Vì sao khoản vay 800 triệu USD là “đặc sản” kịp thời của Techcombank?
Một chỉ tiêu đáng chú ý trên bảng cân đối Techcombank gần như luôn duy trì mức cao nhiều quý qua, và có thời điểm gần chạm giới hạn…
Kết thúc quý 2/2021, Techcombank báo cáo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã ở mức 39,1%, cao hơn mức 33,9% vào cuối năm 2020. Nó đã ở sát trần giới hạn Ngân hàng Nhà nước cho phép (40%).
Tại ngân hàng này, tỷ lệ trên luôn duy trì ở mức cao nhiều quý qua. Một phần được lý giải ở lõi hoạt động lựa chọn: trọng tâm cho vay khách hàng cá nhân, bên cạnh một phần trái phiếu doanh nghiệp.
“Tech” nhiều lần nói rõ quan điểm: tập trung cho vay khách hàng cá nhân có thế chấp, không nghiêng về tín chấp. Nổi bật ở đây chủ yếu cho vay mua nhà ở. Nhu cầu và các khoản vay theo đó chủ yếu trung dài hạn.
Nhóm nhu cầu trên cho biên lãi thuần (NIM) cao hơn, tạo động lực thúc đẩy lợi nhuận tốt hơn. Song, áp lực ngược lại, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn luôn cao, trong khi xu hướng giới hạn của nhà điều hành giảm xuống.
Ngay tháng 10 này, Ngân hàng Nhà nước hạ giới hạn trên từ 40% xuống 37%. Như trên, đến cuối quý 2 tại Techcombank đã là 39,1%.
Trong nửa đầu năm nay thị trường đã chứng kiến ngân hàng này điều chỉnh theo hướng nâng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn, như một giải pháp cân đối lại cơ cấu nguồn. Và cũng từ tháng 6, 3 tháng trước khi mốc hẹn hạ giới hạn nói trên, kế hoạch huy động vốn trung dài hạn quốc tế được triển khai.
Ban đầu, nhu cầu chỉ 500 triệu USD. Song, qua thực tế có nhiều nhà đầu tư quan tâm và tham gia, quy mô đã nâng lên 800 triệu USD; kỳ hạn 3-5 năm; lãi suất chưa đầy 2%/năm…
Cùng với các biện pháp khác, khoản vay 800 triệu USD này góp phần quan trọng để Techcombank nhanh chóng pha loãng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thời gian tới; và đến cuối quý 3 chỉ còn 32,6%, còn dư địa đáng kể theo giới hạn 37%.
Nói cách khác, khoản vay trên tạo điều kiện để có thêm nguồn trung dài hạn cho vay tới đây; tính kịp thời còn ở chỗ khi COVID-19 dần được kiểm soát, nền kinh tế dần phục hồi thì nhu cầu vay của khách hàng mạnh lên, nhất là quý cuối năm. Và với Techcombank, đặc thù cho vay trung dài hạn khách hàng mua nhà ở lại đúng dịp mùa cao điểm quý 4.
Lợi nhuận tốt nhờ ngân hàng quản lý tốt chi phí; chi phí tăng thấp hơn nhiều so với doanh thu mà trong đó số hóa, công nghệ giúp giảm thiểu. TOI tăng 37,9% so với cùng kỳ trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng 18,1%; CIR 9 tháng ở 28,9%”.
Ở một khía cạnh/giá trị khác, 800 triệu USD nói trên lãi suất chưa đầy 2%/năm tạo nguồn vốn rẻ, nhất là với trung dài hạn. Điều này tiếp tục giúp pha loãng chi phí vốn của “Tech” - đặc trưng và cũng là “đặc sản” của ngân hàng này khi nhìn việc cho vay cũng đồng nghĩa đi chào bán vốn trên thị trường.
“Đặc sản” này được Tổng giám đốc Jens Lottner tự hào nhấn mạnh là có ở chi phí vốn thấp nhất thị trường, chỉ 2,3% so với bình quân nhóm ngân hàng lớn khác là 3,8% (tính đến cuối quý 2). Điều kiện này giúp ngân hàng chào bán các khoản vay giá thấp hơn, cũng như có điều kiện hơn để hỗ trợ khách hàng khi họ gặp khó khăn.
Còn trên sổ sách, nó giúp lý giải vì sao NIM của Techcombank vẫn tiếp tục tăng lên và lợi nhuận vẫn tăng trưởng trong “giông bão” COVID. 9 tháng đầu năm 2021, NIM tại đây tiếp tục tăng mạnh lên 5,6% so với 4,9% năm ngoái.
Khoản 800 triệu USD nói trên giúp tiếp tục pha loãng chi phí vốn. Nhưng trước đó và đến nay, yếu tố chính là nhờ tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) liên tục lập kỷ lục trong hệ thống NHTM Việt Nam. Cho đến quý 3/2021, CASA tại “Tech” đã đạt tới 49,1%, trong khi bình quân của nhóm ngân hàng lớn và mạnh ở chỉ tiêu này mới chỉ 22,2% tính đến cuối quý 2/2021.
Vốn rẻ, hay chi phí vốn thấp là “đặc sản” của Techcombank trong cho vay và cạnh tranh, trong tạo NIM cao để có lợi nhuận cao. Nhưng để có được “đặc sản” này dĩ nhiên cần đạt và khẳng định được nhiều tiêu chí.
Bên cạnh CASA, khoản vay 800 triệu USD nói trên một lần nữa kiểm định các tiêu chí của Techcombank bởi các nhà đầu tư quốc tế. 28 tổ chức tham gia, qua hội đồng xét duyệt của họ gật đầu.
Tổng giám đốc Jens Lottner nói tại buổi trao đổi trực tuyến với nhà đầu tư cuối tuần qua rằng, lần đầu tiên Techcombank đạt được quy mô huy động lớn như vậy trong điều kiện thị trường khó khăn bởi COVID-19. “Nhưng khi một tổ chức có vị thế, uy tín thì việc tiếp cận các khoản vay này không quá khó khăn”.
Tất nhiên, theo ông Jens Lottner, ngân hàng phải kết hợp với các định chế lớn và tên tuổi, cũng như bản thân phải khẳng định được uy tín của mình khi các định chế quốc tế nhìn vào, như phải đáp ứng được chuẩn mực Basel II, Basel III, sớm áp dụng được tiêu chuẩn kế toán quốc tế IFRS9…
“Techcombank đáp ứng được những tiêu chí của họ. Chúng tôi sẵn sàng đi đầu, tiên phong tạo ra những tiền lệ tốt cho thị trường Việt Nam”, ông Jens Lottner nói.
800 triệu USD đó được xem là nguồn vốn rẻ, lại là trung dài hạn, để đáp ứng nhu cầu vay trong nước. Và với việc duy trì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức cao, 15,2% đến cuối quý 3, Techcombank kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Theo đó, đây là tổng hòa các lợi thế để Techcombank nắm cơ hội đẩy mạnh cho vay khi kinh tế bắt đầu phục hồi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận