Vì sao không giãn chu kỳ kiểm định tất cả các loại xe?
Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT đã có những điều chỉnh mới, được cho là đột phá đối với chu kỳ kiểm định xe.
Loại xe nào được giãn chu kỳ kiểm định?
Theo Thông sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vừa được ban hành, ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải, đối với xe sản xuất đến 7 năm, chu kỳ đầu thay đổi tăng lên 36 tháng (trước đây 30 tháng), chu kỳ định kỳ 24 tháng (tăng 6 tháng so với trước đây - 18 tháng).
Xe cá nhân được nới chu kỳ kiểm định lên 6 tháng so với trước đây
Với xe sản xuất trên 7 năm đến 20 năm chu kỳ đầu và định kỳ là 12 tháng, thời gian sản xuất trên 20 năm chu kỳ đầu và định kỳ là 6 tháng. Trước đây, chu kỳ này chỉ tính các xe sản xuất từ trên 7 năm đến 12 năm và trên 12 năm.
Đối với ô tô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải vẫn giữ nguyên chu kỳ kiểm định.
Trong khi đó, ô tô chở người các loại trên 9 chỗ theo Thông tư mới, ngoài việc tính theo xe cải tạo hay không, còn chia theo thời gian sản xuất. Cụ thể, đối với xe có thời gian sản xuất đến 5 năm, chu kỳ kiểm định đầu 24 tháng, chu kỳ định kỳ 12 tháng (tăng 6 tháng so với Thông tư 16). Thời gian sản xuất trên 5 năm, chu kỳ đầu và chu kỳ định kỳ là 6 tháng. Đối với xe cải tạo, chu kỳ kiểm định đầu 12 tháng và chu kỳ định kỳ 6 tháng. Đây đa số là xe khách, sử dụng để kinh doanh vận tải.
Chu kỳ kiểm định 3 tháng vẫn giữ trong Thông tư mới tuy nhiên chỉ áp dụng cho ô tô chở người các loại trên 9 chỗ đã sản xuất từ 15 năm trở lên (kể cả ô tô chở người trên 9 chỗ đã cải tạo thành ô tô chở người đến 9 chỗ).
Ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo đã sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ô tô tải, ô tô đầu kéo đã cải tạo thành ô tô chuyên dùng), ô tô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ô tô chở người sản xuất từ 15 năm trở lên được áp dụng chu kỳ kiểm định định kỳ 6 tháng (tăng 3 tháng so với trước đây).
Xe tải các loại, ô tô đầu kéo đã sản xuất từ 20 năm trở lên được áp dụng chu kỳ kiểm định định kỳ 6 tháng (tăng 3 tháng so với trước đây)
Vì sao không nới chu kỳ kiểm định tất cả các loại xe?
Việt Nam hiện có khoảng 70% xe con của các hãng Nhật Bản, Hàn Quốc. Hai nước này cũng đang áp dụng chu kỳ kiểm định sau lần đầu tiên với xe con là 2 năm, tương đương với quy định mới tại Việt Nam kiểm định định kỳ 24 tháng sau 36 tháng được miễn kiểm định lần đầu (xe sản xuất đến 7 năm).
Đối với xe có thời gian sản xuất từ trên 7 năm đến 20 năm, Thông tư mới vẫn giữ nguyên chu kỳ kiểm định định kỳ 12 tháng.
Lý giải điều này, Cục Đăng kiểm VN cho biết, xe cá nhân mới chưa qua sử dụng, linh kiện tốt, có chế độ bảo hành của hãng nên hầu hết đạt chất lượng kiểm định. Tuy nhiên, sau 7 năm, đa phần các xe đã hết thời hạn bảo hành, linh kiện sẽ dần hư hỏng, trong khi đó, Việt Nam chưa có quy định về niên hạn phụ tùng, phí môi trường, bảo dưỡng với xe cũ nên nhiều phương tiện dù đã cũ vẫn lưu thông mà không được chú trọng bảo dưỡng, thay thế phụ tùng, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Tại các nước tương đồng về hạ tầng, phương tiện với Việt Nam như Trung Quốc chu kỳ kiểm định xe cá nhân trên 15 năm là 6 tháng, Indonesia quy định chu kỳ kiểm định lần thứ hai trở đi của loại xe này là 6 tháng.
Do đó, cần thiết phải giữ nguyên chu kỳ kiểm định định kỳ 12 tháng đối với xe cũ sau 7 năm nhằm đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện.
Ngoài ra, ô tô chở người đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải cũng không được giãn chu kỳ kiểm định, “bởi đây là loại xe có cường độ, tần suất hoạt động lớn, vận tải chở khách nên cần được kiểm soát chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn”, Cục Đăng kiểm VN cho biết.
Đối với ô tô chở người trên 9 chỗ (xe khách), Thông tư mới cũng quy định chu kỳ kiểm định theo năm sản xuất và chỉ nới thêm 6 tháng đối với xe sản xuất đến 5 năm. Xe cũ sau 5 năm vẫn giữ nguyên chu kỳ kiểm định định kỳ 6 tháng.
Cục Đăng kiểm VN cho biết, theo nghiên cứu tại nhiều quốc gia cho thấy hầu hết đều đang kiểm soát chặt chẽ, thậm chí siết chặt đăng kiểm hơn Việt Nam đối với loại xe này vì tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Cụ thể, Hàn Quốc, Bồ Đào Nha và New Zealand, Tây Ban Nha, Trung Quốc đều có chu kỳ kiểm định 6 tháng lần lượt đối với xe trên 8 năm, trên 7 năm, trên 6 năm và trên 5 năm. Riêng Bỉ định kỳ kiểm định xe kinh doanh 3 tháng/lần bao gồm cả chu kỳ đầu tiên.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN cũng lý giải việc phải giữ chu kỳ kiểm định 3 tháng đối với ô tô chở người các loại trên 9 chỗ đã sản xuất từ 15 năm trở lên (kể cả ô tô chở người trên 9 chỗ đã cải tạo thành ô tô chở người đến 9 chỗ) bởi các loại xe này đa số là xe khách đã cũ nát sử dụng ở thành phố sau đó đưa về các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa để hoạt động chở người, chở công nhân, học sinh vô cùng nguy hiểm mà nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh thời gian qua. Việc giữ chu kỳ kiểm định này để kiểm soát chặt chẽ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, vì mục tiêu an toàn của người dân.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, việc nới chu kỳ kiểm định đối với xe cá nhân nhưng vẫn siết chặt đối với các xe kinh doanh vận tải là hợp lý. Hầu hết các ô tô cá nhân tại Việt Nam hiện nay đều có chất lượng tốt, người dùng cũng có ý thức hơn trong việc bảo dưỡng, sửa chữa nên việc kéo giãn chu kỳ kiểm định cho loại xe này là hợp lý.
"Ngược lại, với các xe kinh doanh vận tải do cường độ, tần suất làm việc lớn, thường xuyên liên tục trong khi lái xe, chủ xe cũng chưa có nhiều quan tâm đến việc bảo dưỡng, việc siết chặt, giữ nguyên chu kỳ kiểm định như hiện nay là cần thiết", ông Quyền nói.
Cục Đăng kiểm VN lưu ý, Thông tư mới không có điều kiện chuyển tiếp hay giá trị hồi tố. Do đó, với các xe chưa đến hạn kiểm định, vẫn tiếp tục sử dụng với chu kỳ hiện tại. Chỉ đến khi đi kiểm định lúc đến hạn đăng kiểm, sau khi đạt, sẽ được cấp Giấy chứng nhận và tem kiểm định với chu kỳ mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận