Vì sao giá cà phê quay đầu tăng đột biến?
Giá cà phê hôm nay 30/6 bất ngờ quay đầu tăng mạnh, điều gì thúc đẩy giá cà phê Việt Nam tăng đột biến khi thị trường cà phê nội địa được dự đoán vẫn sẽ chịu nhiều áp lực?
Giá cà phê trong nước hôm nay 30/6/2022 tăng lên mức 42.600 – 43.100 đồng/kg. Hai sàn cà phê thế giới cũng đảo chiều hồi phục mạnh. Thị trường cà phê nội địa Việt Nam được dự đoán vẫn sẽ chịu áp lực trước những nút thắt về chuỗi cung ứng chưa được giải quyết triệt để.
Giá cà phê hôm nay 30/6: Quay đầu tăng mạnh
Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay bất ngờ bật tăng 600 đồng lấy lại mốc 43.000 đồng/kg. Tại cảng TP.HCM, robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% chốt ở 2.104 USD/tấn (FOB), chênh lệch +55 USD/tấn.
Giá cà phê trong nước hôm nay cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk là 43.100 đồng/kg, giá thấp nhất tại tỉnh Lâm Đồng là 42.500 đồng/kg.
Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch hôm nay giá cà phê ở Lâm Đồng tăng 600 đồng/kg, tại Bảo Lộc, Lâm Hà ở mức 42.600 đồng/kg, tại Di Linh ở ngưỡng 42.500 đồng/kg. Giá cà phê tại Đắk Lắk tăng 600 đồng/kg, cụ thể ở tại Cư M'gar ở mức 43,100 đồng/kg, tại Buôn Hồ giá cà phê ở ngưỡng 43,000 đồng/kg.
Giá cà phê tại Gia Lai tăng 600 đồng/kg, giá ở Pleiku là 43,000 đồng/kg, và Ia Grai giao dịch quanh mức 43,000 đồng/kg. Giá cà phê tại Đắk Nông tăng 600 đồng/kg, dao động ở ngưỡng 43,000 đồng/kg.
Giá cà phê tại Kon Tum tăng 600 đồng/kg, dao động ở mức 43,000 đồng/kg. Giá cà phê giao tại cảng TP.HCM tăng 600 đồng/kg, dao động ở ngưỡng 47,000 đồng/kg.
Giá cà phê giao dịch trên cả sàn Robusta London và Arabica New York đồng loạt bật lên mạnh mẽ sau đà giảm liên tiếp trước áp lực từ nguồn cung dồi dào từ nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới - Brazil hiện đang thu hoạch vụ Arabica được mùa theo chu kỳ “hai năm một”. Tuy nhiên, tỷ giá đồng nội tệ Brazil bất ngờ tăng lên mức cao 5 tuần so với đồng USD đã hạn chế người trồng cà phê Brazil bán hàng vụ mới.
Ở thời điểm hiện tại, giá cà phê Arabica tăng vọt rất mạnh kéo theo Robusta ra xa khỏi ngưỡng nguy hiểm. Nguyên nhân do tồn kho cà phê đạt chuẩn trên sàn New York giảm nhiều và cơ cấu giá đảo nghịch kéo Arabica đi lên. Các quỹ hàng hóa tăng mua góp phần đẩy giá cà phê giao kỳ hạn tăng lên mức cao nhất 6 tuần. Mặc dù vậy, giao dịch vẫn đang ở mức thận trọng do giới đầu cơ còn e ngại rủi ro tăng trưởng toàn cầu có thể ảnh hưởng đến hàng hóa.
Giá cà phê chốt phiên giao dịch ngày 29/6 quay đầu tăng mạnh trên cả hai sàn phái sinh, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London tăng, kỳ hạn giao tháng 9/2022 tăng 32 USD (1,59%), giao dịch tại 2.049 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 11/2022 tăng 29 USD (1,44%) giao dịch tại 2.044 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York kỳ hạn giao tháng 9/2022 tăng rất mạnh 10,50 Cent (4,82%), giao dịch tại 228,25 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2022 tăng 9,7 Cent/lb (4,50%), giao dịch tại 225,35 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trên trung bình.
GIÁ CÀ PHÊ TRỰC TUYẾN SÀN LONDON, NEW YORK, BMF Cập nhật: 30/06/2022 lúc 17:12:01
GDP chính thức của Mỹ trong quý I giảm 1,6%, cao hơn mức dự đoán giảm 1,5% của thị trường, đã tiếp tục tác động tiêu cực đến thị trường tài chính Mỹ và giúp chỉ số Dollar Index vượt trở lại mốc 105. Tuy nhiên, như đã nói trên, đồng Real Brazil bất ngờ tăng mạnh 1,63% sau khi sụt giảm về mức thấp nhất 20 tuần, đã hạn chế lực bán cà phê từ nông dân Brazil. Bên cạnh đó, cấu trúc giá của cà phê Arabica đang có sự nghịch đảo, khi giá tháng gần cao hơn tháng xa, cho thấy lo ngại rõ rệt của thị trường về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, sau khi tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE US giảm về mức thấp nhất trong vòng 22 năm.
Mức tăng mạnh của giá cà phê Arabica cũng phần nào tác động tích cực đến giá cà phê Robusta, kết hợp các số liệu xuất khẩu tích cực của cà phê Việt Nam trong nửa đầu năm 2022, giúp giá cũng phục hồi trở lại sau 4 phiên giảm liên tiếp.
Giá cà phê còn dư địa tăng do nhiều yếu tố. Xung đột địa chính trị ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi kinh tế thế giới và khiến lạm phát gia tăng, lãi suất tiền tệ gia tăng ở các nền kinh tế phát triển.
Nguồn cung cấp cà phê Arabica chế biến ướt chất lượng cao cho sàn New York chủ yếu từ khối sản xuất Mexico – khu vực Trung Mỹ dường như đã cạn kiệt. Nguyên nhân là do việc đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn giá cao từ đầu năm, cũng như việc vận chuyển và giao hàng thuận lợi hơn từ các nguồn gốc xuất xứ khác.
Ước tính khối sản xuất này cung cấp cà phê Arabica chế biến ướt chất lượng cao cho thị trường tiêu thụ toàn cầu xấp xỉ 18 triệu bao mỗi năm. Báo cáo từ Cecafé của Brazil cho biết, vụ thu hoạch cà phê Robusta bị chững lại do yếu tố thời tiết không thuận lợi.
Trong khi đó, nhu cầu cà phê nguyên liệu để sản xuất cà phê hòa tan và rang xay cũng tăng cao, có khả năng lên tới 22,5 triệu bao trong năm nay.
Ngoài ra, việc nâng lãi suất điều hành tại các nước tiêu thụ có khả năng ngăn trở các nhà nhập khẩu do phải cân đối tình hình tài chính và chi phí ngân hàng. Nhưng cước tàu mới chính là “biến số” khó đoán nhất của thị trường hàng hóa sau này.
Khảo sát về 30 giao dịch tư nhân trong ba tháng qua cho thấy các chủ tàu đang cho thuê tàu theo hợp đồng dài hạn với mức giá cao kỷ lục, trong khi chi phí đặt các chuyến hàng container tăng kỷ lục 30,1% trong tháng 5/2022, theo chỉ số cước vận tải biển Xeneta.
Những "nút thắt" của cà phê của Việt Nam
Tổng cục Thống kê Việt Nam ước tính xuất khẩu cà phê trong tháng 6 sẽ đạt 2,41 triệu bao, tăng 13,30% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, lũy kế xuất khẩu cà phê trong chín tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2021/2022 sẽ đạt tổng cộng 19,87 triệu bao, tăng 7,35% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Trước đó, trong tháng 5/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.278 USD/ tấn, giảm 1,0% so với tháng 4/2022, nhưng tăng 21,9% so với tháng 5/2021.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.250 USD/tấn, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 5/2022 so với tháng 5/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính tăng, ngoại trừ xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ và Philippines giảm mạnh. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường châu Âu ghi nhận mức tăng trưởng hai con số.
Trong 5 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường tăng, ngoại trừ Mỹ, Philippines và Trung Quốc. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang Bỉ tăng 261% về lượng và tăng 349,7% về trị giá; sang Anh tăng 130,3% về lượng và tăng 178,6% về trị giá.
Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan
Trong nước, nông dân trồng cà phê đang chịu áp lực trước chi phí phân bón và xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Thị trường cà phê nội địa Việt Nam được dự đoán vẫn sẽ chịu áp lực trước những nút thắt về chuỗi cung ứng chưa được giải quyết triệt để.
Bên cạnh đó, việc giới đầu cơ còn e ngại rủi ro tăng trưởng toàn cầu có thể ảnh hưởng đến hàng hóa, trong đó có mặt hàng cà phê. Ngoài ra, xung đột Nga - Ukraine sẽ càng làm cho tiêu thụ cà phê thêm khó khăn.
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (NCIF), cảng Thượng Hải đã được dỡ bỏ lệnh phong tỏa nhưng không thể một sớm một chiều giải quyết được lượng hàng hóa dồn ứ tại Trung Quốc.
Giá cước từ cảng lên hàng tại Trung Quốc hiện cao gấp 20 lần cước từ Mỹ để đưa hàng sang châu Á. Chính vì vậy, đường đi của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực ít ra trong vài tháng nữa, nếu như dịch Covid-19 hoàn toàn lắng dịu.
Dù không ít nhà kinh doanh cà phê Việt Nam đã chọn hướng thuê tàu rời để đưa hàng sang các nước nhập khẩu, nhưng chỉ các doanh nghiệp lớn, có mạng lưới hoạt động rộng khắp mới có khả năng thuê tàu cho riêng mình.
Doanh nghiệp cà phê Việt Nam, thường chỉ cỡ trung và nhỏ, bán qua trung gian là chủ yếu, nên chưa thể chủ động bán hàng như trước đại dịch. Sức bán vì vậy mà hạn chế. Lượng tồn kho sau 5 tháng đầu niên vụ đã giảm dần.
Hiện tượng tranh mua tranh bán giảm sẽ khiến cho giá bán xuất khẩu không rẻ như trước. Giá cà phê nội địa hiện nay khoảng 43 triệu đồng/tấn thì khó có thể chào giá xuất khẩu trừ trên 200 USD/tấn FOB. Mặt khác, người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu do lạm phát tăng cao, tình hình kinh tế khó khăn cũng khiến cho tiêu thụ cà phê của ta khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, nông dân trồng cà phê đang chịu áp lực trước chi phí phân bón và xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Một số hộ phải cắt giảm chi phí đầu vào, hạn chế bán ra để chờ giá tăng. Vì vậy, việc mua bán cà phê tại các đại lý vì thế cũng khá hạn chế.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng ngành cà phê đang có cơ hội vượt qua con số kỷ lục 3,7 tỷ USD của năm 2012, để lần đầu tiên cán mốc 4 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê của Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong nước, nông dân trồng cà phê đang chịu áp lực trước chi phí phân bón và xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Một số hộ phải cắt giảm chi phí đầu vào, hạn chế bán ra để chờ giá tăng. Vì vậy, việc mua bán cà phê tại các đại lý vì thế cũng hạn chế. Vicofa đưa ra cảnh báo cho rằng, giá cả vật tư phân bón tăng cao sẽ khiến nông dân cắt giảm đầu tư chăm bón. Điều này có thể khiến sản lượng cà phê Robusta sụt giảm 10% trong vụ sắp tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận