Vì sao Chương trình 1719 sau hơn 2 năm vẫn chưa thể "tiêu tiền"?
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình Mục tiêu quốc gia dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được bố trí nguồn lực hơn 137.000 tỷ đồng.
Chiều 27/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững".
Tại đây, ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã giải đáp nhiều thắc mắc liên quan đến Chương trình Mục tiêu quốc gia dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình 1719) đặc biệt là vấn đề phân bổ vốn và giải ngân nguồn vốn.
Theo ông Hầu A Lềnh đây là Chương trình rất lớn, lần đầu tiên Đảng, Quốc hội, Chính phủ dành nguồn lực và sự quan tâm đặc biệt, kế thừa sự phát triển chính sách dân tộc trong giai đoạn trước đây để xây dựng một chương trình mục tiêu riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã triển khai các bước, thực hiện các quy trình chuẩn bị, đầu tư, phân bổ vốn.
“Cho đến thời điểm hiện tại, trải qua hơn 2 năm, chúng ta đã chuẩn bị hoàn tất, đủ điều kiện triển khai chương trình trên thực địa và đã hoàn thành toàn bộ phương án phân bổ vốn. Phương án phân bổ vốn đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt vào ngày 22/5/2022. Sau khi có Nghị quyết Quốc hội sẽ trình Thủ tướng Chính phủ và ký ban hành ngay trong tháng 5 này”, ông Hầu A Lềnh cho biết.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 88 ngày 18/11/2019.
Lý giải về tiến độ triển khai chương trình, ông Lềnh cho biết trước hết là do quá trình chuẩn bị hành lang pháp lý cho Chương trình này khá dài bởi trải qua quy trình hết sức chặt chẽ theo quy định của pháp luật.
“Trong quá trình chuẩn bị, chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ để trình hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm 2 Nghị quyết của Quốc hội, 2 Nghị định của Chính phủ, 9 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 14 quyết định của Ban Chỉ đạo Trung ương, 216 văn bản có liên quan của các bộ, ngành, địa phương để hướng dẫn thực hiện Chương trình. Khối lượng công việc lớn và mỗi loại văn bản đều theo trình tự quy định pháp luật nhưng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt.
Bên cạnh đó, do chương trình này được triển khai ở địa bàn những vùng đồng bào có điều kiện kinh tế xã hội hiện nay khó khăn nhất cả nước với 13.222 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 3.434 xã của 51 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, việc tổng hợp số liệu, trao đổi với các địa phương để đánh giá đầy đủ, đưa vào báo cáo khả thi sau khi có Nghị quyết Quốc hội là việc làm cũng rất mất nhiều thời gian.
Đặc biệt, đây là một Chương trình rất lớn gồm có 10 dự án, 14 tiểu dự án thành phần, 36 nhiệm vụ. Tức là 36 chính sách, được tích hợp từ những chính sách còn hiệu lực từ giai đoạn trước vào đây. Vì vậy Chương trình rất phong phú, có cả chính sách mới, có cả chính sách cũ đang có hiệu lực. Do đó việc tích hợp vào để xây dựng một hệ thông văn bản hướng dẫn triển khai Chương trình là việc làm hết sức kỳ công, công phu và kỹ lưỡng”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết.
Ông Hầu A Lềnh cũng thẳng thắn thừa nhận một trong những nguyên nhân gây chậm trễ là do Ủy ban Dân tộc – cơ quan chủ quản được giao triển khai lần đầu tiên được giao nhiệm vụ lớn như vậy do đó kinh nghiệm triển khai và việc phối hợp với các Bộ, ngành vẫn còn gặp nhiều vướng mắc.
Bàn về giải pháp để thực thi nhanh hơn đặc biệt là việc giải ngân cho Chương trình này, ông Hầu A Lềnh cho rằng giải pháp quan trọng nhất vẫn là phần tổ chức thực hiện.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phân bổ vốn trong tháng này thì việc còn lại là triển khai của các địa phương. Các địa phương trên cơ sở quyết định phân bổ vốn này sẽ trình HĐND cấp tỉnh, để phân bổ chi tiết, bao gồm nguồn ngân sách hỗ trợ từ nguồn Trung ương và nguồn ngân sách đối ứng từ địa phương cùng các nguồn ngân sách lồng ghép khác. Đây thuộc trách nhiệm của chính quyền các cấp. Đối với các bộ, ngành cần xây dựng kế hoạch triển khai đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện.
Ngoài ra Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ.
“Chương trình này đối tượng bao gồm cả xã, thôn, hộ gia đình và người dân là những người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn có trình độ khác nhau, sự hiểu biết khác nhau nên việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được đây là một chính sách, chủ trương lớn, đặc biệt quan trọng của Đảng, Nhà nước và sự tham gia trách nhiệm của người dân trong việc tổ chức triển khai chương trình này là điều vô cùng quan trọng.
Ngoài ra, phải tuyên truyền, vận động các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương hiểu về chương trình này và chung tay bởi vì làm ở những vùng có điều kiện vô cùng khó, nếu không quyết tâm, hiểu biết và trách nhiệm cao thì sẽ không triển khai được”, ông Lềnh cho biết.
Để thực hiện giải pháp này, ông Lềnh nhấn mạnh vai trò của các cơ quan truyền thông đồng thời cho biết hiện nay Ủy ban Dân tộc đang phối hợp với 19 cơ quan báo chí Trung ương làm công tác tuyên truyền đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có Chương trình này.
Cuối cùng để triển khai, thúc đẩy được nhanh Chương trình, ông Hầu A Lềnh cho rằng các địa phương phải triển khai hết sức đồng bộ các giải pháp chuẩn bị nguồn lực đầu tư thật tốt, đặc biệt phần ngân sách Trung ương hỗ trợ từ nguồn đầu tư công. Còn nguồn ngân sách khác là nguồn vốn tín dụng, vốn đối ứng của địa phương, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, từ nguồn chi thường xuyên cũng cần chuẩn bị chu đáo; triển khai hết sức đồng bộ, mới triển khai được Chương trình này nhanh bởi chỉ còn thời lượng 3 năm cho giai đoạn này (giai đoạn 1 từ năm 2021-2025).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận