Nye, Cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ có bài viết "Peak China?" đăng trên trang mạng ASPI Strategist phân tích những yếu tố khiến Trung Quốc chưa thể vượt Mỹ về tổng thể trong tương lai gần.
Theo tác giả, những diễn biến gần đây đang dẫn đến việc đánh giá lại sức mạnh của Trung Quốc. Cho đến gần đây, nhiều người dự đoán GDP của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2030 hoặc ngay sau đó, nhưng một số nhà phân tích cho rằng ngay cả khi Trung Quốc đạt được mục tiêu đó, Mỹ sẽ lại vượt lên dẫn trước. Vậy liệu Trung Quốc đã đạt tới "giới hạn"?
Đánh giá quá cao sức mạnh của Trung Quốc cũng nguy hiểm như đánh giá thấp. Đánh giá thấp tạo ra sự tự mãn, trong khi đánh giá quá cao gây ra sợ hãi; việc đánh giá sai có thể dẫn đến tính toán sai lầm. Một chiến lược tốt đòi hỏi phải có những đánh giá thận trọng.
Trái ngược với những đánh giá thông thường, Trung Quốc không phải là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nếu đo lường theo sức mua tương đương (Purchasing Power Parity/PPP), kinh tế Trung Quốc lớn hơn kinh tế Mỹ vào năm 2014. Nhưng PPP là một công cụ của nhà kinh tế để so sánh các ước tính về phúc lợi; và ngay cả khi Trung Quốc một ngày nào đó vượt Mỹ về tổng quy mô kinh tế, GDP không phải là thước đo duy nhất của sức mạnh địa chính trị. Trung Quốc vẫn đứng sau Mỹ về các chỉ số sức mạnh mềm và quân sự, và sức mạnh kinh tế tương đối của Bắc Kinh vẫn còn nhỏ hơn khi xem xét các đồng minh của Mỹ như châu Âu, Nhật Bản và Australia.
Chắc chắn là Trung Quốc đã mở rộng khả năng quân sự của mình trong những năm gần đây. Nhưng chừng nào Mỹ còn duy trì liên minh và các căn cứ ở Nhật Bản, Trung Quốc sẽ không thể đẩy Mỹ ra khỏi Tây Thái Bình Dương và liên minh Mỹ-Nhật Bản ngày nay mạnh hơn so với khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Các nhà phân tích đôi khi kết luận bi quan từ các kịch bản căng thẳng bùng nổ liên quan đến eo biển Đài Loan của Trung Quốc. Nhưng với việc nguồn cung cấp năng lượng của Trung Quốc chịu sự chi phối của hải quân Mỹ ở Vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương, sẽ là một sai lầm đối với Trung Quốc khi cho rằng một căng thẳng gần Đài Loan sẽ chỉ giới hạn trong khu vực đó.
Trung Quốc cũng đã đầu tư rất nhiều vào sức mạnh mềm (khả năng đạt được kết quả mong muốn thông qua sự thu hút hơn là ép buộc hoặc đưa ra những khoản đầu tư tài chính hấp dẫn). Nhưng trong khi trao đổi hợp tác văn hóa và các dự án viện trợ thực sự có thể nâng cao sức hấp dẫn của Trung Quốc, vẫn còn hai rào cản lớn. Đầu tiên, bằng cách lún sâu vào các cuộc xung đột đang diễn ra với các nước láng giềng như Nhật Bản và Ấn Độ, Trung Quốc đã khiến bản thân trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các đối tác tiềm năng trên khắp thế giới. Thứ hai, các biện pháp kiểm soát một số lĩnh vực trong nước của Chính phủ Trung Quốc đã lấy đi của Trung Quốc những lợi ích của xã hội dân sự sôi động thường thấy ở phương Tây.
Tuy nhiên, quy mô kinh tế của Trung Quốc vẫn quan trọng. Mỹ đã từng là cường quốc thương mại và quốc gia cho vay song phương lớn nhất thế giới. Nhưng giờ đây, gần 100 quốc gia coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, trong khi chỉ có 57 quốc gia có mối quan hệ như vậy với Mỹ. Trung Quốc đã cho vay 1.000 tỷ USD trong các dự án cơ sở hạ tầng thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trong thập kỷ qua, trong khi Mỹ lại cắt giảm viện trợ.
Câu chuyện về thành công kinh tế của Trung Quốc chắc chắn đã nâng cao sức mạnh mềm của Bắc Kinh đặc biệt là đối với các thị trường đang phát triển và mới nổi khác. Khả năng cho phép hoặc từ chối tiếp cận thị trường nội địa của Trung Quốc mang lại cho nước này đòn bẩy quyền lực cứng.
Điều đó khiến chúng ta phải đánh giá cán cân quyền lực tổng thể ở đâu? Điều quan trọng là Mỹ vẫn có ít nhất 5 lợi thế dài hạn. Về địa lý, Mỹ được bao bọc bởi hai đại dương và hai nước láng giềng thân thiện; ngược lại, Trung Quốc có chung đường biên giới với 14 quốc gia khác và đang tham gia vào các tranh chấp trong khu vực.
Mỹ cũng có lợi thế về năng lượng. Trong thập kỷ qua, cuộc cách mạng dầu đá phiến đã biến Washington thành một nước xuất khẩu năng lượng ròng, trong khi Trung Quốc ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng nhập khẩu.
Thứ ba, Mỹ có được sức mạnh tài chính mạnh nhất từ các tổ chức tài chính xuyên quốc gia lớn và vai trò quốc tế của đồng USD. Chỉ một phần nhỏ trong tổng dự trữ ngoại hối được tính bằng đồng NDT, trong khi 59% được giữ bằng USD. Mặc dù Trung Quốc mong muốn mở rộng vai trò toàn cầu của đồng NDT, nhưng một đồng tiền dự trữ đáng tin cậy phụ thuộc vào khả năng tự do chuyển đổi cũng như thị trường vốn sâu rộng. Với tình hình hiện tại, đồng NDT khó có thể thay thế đồng USD trong thời gian tới.
Thứ tư, Mỹ có lợi thế nhân khẩu học tương đối. Đây là quốc gia phát triển lớn duy nhất hiện được dự đoán sẽ giữ vị trí (thứ ba) trong bảng xếp hạng dân số toàn cầu. Bảy trong số 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có lực lượng lao động bị thu hẹp trong thập kỷ tới, nhưng lực lượng lao động của Mỹ dự kiến sẽ tăng 5%. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ phải chịu sự sụt giảm 9% dân số trong độ tuổi lao động - vốn đã đạt đỉnh vào năm 2014 - và dân số Ấn Độ sẽ vượt qua nước này trong năm 2023.
Cuối cùng, Mỹ đã đi đầu trong việc phát triển các công nghệ then chốt (sinh học, nano và thông tin) là trung tâm của tăng trưởng kinh tế trong thế kỷ này. Tất nhiên, Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển để tiến bộ công nghệ không còn chỉ phụ thuộc vào việc sao chép. Bắc Kinh đã nỗ lực để trở nên cạnh tranh trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và hy vọng sẽ trở thành người dẫn đầu toàn cầu vào năm 2030. Những nỗ lực của Mỹ ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến nhất có thể làm chậm tiến độ này nhưng sẽ không thể chấm dứt quá trình phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực tiến tiến này.
Tất cả những yếu tố trên cho thấy Mỹ nắm giữ một lợi thế lớn. Nhưng nếu Mỹ không thể đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc hoặc tự mãn về "đỉnh cao" thì lợi thế đó sẽ biến mất. Nếu Mỹ loại bỏ những yếu tố có giá trị bao gồm các liên minh mạnh mẽ và ảnh hưởng trong các tổ chức quốc tế sẽ là một sai lầm nghiêm trọng.
Một vấn đề quan trọng tiếp theo là cần theo là vấn đề nhập cư. Khoảng một thập kỷ trước, khi được hỏi về khả năng Trung Quốc có sớm vượt qua Mỹ về tổng lực hay không, Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cho rằng điều đó sẽ không xảy ra bởi vì Mỹ có thể thu hút và tái kết hợp các tài năng của thế giới theo những cách đơn giản và điều này không thể thực hiện được dưới chủ nghĩa dân tộc Hán của Trung Quốc. Hiện tại, người Mỹ có nhiều lý do để cảm thấy lạc quan về vị trí trên thế giới. Nhưng nếu Mỹ từ bỏ các liên minh bên ngoài và cởi mở trong nước, cán cân có thể thay đổi./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận