24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mai Lan
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vì sao đất hiếm chẳng thể giúp Trung Quốc thắng Mỹ trong chiến tranh thương mại?

Nhu cầu nhập khẩu của Mỹ đối với kim loại đất hiếm thô từ Trung Quốc được sử dụng trong các nhà máy gần như đã biến mất. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy năm 2018 Mỹ chỉ chiếm 3,8%.

Khi Mỹ đã dùng đến "lá bài Huawei" để ngăn chặn các công ty công nghệ Trung Quốc tiếp cận công ty Mỹ, điều làm chúng ta quan tâm là khi nào và bằng cái gì Trung Quốc sẽ sử dụng để trả đũa Mỹ?

Nhưng trước khi trả lời điều này, có một hiện tượng lạ kể từ khi thương chiến được khởi động đến nay: kể từ ngày 10/5/2019 mặc dù vẫn phát ngôn cứng rắn, nhưng các biện pháp trả đũa của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể.

Trả đũa thuế được đưa ra vào ngày 13/5 (chậm hơn 3 ngày so với Mỹ) và chỉ phát huy hiệu lực từ 1/6/2019. Trong khi đó, đến nay vẫn chưa rõ cách trả đũa Mỹ về vụ Huawei là như thế nào. Đây là một tín hiệu lạ chứa đựng rất nhiều thông điệp.

Quay trở lại với những vũ khí tiềm tàng có thể sử dụng, chuyên gia cho rằng (1) đất hiếm và (2) hạn chế khách du lịch Trung Quốc đến Mỹ có thể là những vũ khí được cân nhắc tới. Điều này càng được củng cố khi truyền thông nhà nước Trung Quốc ngập tràn hình ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình cùng phó Thủ tướng Lưu Hạc đi thăm một nhà máy "sản xuất đất hiếm" ngay sau khi Huawei bị nhận các lệnh trừng phạt.

Nhưng vì sao đến nay Trung Quốc vẫn chưa sử dụng đến lá bài đất hiếm như họ áp dụng với Nhật Bản vào năm 2010? Để trả lời câu hỏi này, cần trả lời về "tác động hạn chế" của lá bài đất hiếm lên Mỹ và "phản đòn" của chính sách này đối với Trung Quốc.

Vì sao tác động của chính sách cấm/hạn chế xuất khẩu đất hiểm sang Mỹ sẽ rất hạn chế? Đất hiếm là tập hợp của 17 nguyên tố hóa học thuộc bảng tuần hoàn của Mendeleev, có tên gọi là scandi, yttri và 15 nguyên tố của nhóm Lantan.

Trái ngược với tên gọi đất hiếm có hàm lượng lớn trong vỏ trái đất. Nói cách khác đất hiếm không hiếm. Người ta có thể tìm thấy các nguyên tố đất hiếm ở trong các lớp trầm tích, các mỏ quặng và cát đen. Đất hiếm dưới dạng quặng được hút tách để dùng cho nhiều mục đích.

Nhu cầu nhập khẩu của Mỹ đối với kim loại đất hiếm thô từ Trung Quốc được sử dụng trong các nhà máy gần như đã biến mất. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy năm 2018 Mỹ chỉ chiếm 3,8% xuất khẩu kim loại đất hiếm của Trung Quốc, ít hơn nhiều so với Nhật Bản, Ấn Độ, Ý, Tây Ban Nha.

Một lệnh cấm vận xuất khẩu của Trung Quốc sẽ có những hạn chế khác. Ví dụ, các nhà máy lọc dầu của Mỹ phụ thuộc vào lanthanum, đây là loại nguyên liệu rẻ nhất và dễ sản xuất nhất trong số 17 nguyên tố đất hiếm, làm chất xúc tác để tinh chế dầu thô. Nhưng lanthanum được khai thác với số lượng lớn ở Australia và ở Mỹ cũng như ở Trung Quốc. Chưa kể, giống như Huawei, các công ty dầu khí Mỹ cũng dự trữ chất xúc tác này đủ dùng cho vài tháng.

Lệnh cấm của Trung Quốc không có nhiều ý nghĩa nhờ các chuỗi cung ứng toàn cầu giúp đảm bảo tiếp cận của Mỹ đối với các sản phẩm đất hiếm. Các nhà máy ở Hàn Quốc và Thái Lan sản xuất một lượng lớn chất xúc tác dựa trên lanthanum. Ba công ty Nhật Bản thống trị kinh doanh biến đất hiếm thành nam châm gồm Hitachi, TDK và Shin-Etsu - đã xây dựng các nhà máy nam châm lớn ở Trung Quốc nhưng vẫn giữ cho các nhà máy của họ mở tại Nhật Bản để đề phòng.

Trong một sự đảo ngược kỳ lạ và ít được chú ý, Trung Quốc thực sự đã trở nên phụ thuộc phần nào vào Mỹ đối với quặng đất hiếm. Khu vực sản xuất của Trung Quốc hiện nay rất lớn đến nỗi nước này đã bắt đầu nhập khẩu quặng đất hiếm đã qua chế biến từ một mỏ ở Mountain Pass, trên sa mạc California gần biên giới Nevada.

Trong những tháng gần đây, mỏ này đã cung cấp tới 10% sản lượng khai thác đất hiếm toàn cầu. Một nhóm các nhà đầu tư do JHL Capital Group, một quỹ đầu cơ ở Chicago, đã mua 65% cổ phần của mỏ này khi nó phá sản vào tháng 7/2017. Khai thác đất hiếm chỉ là một phần của chương trình khôi phục sản xuất của mỏ. JHL đã lên kế hoạch khởi động lại các cơ sở phân tách hóa học khai thác mỏ vào năm 2019-2020 để sản xuất các oxit đất hiếm, do đó quặng bán thành phẩm sẽ không còn phải chuyển đến Trung Quốc. Kế hoạch đó dựa một phần vào đánh giá của rằng thương chiến sẽ kéo dài và Mỹ sẽ tìm cách tự cung tự cấp.

Tổn thất với Trung Quốc. Nhiều người chú ý thấy bức hình Chủ tịch Tập Cận Bình đi thăm là một nhà máy sản xuất nam châm (magnet) chứ không phải một nhà máy tuyển quặng đất hiếm. Điều này dường như gửi đi thông điệp: "Đây là một chuỗi cung ứng và Trung Quốc làm chủ chuỗi cung ứng đó".

Vấn đề nan giải đối với Bắc Kinh nằm ở việc có nên đánh đổi vai trò trung tâm của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi dừng xuất khẩu các thành phần quan trọng sang phương Tây như đất hiếm hay không.

Những nhóm diều hâu thương mại trong chính quyền Tổng thống Trump đã âm thầm bày tỏ hy vọng rằng Trung Quốc sẽ làm điều đó. Họ coi sự gián đoạn đó là cách tốt nhất để thuyết phục các công ty toàn cầu chuyển sản xuất vĩnh viễn ra khỏi Trung Quốc sang Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ, một mục tiêu dài hạn trong chính sách thương mại mới của Mỹ.

Trung Quốc đang ở tình thế lựa chọn khó khăn kể cả khi quyết đình cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. Không những tác động hữu hạn mà còn có thể mắc bẫy chiến lược của quốc gia này.

Bài viết được tóm lược bởi Chương trình nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc - VEPR (VCES), Bizlive đăng lại.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả