24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Hoàng Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vì sao giá hàng hóa tăng mà CPI lại giảm?

Giá cả các mặt hàng đồng loạt tăng nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 vừa được Tổng cục Thống kê công bố lại giảm 0,04% so với tháng trước.

Tổng cục Thống kê (GSO) cho rằng chỉ số giá tiêu dùng được tính đúng phương pháp luận quốc tế, nhưng một số chuyên gia khuyến nghị nên xem lại cách tính chỉ số giá tiêu dùng cho sát với thực tế giá cả thị trường.

Hơn 700 mặt hàng ảnh hưởng tới CPI

Báo cáo tổng quan thị trường giá cả tháng 4 và bốn tháng đầu năm 2021 được GSO công bố mới đây cho thấy trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có bốn nhóm giảm giá, sáu nhóm tăng giá so với tháng trước.

Bốn nhóm hàng hóa tháng 4 giảm so với tháng trước gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,13% do giá gạo, thịt heo, thịt bò, thịt gà, thủy sản giảm nhờ nguồn cung dồi dào; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,43%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,11%...

Theo GSO, giá lương thực và thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào và giá điện, nước sinh hoạt giảm theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm chỉ số CPI tháng 4 giảm 0,04% so với tháng trước nhưng tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở chỉ tăng 1% so với tháng trước do giá thép tăng...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thu Oanh - vụ trưởng Vụ Thống kê giá, GSO - cho biết xác nhận giá sản xuất thép tháng 4 so với tháng 3 tăng 4,23% và so với cùng kỳ 2020 tăng 27,7%. Nhưng quyền số (tỉ trọng từng nhóm hàng hóa trong rổ hàng hóa CPI) giá thép chỉ chiếm một phần.

Nhóm hàng hóa nhà ở và vật liệu xây dựng ảnh hưởng chủ yếu từ... giá điện, giá nước. Chỉ số giá tiêu dùng bao gồm 11 nhóm hàng thiết yếu, trong đó có quyền số hơn 700 mặt hàng, một mình giá thép tăng không thể quyết định CPI tháng 4.

Vậy vì sao khi Tập đoàn Điện lực VN (EVN), các tổng công ty cấp nước không điều chỉnh giá trong tháng 4 vẫn thấy tính giảm, bà Nguyễn Thu Oanh giải thích: giá điện, giá nước được tính trên doanh thu và kết quả sử dụng điện, nước của người dân, doanh nghiệp. Có nghĩa họ sử dụng nhiều, giá điện, giá nước sẽ áp ở mức cao theo cơ chế bậc thang, doanh thu lớn lên và ngược lại. Chỉ số giá tiêu dùng tính theo doanh thu, theo thực tế tiêu dùng điện, nước nên thay đổi hằng tháng...

Nên xem lại cách tính CPI

Bình luận về báo cáo chỉ số giá tiêu dùng của GSO, PGS.TS Phạm Thế Anh - thành viên sáng lập Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách - cho rằng không chỉ có thép, giá cả của hầu như tất cả các loại vật liệu xây dựng đều tăng mạnh trong tháng qua, tuy nhiên theo tính toán của GSO thì giá nhóm vật liệu xây dựng chỉ tăng 1%; đây là con số không sát thực tế.

Điều khiến PGS.TS Phạm Thế Anh "kinh ngạc" là giá cả nhóm hàng điện sinh hoạt trong tháng 4 giảm 0,73%. Chỉ số giá điện được tính dựa trên doanh thu chia cho sản lượng để ra giá điện trung bình, sau đó so sánh giá điện trung bình này giữa các tháng với nhau để xác định mức độ tăng giảm. "Điều này không đúng với phương pháp tính CPI" - ông Thế Anh băn khoăn.

Theo ông, bản chất của việc đo lường chỉ số giá tiêu dùng là đo lường chi phí sinh hoạt (tiêu dùng) của dân. Do vậy, phải giả định các tháng người dân tiêu thụ một giỏ hàng là giống nhau, sau đó xét xem chi phí giỏ hàng đó đắt lên hay rẻ đi để tính tỉ lệ lạm phát. "Giá điện sinh hoạt không có các đợt điều chỉnh của Nhà nước thì chỉ số giá điện trong giỏ hàng tính CPI phải là không đổi" - ông Thế Anh nói.

Cùng quan điểm, TS Bùi Trinh - một chuyên gia thống kê - cho rằng giá điện nếu lấy doanh thu chia sản lượng để tính toán CPI là không có ý nghĩa. Giá điện chỉ thay đổi khi Bộ Công thương và EVN điều chỉnh, nên nói chỉ số giá điện giảm do tiêu dùng giảm là phi thực tế.

"Nếu tính chỉ số giá điện, nước theo cách tiêu dùng ít, doanh thu giảm, giá giảm thì CPI không còn giá trị trong việc bình ổn kinh tế vĩ mô nữa. Nếu có quy định tính như thế này thì cần sửa lại để CPI có ý nghĩa với hoạt động điều hành kinh tế vĩ mô" - TS Bùi Trinh khuyến nghị.

Trước các ý kiến khác nhau, bà Nguyễn Thu Oanh cho biết việc tính toán chỉ số giá tiêu dùng thực hiện theo phương pháp luận quốc tế. GSO thực hiện 3 kỳ điều tra giá trước khi tính toán công bố CPI tháng 4 và bốn tháng đầu năm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả