Vì sao chuyên gia nói lúc này Việt Nam "không nên giãn cách xã hội"?
PGS Trần Đắc Phu cho rằng chỉ giãn cách xã hội khi lây nhiễm trong cộng đồng quá mạnh, không phát hiện được nguy cơ, không truy được vết.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 10/5, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - phân tích về những ổ dịch xuất hiện từ ngày 27/4 đến nay.
Theo đó, hiện có 4 ổ dịch lớn bao gồm: Đà Nẵng, Yên Bái, Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều) và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2; ổ dịch mới xuất hiện tại Hải Dương - đây là ca bệnh nhập cảnh trái phép từ Lào.
Từ những ổ dịch này đã lây lan ra 26 tỉnh, thành phố, với 442 ca mắc COVID-19 trong nước.
Dịch COVID-19 Việt Nam lưu hành đa chủng virus, trong đó có chủng của Anh và của Ấn Độ. Biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn.
"Thực tế hiện nay, qua 1 vài ngày tiếp xúc gần, các ca F1, F2 nhanh chóng trở thành ca F0; lây mạnh trong môi trường kín như quán bar ở Vĩnh Phúc, bệnh viện, địa điểm massage, vũ trường…", vì vậy theo PGS Phu, việc xét nghiệm phải thần tốc hơn nữa.
PGS Trần Đắc Phu cho rằng: "Chỉ giãn cách xã hội khi lây nhiễm trong cộng đồng quá mạnh, không phát hiện được nguy cơ, không truy được vết".
Theo ông, không nên giãn cách xã hội khi các lực lượng vẫn đang làm tốt công tác truy vết, năng lực phòng, chống dịch của lực lượng y tế được nâng lên; chúng ta đang nỗ lực khắc phục cách ly, phong tỏa…
Nhấn mạnh việc "xét nghiệm sàng lọc càng nhiều càng tốt", chuyên gia Trần Đắc Phu nêu ví dụ, Hà Nội tăng cường công tác xét nghiệm tại sân bay, bệnh viện và tiếp tục xét nghiệm nhiều nơi khác trong thời gian tới.
"Xét nghiệm sàng lọc nhiều vẫn rẻ hơn phải giãn cách xã hội một cách vô lý", chuyên gia Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Mặc dù số ca nhiều, lây lan ở nhiều địa phương trên cả nước, chuyên gia Trần Đắc Phu cho biết, về cơ bản, chúng ta đang kiểm soát được nguồn lây ở từng ổ dịch. Từng tỉnh đang kiểm soát được tình hình, góp phần cùng cả nước kiểm soát dịch bệnh.
Trong bối cảnh hiện nay có thể "có những ổ bệnh lẩn khuất trong cộng đồng, chưa diệt được hẳn", việc thực hiện nghiêm thông điệp 5K ("Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung-Khai báo y tế") có vai trò quan trọng trong công tác phòng bệnh.
"Thực hiện tốt 5K có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm, chuỗi dịch tễ trong cộng đồng. Cùng với đó, chiến lược "phát hiện sớm, truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả" của Việt Nam vẫn chính xác, ổn định, cần tiếp tục duy trì", chuyên gia Trần Đắc Phu khẳng định.
Bộ Y tế cho biết trong 5 ngày qua (từ 5/5 đến nay), trung bình mỗi ngày, cả nước ghi nhận 60 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Các ca mắc chủ yếu liên quan đến các ổ dịch tại Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh), Hà Nam, Vĩnh Phúc và Đà Nẵng.
Ban Chỉ đạo đánh giá tình hình thực tế tại Việt Nam cho thấy, dịch COVID-19 vẫn được kiểm soát cơ bản nhưng nguy cơ vẫn còn rất cao do các nguồn lây nhiễm có nguy cơ cao.
Theo Bộ Y tế, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này được xác định là khó khăn hơn, phức tạp hơn do sự xuất hiện của các biến chủng mới của virus đặc biệt là biến chủng B.1.617 được phát hiện tại Ấn Độ với tốc độ lây nhanh hơn, mạnh hơn. Hiện nay, dịch xuất hiện cùng lúc tại nhiều địa phương và sự xuất hiện các ca bệnh tại các cơ sở y tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận