Vì sao Eximbank khó được dư luận chấp nhận và cảm thông?
Những ngày qua, việc Eximbank tính khoản nợ thẻ tín dụng từ 8,5 triệu thành hơn 8,8 tỷ đồng sau 11 năm đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Cho rằng Eximbank không minh bạch và lạnh lùng trong việc tính lãi, hàng loạt khách hàng đã hủy thẻ tín dụng và kêu gọi tẩy chay ngân hàng này.
Trước khủng hoảng niềm tin mà Eximbank đang gặp phải, luật sư Nguyễn Tiến Lập - thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam - đã chia sẻ với VietTimes dưới góc nhìn của một người chuyên xử lý tranh chấp trong lĩnh vực thương mại.
Khách hàng yếu thế
- Đến nay, nhiều người cho rằng việc Eximbank đòi được 8,8 tỷ đồng là không dễ. Trong khi đó, hàng loạt khách hàng đã hủy thẻ tín dụng vì lo ngại gặp phải trường hợp tương tự. Xét về mức độ, ông đánh giá khủng hoảng này nghiêm trọng như thế nào?
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Về tính chất và quy mô, tôi cho rằng vụ việc này không lớn, bởi nó chỉ liên quan quan hệ giữa một cá nhân và một ngân hàng. Tuy nhiên, về phía ngân hàng, khi thấy quyền lợi bị xâm phạm hay chịu thiệt hại thì tại sao lại không có các phản ứng và hành động kịp thời? Nó gây ngạc nhiên cho dư luận xã hội, trong đó có tôi là một luật sư doanh nghiệp và trọng tài viên chuyên xử lý tranh chấp về thương mại.
Rõ ràng là “việc nhỏ đã trở thành to” và gây các tác động xã hội khá lớn. Theo tôi có ba yếu tố chính gây tác động từ sự vụ này như sau:
Thứ nhất, dư luận cảm thấy trong quan hệ giữa một cá nhân là khách hàng với ngân hàng thì dường như không có sự bình đẳng bởi cá nhân ấy trở nên quá yếu thế, chưa muốn nói một cách trần trụi là có thể ví như bị “bắt nạt”.
Thứ hai, tại sao ngân hàng là một tổ chức và định chế đặc biệt, chịu sự điều chỉnh bởi cả một đạo luật và khung pháp luật riêng, lại hành xử thiếu chuyên nghiệp đến như vậy. Nó thể hiện ở ba khía cạnh quan trọng và thiết thực nhất, nhưng lại có vẻ không được quan tâm bảo đảm. Đầu tiên là việc theo dõi, quản lý và chăm sóc khách hàng, tiếp đó là cơ chế giải quyết tranh chấp và cuối cùng là cách ứng phó để giải quyết khủng hoảng, đặc biệt là các tác động truyền thông.
Thứ ba, trong thời đại văn minh này, mỗi cá nhân không chỉ là cá nhân mà là thành viên của cộng đồng người tiêu dùng. Họ có một vị thế rất đặc biệt, là chủ thể có vai trò quyết định của nền kinh tế thị trường và luôn luôn được đề cao trong khía cạnh bảo vệ quyền.
Do đó, từ Liên Hợp quốc đến mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã ban hành quy chế, đạo luật về bảo vệ người tiêu dùng. Tôi nhấn mạnh yếu tố này bởi vì câu chuyện thẻ tín dụng và việc trả lãi khủng kia không chỉ mang tính cá nhân của người trong cuộc mà còn gây tác động mạnh về tâm lý đến tất cả người tiêu dùng, rằng các quyền lợi của họ vốn được tuyên ngôn đẹp đẽ thì có thật sự được thực thi hay bảo vệ hay không?
Cho nên, tôi hoan nghênh các cơ quan báo chí, trong đó có VietTimes, đã vào cuộc đưa tin và bàn luận câu chuyện này. Nó góp phần nâng cao nhận thức của xã hội nói chung về những vấn đề thiết yếu của cuộc sống.
- Trên mạng, có người cho rằng trong vụ việc này, Eximbank vì chạy theo mục tiêu thu lại khoản nợ rất lớn, không đặt mình vào vị trí của khách hàng nên tự gây ra khủng hoảng khiến ngân hàng thiệt đơn, thiệt kép?
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Tôi không biết các nhà lãnh đạo và quản lý của ngân hàng nghĩ gì, và đối với họ, cái gì quan trọng hơn giữa lợi ích ngắn hạn là thu được khoản tiền lãi và lợi ích dài hạn là giữ gìn uy tín thương trường? Về lý thuyết, nói ngân hàng là doanh nghiệp kinh doanh tiền cũng đúng, nhưng có lẽ đúng hơn khi nói rằng đó là định chế kinh doanh uy tín.
Chữ tín tức là làm cho khách hàng, người tiêu dùng và cả xã hội tin tưởng ở mình ở ít nhất ba khía cạnh bao gồm an toàn, chuyên nghiệp và hiệu quả được thể hiện thông qua các tiêu chí và cấp độ quản trị. Có lẽ từ cổ chí kim, nói tới ngân hàng là người ta hàm ý về các tiêu chuẩn quản trị cao, tới mức nó không đơn giản là tuân thủ quy tắc hay pháp luật mà đã trở thành các giá trị đạo đức về kinh doanh.
Chúng ta thử hỏi nếu các ngân hàng không như vậy thì còn ai dám giao tiền cho họ để giữ và sử dụng, khai thác? Trong quan hệ tín dụng cũng vậy, dù trực tiếp hay thông qua phát hành thẻ, nếu một khi vay tiền của ngân hàng mà không thể tiên lượng việc trả nợ và các hậu quả sau đó thì thử hỏi còn ai dám vay hay sử dụng dịch vụ?
- Các chuyên gia ngân hàng nói rằng việc tính nợ xấu theo cách lãi mẹ đẻ lãi con là bất thường. Còn thông tin mà Eximbank đưa ra chưa đủ để dư luận hiểu rõ khoản nợ xấu 8,8 tỷ được tính ra sao. Ông có nghĩ Eximbank đang bị động trong truyền thông, hoặc có điều gì đó chưa muốn minh bạch?
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Về nguyên tắc, việc tính lãi chậm trả đối với khoản gốc hay nợ xấu có hai tình huống xảy ra. Tức là các bên có thoả thuận hoặc không có thoả thuận.
Nếu có thoả thuận dù dưới bất cứ hình thức nào, chẳng hạn như hai bên không nhất thiết đàm phán và ký một hợp đồng cá biệt mà một bên xác nhận đồng ý các điều khoản dịch vụ có sẵn của bên kia (việc phát hành thẻ tín dụng chính là như vậy), thì luôn có một điều kiện cơ bản và tối thiểu phải được bảo đảm. Đó chính là bên xác nhận đồng ý phải tự hiểu hoặc được giải thích để hiểu rõ ràng về việc sử dụng tiền vay và trả nợ qua thẻ tín dụng. Cụ thể là thoả thuận của các bên cần bao gồm cả việc tính lãi và trả lãi, liệu rằng có thể áp dụng gộp lãi chưa trả vào gốc dẫn tới lãi mẹ đẻ lãi con hay không...
Còn nếu không có thoả thuận rõ ràng giữa hai bên thì các quy định tương ứng của pháp luật là Bộ Luật dân sự sẽ được áp dụng, bao gồm cả cách thức áp dụng lãi chậm trả, mức lãi chậm trả... Tôi cũng lưu ý rằng ngay cả trường hợp có thoả thuận thì luật cũng quy định cả mức lãi và phạt tối đa cho việc chậm hay không trả nợ với mục đích bảo vệ sự công bằng và chống sự lấn át của kẻ mạnh đối với bên yếu thế.
Theo dõi vụ việc này, tôi đồng ý với ý kiến dư luận rằng đáng lẽ phía ngân hàng nên công bố để minh bạch hoá các thông tin này ngay từ đầu nhằm tránh khủng hoảng xảy ra.
Không minh bạch, Eximbank càng bị suy đoán có lỗi
- Trước làn sóng hoài nghi của đông đảo người dân, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu Eximbank phải thông tin với dư luận và báo chí. Nhưng thông tin đưa ra vẫn nhỏ giọt, chưa đủ thuyết phục. Cách ứng phó này có hợp lý khi ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm?
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Đương nhiên, tôi ủng hộ sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, nếu chỉ là yêu cầu thì hiệu lực và tác động của sự can thiệp ấy rất hạn chế. Tại sao Ngân hàng Nhà nước, vốn đóng vai trò quản lý nhà nước như là cấp trên của các ngân hàng, không cử ngay các thanh tra viên đến kiểm tra, thanh tra để có thông tin chính xác, trực tiếp và nhanh chóng?
Nếu thực thi chức trách như vậy, tôi tin rằng người dân đã có câu trả lời, hoặc thậm chí sự việc đã được giải quyết theo cách thức phù hợp và đúng pháp luật. Tôi cũng đồng ý rằng ngân hàng và tiền tệ là lĩnh vực nhạy cảm, nhất là sau khi các vụ án lớn về ngân hàng xảy ra vừa qua, do đó các ứng phó và hành động nhanh nhạy, kịp thời từ phía Ngân hàng Nhà nước rất quan trọng, chẳng khác nào tháo ngòi nổ cho một quả bom vậy.
- Ngay cả chủ thẻ bị đòi nợ cũng không rõ Eximbank tính lãi ra sao. Với việc vụ việc kéo dài 11 năm, phải chăng ngân hàng có vấn đề về quản trị, thiếu chăm sóc, không có chiến lược để đòi nợ hiệu quả?
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Như tôi đã nói, về phía ngân hàng, thông thường trong quản trị, việc theo dõi thẻ tín dụng và tính lãi có thể đã được lập trình và vận hành tự động theo các quy chế chung. Tuy nhiên, vấn đề là cung cấp, trao đổi thông tin và chế độ thông báo - đó là yêu cầu bắt buộc mà các ngân hàng vẫn thực hiện, dù là thủ công hay sử dụng công nghệ.
Tôi không có hồ sơ vụ việc để khẳng định điều gì nhưng theo công luận cho biết thì phía khách hàng đã không có đầy đủ các thông tin cần thiết. Có nghĩa rằng nếu điều đó xảy ra, ngân hàng bị suy đoán có lỗi hoặc phải chịu trách nhiệm trước hết với tư cách là bên cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp. Còn về phía khách hàng, sẽ có phần lỗi hoặc trách nhiệm của mình nếu chủ động không tiếp nhận thông tin hay cố ý cản trở việc liên lạc, cập nhật thông tin của ngân hàng.
Dù thế nào thì khoảng thời gian 11 năm để xử lý một sự vụ đòi nợ là quá dài ở mức bất hợp lý. Trong khi ngân hàng có đầy đủ các điều kiện về hạ tầng và pháp lý để tiến hành các thủ tục có liên quan như thông thường mà để xảy ra việc này thì khó có thể được dư luận chấp nhận hoặc thông cảm.
- Ông dự đoán cuộc khủng hoảng này sẽ diễn biến ra sao, có thể ảnh hưởng đến Eximbank và việc phát hành thẻ tín dụng như thế nào? Và Eximbank cần làm gì để khép lại sự việc, khôi phục niềm tin của khách hàng?
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Tôi tin dư luận đang trông đợi các hành động thích hợp và chủ động từ phía ngân hàng bởi câu chuyện rõ ràng phải được khởi sự từ phía họ. Nó có thể bao gồm việc công khai thông tin về vụ việc cũng như đề xuất phương án giải quyết khoản nợ một cách hợp lý.
Nếu điều đó không xảy ra, tôi tin Ngân hàng Nhà nước hoặc các cơ quan chức năng khác sẽ phải vào cuộc để kiểm tra, thanh tra hoặc điều tra nhằm làm rõ sự việc, tạo cơ sở cho các thủ tục pháp lý liên quan sau đó được tiến hành để xử lý. Chẳng hạn, đó có thể là các thủ tục dân sự theo ý chí của một hay cả hai bên, thủ tục hành chính hay tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.
Cần làm vậy vì ngay cả khi Eximbank không tự hành động để bảo vệ uy tín của mình thì Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng vẫn phải hành động để bảo vệ uy tín của cả hệ thống ngân hàng, vốn là rường cột của nền kinh tế, cũng như bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
- Cám ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận