Vì sao hàng loạt giám đốc doanh nghiệp ở Nghệ An bị dừng xuất cảnh?
Nợ thuế, không hoàn thành nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật…là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An thời gian qua khiến cơ quan chức năng “tuýt còi” xuất cảnh.
Đây là động thái được Cục Thuế Nghệ An liên tục phát văn bản gửi, đề nghị Cục quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an tạm hoãn xuất cảnh đối với hàng loạt giám đốc, người đại diện pháp luật cho doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An trong thời gian gần đây.
Cụ thể, vào ngày 27/10/2022, ông Nguyễn Đình Đức - Quyền Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An đã ký thông báo số 2865/TB-CT về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trần Văn Long (SN 1976) trú tại phường Hà Huy Tập, TP. Vinh, là người đại diện pháp luật của CTCP 482.
Được biết, ông Trần Văn Long bị tạm hoãn xuất cảnh do CTCP 482 thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định. Thời gian bị tam hoãn xuất cảnh từ ngày 27/10/2022 đến khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.
Cùng ngày, Quyền Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An cũng đã ký Thông báo số 2866/TB-CT về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Hồng Sơn (SN 1956) trú tại xã Nghi Phú, TP. Vinh), là người đại diện theo pháp luật CTCP hoá chất Vinh.
Thời gian gần đây, cơ quan Thuế tỉnh Nghệ An liên tục phát văn bản gửi Cục quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an đề nghị tạm dừng xuất cảnh đối với nhiều giám đốc doanh nghiệp trên địa bàn
Theo đó, ông Nguyễn Hồng Sơn bị tạm hoãn xuất cảnh do CTCP hoá chất Vinh là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Thời gian tạm hoãn xuất cảnh kể từ ngày ký đến ngày người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.
Được biết, CTCP hoá chất Vinh có địa chỉ tại xóm 2, xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), ông Nguyễn Hồng Sơn là Tổng giám đốc của công ty. Ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động sản xuất hóa chất và phân bón.
Trước đó, vào ngày 31/7/2021, Diễn đàn Doanh nghiệp cũng đã có bài phản ánh về tình trạng CTCP hoá chất Vinh bị đưa vào danh sách nợ xấu của Agribank Tây Nghệ An.
Tuy nhiên, vấn đề làm sao thu hồi khoản nợ xấu hàng chục tỷ đồng mà Agribank Tây Nghệ An đã chấp thuận, giải ngân cho CTCP hoá chất Vinh vay vẫn đang loay hoay, luẩn quẩn.
Ngày 20/6/2018, Hợp đồng tín dụng vay vốn từ Agribank Tây Nghệ An số 3611-LAV-201801391 với CTCP Hoá chất Vinh cũng đã được ký kết, ban hành để giải ngân số tiền hơn 24 tỷ đồng. Theo hợp đồng tín dụng nói trên thì khoản vay này được Agribank chấp thuận là vay nợ ngắn hạn.
Được biết, trước khi chấp thuận cho CTCP Hoá chất Vinh vay vốn thì doanh nghiệp này đã kê khai các tài sản thế chấp gồm: bất động sản nhà máy tại xóm 2, xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An được định giá vào thời điểm nói trên là 11.421.295.920 đồng; bất động sản quyền sử dụng đất tại xóm 3, xã Nghi Phú, TP Vinh (Giấy CNQSDĐ) là 3.337.372.500 đồng và 2.500.000.000 đồng là động sản gồm máy móc thiết bị, hàng hóa, kim loại quý.
Như vậy, tổng giá trị tài sản bằng tiền để Công ty CP Hoá chất Vinh đưa ra thế chấp Agribank Tây Nghệ An là 17.258.668.420 đồng.
Trụ sở Công ty CP Hoá chất Vinh tại xóm 2, xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, nơi ông Nguyễn Hồng Sơn làm người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này
Vậy nhưng, qua điều tra của phóng viên thì được biết, sau thời điểm Agribank Tây Nghệ An chấp thuận giải ngân nguồn vốn vay ngắn hạn, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty CP Hoá chất Vinh lại trượt dài theo mức tăng trưởng thấp, thậm chí bê bết tài chính nhiều năm nay.
Đáng quan tâm, khuôn viên trụ sở của CTCP Hoá chất Vinh tại xóm 2, xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ đã ngừng hoạt động suốt thời gian qua, nhiều hạng mục máy móc, dây chuyền sản xuất… rơi vào cảnh “đắp chiếu” nhiều năm nay và có dấu hiệu xuống cấp, hoen rỉ.
Đến thời điểm đầu tháng 3/2021, số tiền mà CTCP Hoá chất Vinh đang nợ Agribank đã lên tới 24.242.298.000 đồng và rơi vào trạng thái khó đòi. Chính vì vậy, khi phát sinh nợ xấu như vậy vào thời điểm nói trên, dư luận vẫn chưa thể hiểu nổi là trước khi chấp thuận giải ngân cho vay, Agribank Tây Nghệ An đã xác minh, định giá và thẩm định khách hàng như thế nào?
Cũng trong một diễn biến liên quan, vào ngày 27/10, Chi Cục Thuế Bắc Nghệ II (Cục Thuế Nghệ An) cũng đã có các thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với hàng loạt giám đốc doanh nghiệp gồm: Tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trần Văn Noãn (SN 1959 – TP. Vinh), Giám đốc công ty TNHH Tường Nguyên;
Ông Vũ Văn Hoàng (SN 1972 – huyện Yên Thành), Giám đốc CTCP sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng Hoàng Hưng; ông Phan Xuân Hải (SN 1963 – huyện Yên Thành), Giám đốc Công ty TNHH XNK may Cường Thịnh; ông Hoàng Quốc Hưng (SN 1984 – huyện Yên Thành), Giám đốc Công ty TNHH Ly Hưng.
Ông Tô Anh Phương – giám đốc Công ty TNHH Kiều Phương có địa chỉ tại thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, Nghệ An cũng bị Chi cục thuế khu vực Sông Lam I phát thông báo gửi Cục quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an đề nghị tạm hoãn xuất nhập cảnh từ ngày 26/10/2022. Lý do, đến thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2022 Công ty TNHH Kiều Phương còn nợ Ngân sách nhà nước số tiền: 2.674.484.912 đồng. Theo đó, doanh nghiệp này vi phạm điểm a khoản 1 Điều 21 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế…
Trước đó, vào tháng 6/2022, hàng loạt lãnh đạo các doanh nghiệp như: Giám đốc Công ty CP gạch ngói Sông Lam; Giám đốc Công ty CP 475; Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ xây dựng Trường Yên; Giám đốc Công ty TNHH Bình Vũ Gia…cũng bị cơ quan thuế Nghệ An phát thông báo bằng văn bản gửi Cục quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an đề nghị tạm hoãn xuất cảnh vì lý do các giám đốc của những donh nghiệp nói trên thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận