Vì sao doanh nghiệp không dám ‘gõ cửa’ vay ngân hàng?
Nhiều doanh nghiệp các lĩnh vực gặp khó khăn về đầu ra nên không dám vay ngân hàng. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay giảm mạnh.
Anh Nguyễn Hoàng Nghiệp - giám đốc một doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại Hải Dương - chia sẻ: “Từ cuối năm ngoái, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì đầu ra gián đoạn do không có đơn hàng xuất khẩu. Hiện, doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn mà chỉ mong ngân hàng giãn nợ cũ”.
Tín dụng tăng thấp do nhiều doanh nghiệp khó khăn. |
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP Invest - cho biết, bất động sản "đóng băng" kéo theo hệ luỵ là một loạt lĩnh vực sắt thép, xi măng cũng dừng tới 90% hoạt động. Doanh nghiệp đang cố gắng cầm cự thay vì nhu cầu vay vốn mới.
Trao đổi với PV Tiền phong, lãnh đạo một ngân hàng Big 4 đánh giá, khác với năm 2022, nhu cầu tín dụng năm nay dự báo khó khăn, ngoài đơn hàng sản xuất sụt giảm, thị trường bất động sản đóng băng là một phần nguyên nhân.
Những năm gần đây, tín dụng cho bất động sản luôn cao hơn trung bình. Dư nợ tín dụng bất động sản năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng hơn 24% và là một trong những lĩnh vực được giải ngân với mức tăng cao nhất. Tuy nhiên năm nay, thị trường khó khăn khiến tín dụng vào kênh này khả năng chậm lại. Việc mở rộng cho vay cũng không dễ trong bối cảnh các tài sản có pháp lý của nhóm bất động sản hầu hết đã được sử dụng cho các khoản vay cũ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng - đánh giá, giá bất động sản tăng cao, sản phẩm cứ ra là bán hết, ngân hàng cũng thích cho vay. Nhưng khi thị trường đóng băng, các nhà băng phải phòng thủ để đảm bảo nguyên tắc an toàn vốn.
"Giai đoạn này, ngân hàng khó giải ngân cho doanh nghiệp bất động sản do vướng mắc ở khâu pháp lý, bản thân họ còn đang có những khoản nợ khách hàng, nợ trái phiếu", ông Hùng nói.
Tại cuộc họp báo chiều 31/3, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng tính tới ngày 28/3 tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng hơn 11% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN đánh giá mức tăng này “không cao” so với giai đoạn cuối năm 2022. Nguyên nhân bởi sức cầu yếu từ phía doanh nghiệp.
“Khó khăn doanh nghiệp hiện nay là một vấn đề. Nhu cầu tín dụng của một số một số lĩnh vực chững lại”, ông Tú nói
Lãnh đạo NHNN cho biết, đã gặp nhiều hiệp hội, doanh nghiệp để nghe báo cáo, phản ánh khó khăn. “Một phần họ thiếu đơn hàng, tồn kho, sản xuất bị ngưng trệ”, Phó Thống đốc nói.
Theo đó, NHNN đề xuất chính sách giãn, hoãn nợ hỗ trợ đối với một số ngành nghề, lĩnh vực đang gặp khó khăn. Khi Chính phủ có nghị quyết về chính sách này, NHNN sẽ kịp thời ban hành thông tư hướng dẫn.
Ông Tú thông tin, chính sách sẽ hỗ trợ cho những đối tượng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan. Dòng tiền của doanh nghiệp đang có những vấn đề không được như mong muốn. Đối tượng nào, ngành nghề nào được hỗ trợ sẽ tính toán nhằm đảm bảo giúp doanh nghiệp vượt qua được khó khăn. Đồng thời, chính sách cũng phải đảm bảo độ an toàn và bản chất nợ của nền kinh tế. Không để xảy ra tình trạng nợ xấu bị che giấu dưới hình thức giãn, hoãn này”, ông Tú nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận