Vì sao kết nối Internet vẫn chậm
Kết nối Internet quốc tế đã bớt nghẽn, nhưng vẫn có thể bị chậm vào giờ cao điểm do dung lượng kết nối chỉ ở mức vừa đủ.
Bích Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết cô vẫn thấy chất lượng kết nối giảm cuối tuần qua. "Mạng Wi-Fi đã nhanh hơn, nhưng 4G trên di động lại chậm hơn hẳn. Ngược với những tuần trước, tôi từng phải tắt Wi-Fi, chỉ dùng 4G", cô nói.
Ví dụ khi lướt ứng dụng Facebook, Phương liên tục gặp những bức ảnh chưa được tải hết, hay khi truy cập link trên Facebook thường phải chờ vài chục giây, thay vì tải trong tích tắc như trước. Bù lại, cô đã có thể sử dụng máy tính để làm việc qua kết nối Wi-Fi.
Trong cuộc họp với Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 9/2, các nhà mạng cam kết chia sẻ dung lượng với nhau để khắc phục tình trạng nghẽn từ đêm 10/2. Ví dụ, Viettel chia 100 Gbps cho VNPT. Tuy nhiên, người dùng phản ánh tốc độ kết nối đã nhanh hơn nhưng chưa ổn định.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết sau khi áp dụng biện pháp kỹ thuật và mở thêm dung lượng kết nối trên đất liền, tình trạng nghẽn đã từng bước được cải thiện. "Tuy nhiên vẫn có thể bị chậm vào giờ cao điểm", ông nói.
Ở giai đoạn bình thường, các tuyến cáp quang biển của Việt Nam có tổng dung lượng 18,7 Tbps. Các nhà mạng thiết lập 60% cho hoạt động, 40% cho việc dự phòng. Trong giai đoạn bốn tuyến cáp quang gặp sự cố hiện nay, hạ tầng này đã mất khoảng 75% dung lượng. Các nhà mạng phải mua thêm 3 Tbps qua hướng đất liền, kết hợp biện pháp kỹ thuật để giảm dung lượng sử dụng và tăng dung lượng dự phòng.
Theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 10/2, các nhà cung cấp cần mua bổ sung dung lượng nhằm đảm bảo "dung lượng sử dụng thực tế của khách hàng vào giờ cao điểm luôn ở mức không quá 90% dung lượng quốc tế mà nhà mạng có thể đáp ứng". Có nghĩa, dung lượng có sẵn phải cao hơn ít nhất 10% so với nhu cầu sử dụng của người dùng.
Tuy nhiên, trong hai ngày cuối tuần, lưu lượng của một số nhà mạng đã vượt mức 90%.
Theo báo cáo của Bộ, tính đến cuối ngày 12/2, lưu lượng của VNPT vào khoảng 95%, còn lưu lượng vào giờ cao điểm của Viettel là 96%. Kết nối mạng cố định của FPT và mạng di động của MobiFone khoảng dưới 80%.
Để khắc phục, VNPT đã đàm phán với các đối tác để mua thêm dung lượng cáp đất liền và đưa vào sử dụng trong 1-2 tuần tới. Đại diện Viettel cũng cho biết sẽ tiếp tục đàm phán mua dung lượng để đảm bảo tỷ lệ dự phòng tối thiểu 10%. Đến nay, các doanh nghiệp viễn thông cho biết đã bù đắp được 50% dung lượng đi quốc tế.
Ngay cả khi có đủ dung lượng kết nối, việc truy cập vẫn có thể bị chậm. Các chuyên gia giải thích, việc nhà mạng phải chuyển hướng kết nối qua các đường cáp biển còn lại cũng như cáp mặt đất dẫn đến tình trạng "đi vòng" với một số điểm đích kết nối, khiến tốc độ truy cập giảm.
Đây là lần đầu tiên tất cả doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam đối mặt với việc ứng cứu quy mô lớn khi số cáp quang biển bị sự cố nhiều nhất. Trong bốn tuyến bị đứt, hai tuyến AAG và APG mất toàn bộ dung lượng, hai tuyến IA và AAE-1 còn một phần hoạt động. Hiện tuyến SMW-3 đi Hong Kong và Singapore, tuyến AAE-1 hướng đi Singapore và tuyến IA hướng đi Hong Kong vẫn đảm bảo kết nối 100%.
"Đây là sự cố bất khả kháng. Bộ Thông tin và Truyền thông cùng doanh nghiệp viễn thông đang nỗ lực xử lý vấn đề nên rất cần sự sẻ chia của xã hội", đại diện Bộ nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận