24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Văn Khánh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vì sao các vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam gia tăng

Thị trường điều tra ngày càng mở rộng, xu hướng điều tra khắt khe hơn, phạm vi sản phẩm điều tra đa dạng.... là những điểm nổi bật trong vấn đề phòng vệ thương mại của các nước đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hiện nay.

Vì sao các vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam gia tăng

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Sáng 30/9, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề: “Khuyến nghị liên quan đến việc điều tra chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam”.

Tại sự kiện, bà Trương Thùy Linh – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, giai đoạn 2001 – 2011, số lượng vụ việc nước ngoài điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ dừng ở con số 50 vụ việc. Tuy nhiên, kể từ năm 2011 đến nay, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại liên quan hàng hóa Việt Nam đã tăng thêm 209 vụ việc. Trong tổng số 259 vụ này, Việt Nam đối mặt với 141 vụ việc điều tra liên quan chống bán phá giá.

“Năm 2020 là năm chúng tôi phải xử lý nhiều vụ việc phòng vệ thương mại nhất, với 39 vụ việc. Còn tính đến đầu năm tới nay, Cục Phòng vệ thương mại đã và đang xử lý 15 vụ việc mới phát sinh,” bà Linh cho biết.

Tại sự kiện, bà Trương Thùy Linh cũng nêu rõ 5 điểm nổi bật trong vấn đề phòng vệ thương mại mà các thị trường áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam hiện nay, phần nào lý giải số lượng các vụ việc gia tăng trong những năm gần đây.

Điểm nổi bật đầu tiên là việc thị trường điều tra đang ngày càng mở rộng đối với hàng hóa của Việt Nam. Ngoài việc hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống lớn đều đã khởi xướng điều tra hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, số vụ việc do các nước ASEAN tiến hành cũng tăng và một số quốc gia chưa từng điều tra hoặc ít điều tra như Mexico, Nam Phi, Đài Loan (Trung Quốc) cũng bắt đầu điều tra.

Tiếp theo là phạm vi sản phẩm của Việt Nam bị điều tra ngày càng đa dạng. Theo bà Linh, các sản phẩm bị điều tra không chỉ còn giới hạn ở các mặt hàng xuất khẩu lớn như tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời..., mà còn mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, đĩa giấy, ghim dập...

Vì sao các vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam gia tăng

Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương Trương Thùy Linh tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Bên cạnh đó, xu hướng điều tra các sản phẩm cũng ngày càng khắt khe. Cơ quan điều tra nước ngoài ngày càng đưa ra yêu cầu cao trong nhiều khía cạnh đối với chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra (như thời hạn trả lời, yêu cầu bổ sung nhiều thông tin, khó xin gia hạn...). Bà Linh lấy ví dụ trong vụ việc ghế bọc đệm, Cục Phòng vệ thương mại đã có thư đề nghị cơ quan điều tra Canada gia hạn thời gian trả lời.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra Canada không đồng ý. Ngoài ra, Canada cũng yêu cầu cung cấp thông tin cả những nguyên liệu sản xuất ra sản phẩm ghế sofa. Hay như Philippines, cơ quan điều tra của nước này đề nghị hồ sơ các doanh nghiệp Việt Nam trước khi nộp sang Philippines phải được hợp pháp hóa lãnh sự từng trang.

Tiếp theo là phạm vi điều tra hàng hóa cũng mở rộng, bao gồm cả các nội dung mới như điều tra xem xét phạm vi sản phẩm, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Cuối cùng theo bà Trương Thùy Linh là mức thuế phòng vệ thương mại có thể bị đẩy lên do vấn đề kinh tế. Một số nước như Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên sử dụng chi phí của một nước thứ ba để tính giá trị thông thường trong các vụ việc chống bán phá giá.

Lý giải thêm về việc tại sao Việt Nam ngày càng đối mặt nhiều với các vụ việc phòng vệ thương mại từ các thị trường nước ngoài, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết thêm, ngoài những lợi thế đặc thù của quốc gia đang phát triển như giá nhân công rẻ, giá thành sản xuất thấp, thì việc hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế càng khiến hàng hóa Việt Nam trở thành mối đe dọa lớn cho ngành sản xuất trong nước của nhiều quốc gia nhập khẩu.

Do vậy, để hạn chế thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa, nhiều quốc gia đang ngày càng tích cực hơn trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại, gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và tự vệ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ở một số nước như Mỹ còn sử dụng công cụ thứ tư là “biện pháp chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại”, nhằm ngăn chặn các hành vi thay đổi nguồn gốc của các mặt hàng xuất khẩu đang bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp để “né” thuế.

“Điều này khiến số lượng vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng,” bà Linh nhận định.

Vì sao các vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam gia tăng

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài được Bộ Công Thương tổ chức định kỳ hàng tháng. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Xét trên các thị trường xuất khẩu cụ thể, tại thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua là Mỹ, ông Đỗ Ngọc Hưng – Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, tổng số vụ việc phòng vệ thương mại từ trước đến nay của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam là 66 vụ, với các mặt hàng chủ yếu là thép, gỗ, tôm, cá tra, mật ong... Từ đầu năm 2024 đến nay, trung bình mỗi tháng Mỹ khởi xướng một vụ việc điều tra thương mại đối với Việt Nam, liên quan đến pin năng lượng mặt trời, đĩa giấy...

Đặc biệt, Mỹ là đối tác trong WTO có điều tra trợ cấp nhiều nhất đối với hàng hóa của Việt Nam với 12 vụ việc, chiếm 43% tổng số lượng vụ việc liên quan vấn đề trợ cấp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Theo ông Hưng, phía Mỹ thường cáo buộc doanh nghiệp Việt được hưởng trợ cấp, gồm trợ cấp về thuế, tín dụng, xuất khẩu...

Đáng chú ý, phía Mỹ cũng đang củng cố các công cụ phòng vệ thương mại thông qua việc ban hành các quy định mới, qua đó khiến vụ việc điều tra trở nên phức tạp, tốn nhiều nhân lực và không có lợi cho doanh nghiệp thời gian tới. Trong đó, có các quy định liên quan về trợ cấp xuyên biên giới, quy định liên quan đáp ứng quy chuẩn về lao động, quy định đối với tăng trưởng xanh...

Ông Hưng cho rằng, trước thách thức trên, doanh nghiệp cần có tâm thế sẵn sàng để xử lý vụ việc, đảm bảo hợp tác đẩy đủ, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan điều tra nhằm đạt kết quả khả quan nhất, qua đó bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp cũng như hoạt động xuất khẩu chung của Việt Nam.

Mặc dù gây ra nhiều thách thức, khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nhưng theo Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Hoàng Long, các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ thị trường nước ngoài cũng là cơ hội để phía Việt Nam hiểu nhiều hơn về thương mại quốc tế.

"Phòng vệ thương mại vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam. Một mặt, phòng vệ thương mại ảnh hưởng đến sự cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến kết quả khẩu chung. Mặt khác, các bên liên quan của Việt Nam như doanh nghiệp, hiệp hội... sẽ hiểu biết nhiều hơn về thương mại quốc tế, từ đó có thêm thông tin, góp phần tăng năng lực, đẩy mạnh quá trình hội nhập," Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhận định.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất trong các vụ việc phòng vệ thương mại là phải có cơ chế cảnh báo sớm, cảnh báo từ xa tại các thị trường để các doanh nghiệp, hiệp hội..., có thể nắm bắt thông tin, kịp thời chuẩn bị các yêu cầu từ phía các thị trường. Bên cạnh đó, có sự phối hợp giữa hiệp hội - doanh nghiệp - cơ quan của Bộ Công Thương trong việc giải quyết vấn đề này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả