Vì sao giá lợn hơi tăng chóng mặt?
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), có nhiều nguyên nhân đẩy giá lợn hơi trên thị trường tăng chóng mặt nhưng cũng không loại trừ khả năng có hiện tượng thổi giá.
Giá lợn hơi trong những ngày qua tiếp tục tăng cao kỷ lục, đỉnh điểm giá lợn hơi miền Bắc có nơi đã cán mốc 75.000 đồng/kg, trong khi giá lợn hơi ở miền Nam cũng đã tiệm cận mức giá miền Bắc.
Cụ thể, tại Ninh Giang (Hải Dương) và Tân Yên (Bắc Giang), một số hộ nông dân ngày 11/11 cân bán thịt lợn hơi cho thương lái với giá 75.500 đồng/kg.
Mức giá 76.000 đồng/kg thịt lợn hơi cũng được ghi nhận tại tỉnh Sơn La. Trong khi đó, tại các tỉnh như Nam Định, Hà Nội, Thái Bình,... giá lợn hơi cũng tăng lên 75.000 đồng/kg.
Tại chợ dân sinh, giá các mặt hàng thịt lợn cũng đang tăng mạnh. Ghi nhận tại chợ Mai Động, Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội), giá các loại thịt ba chỉ, chân giò, thịt mông, vai đã tăng lên mức 130.000-140.000 đồng/kg; giá thịt nạc thăn, sườn tăng lên 150.000 đồng/kg,...
Ông Nguyễn Xuân Dương quyền Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhận định, giá lợn hơi tăng đột biến không phải là nguyên nhân đến từ nguồn cung, mà do vấn đề lưu thông. Trong 63 tỉnh, thành chỉ có 9 tỉnh là vượt trên giá 70.000 đồng/kg, còn đa số đang biến động ở mức từ 58.000 - 65.000 đồng/kg.
Theo ông Dương, nguồn cung thịt lợn ở nước ta đang thiếu hụt do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, song lượng thịt không nhiều, vẫn có thể bù đắp được. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại có dấu hiệu thương lái lợi dụng sự khan hiếm heo cục bộ để đẩy giá, thổi giá lên cao.
Trước đó, cuộc họp quý III của Ban chỉ đạo nhằm tham mưu với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều hành giá từ nay tới cuối năm và dự kiến giải pháp cho năm 2020, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Vũ Văn Việt cho biết, cuối năm sẽ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn, nhưng khoảng 3-4%, tương ứng 200 nghìn tấn.
Trước sức ép nguồn cung trong nước thiếu hụt đã đẩy giá lợn tăng cao chưa từng có, Bộ NN&PTNT đã tính đến việc này và sẽ có các biện pháp bình ổn. Theo đó, sẽ tiếp tục cân nhắc chuyện nhập khẩu thịt lợn, đẩy mạnh tái đàn ở những khu vực an toàn dịch bệnh, bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt bằng các loại thịt gà, trâu, bò, thủy sản...
Bên cạnh đó, để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, ngày 21/10, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 12/CT-BCT trong đó có nhiều nội dung liên quan đến bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo.
Cụ thể, Bộ này đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị liên quan chủ động tham mưu hoặc có phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt heo nói riêng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; có phương án hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo khi có nhu cầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận