Vì sao các nước châu Á không thích công dân hai quốc tịch?
Nhiều nước châu Á vẫn phản đối đa quốc tịch vì định kiến về huyết thống, chủ nghĩa dân tộc và mối lo ngại về việc đất nước bị chia rẽ.
Theo tổ chức Di cư Quốc tế, số người thay đổi quốc gia cư trú trên 1 năm từ năm 1970 đến năm 2015 tăng ít nhất 3 lần. Do xu hướng di cư trên thế giới tăng mạnh, các quốc gia cũng cởi mở hơn với việc người dân sở hữu nhiều quốc tịch.
Tuy nhiên, Châu Á là một ngoại lệ trong xu hướng đó. Theo trung tâm Quốc tịch, Di cư và Phát triển Maastricht, chỉ 65% quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu lục này cho phép công dân được sở hữu nhiều hơn một quốc tịch.
Một số quốc gia châu Á đang thắt chặt luật nhập cư. Hồi tháng 1, Nhật Bản đã bác bỏ đơn kiện của các công dân nước này sống ở châu Âu, kiên quyết giữ nguyên luật cấm hai quốc tịch. Tháng 2, Hong Kong tuyên bố công dân song tịch không được bảo vệ lãnh sự.
Anna, một cô gái mang dòng máu lai Nhật Mỹ, chia sẻ cảm nhận về quy định của Nhật Bản yêu cầu những người như cô phải chọn một quốc tịch khi đến tuổi 22: "Tôi là một người đa chủng tộc, tôi sống ở Nhật Bản, Mỹ và nói cả hai ngôn ngữ. Việc này giống như hỏi ai đó rằng họ yêu bố hay mẹ hơn. Đó là một câu hỏi tàn nhẫn".
Việc nhiều nơi ở châu Á phản đối đa quốc tịch bắt nguồn từ lịch sử xung đột giữa các dân tộc và chủ nghĩa thực dân. Tại một số quốc gia, các chuyên gia cho rằng việc này phản ánh xu hướng nghiêng về chủ nghĩa dân tộc cùng với mong muốn duy trì bản sắc, văn hóa và huyết thống đồng nhất.
Một số quốc gia châu Á đang thắt chặt luật nhập cư. (Ảnh: Haq Express)
Lòng trung thành
Hầu hết các nước ở châu Á - Thái Bình Dương đều phản đối đa quốc tịch, dù công dân vài nước vẫn có thể sở hữu nhiều hộ chiếu bằng cách không khai báo. Chỉ một số nước cho phép công dân có hai quốc tịch, bao gồm Campuchia, Đông Timor, Australia, New Zealand và Fiji. Những nước khác chỉ cho phép nếu công dân đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định.
Bà Jelena Dzankic, giám đốc Đài giám sát Quốc tịch Toàn cầu (GLOBALCIT), cho biết một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều nước châu Á phản đối đa quốc tịch là nỗi lo việc này sẽ gây chia rẽ đất nước và làm giảm lòng trung thành với quốc gia.
"Nguyên nhân các nước không cho phép (công dân) có hai quốc tịch là vì, các bạn sẽ đứng về bên nào nếu hai nước xảy ra chiến tranh?", bà Dzankic nói.
Luật quốc tịch của Nhật Bản được đưa ra ngay sau Thế chiến II. Ông Atsushi Kondo, giáo sư luật tại đại học Meijo của Nhật Bản, cho biết nhiều công dân song tịch đã từ bỏ lòng trung thành với Nhật hoàng để bảo vệ bản thân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại, việc sở hữu hai quốc tịch đem lại nhiều lợi thế cho người dân, như: du lịch miễn thị thực, cơ hội xin việc làm quốc tế, giảm học phí,...
"Niềm tin của Nhật Bản đã có phần lỗi thời”, ông Kondo nói.
Ông Low Choo Chin, giảng viên lịch sử tại đại học Sains Malaysia, cho biết lệnh cấm sở hữu nhiều quốc tịch của Trung Quốc cũng nhằm đảm bảo lòng trung thành của công dân với chính phủ và đất nước. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc từng gặp khó khăn trong việc bình thường hóa quan hệ với các nước láng giềng và thoát khỏi sự cô lập quốc tế vì định kiến "người Trung Quốc ở nước ngoài gắn liền với hoạt động cách mạng". Luật Quốc tịch Trung Quốc được ban hành vào năm 1980 nhằm chấm dứt tình trạng này.
Hiện nay, luật quốc tịch ở Trung Quốc chặt chẽ hơn nhiều và không cho phép công dân có hai quốc tịch cùng một lúc.
Huyết thống “thuần túy”
Theo bà Jelena Dzankic, một nguyên nhân khác khiến nhiều nước châu Á phản đối đa quốc tịch có thể là "mong muốn duy trì bản sắc văn hóa dân tộc". Thể hiện ở việc một số quốc gia cấm công dân song tịch có thành phần công dân đồng nhất.
Thống kê của sách Dữ kiện Thế giới do CIA biên soạn cho thấy 92% dân Trung Quốc là người Hán.
Và một trong những cách dễ nhất để một quốc gia kiểm soát thành phần dân tộc của mình là thông qua loại quốc tịch mà quốc gia đó chọn để công nhận.
Giáo sư Kondo cho biết hiện Nhật Bản vẫn tuân thủ nghiêm ngặt luật Quốc tịch và ủng hộ sự đồng nhất về sắc tộc: "Có thể với người Nhật Bản, dân tộc và quyền công dân là như nhau. Đây là cách nhìn nhận truyền thống đã cắm rễ trong người dân nước này. Ngay cả một số chính trị gia cũng tin rằng Nhật Bản ‘nên là một quốc gia đơn sắc tộc’ ".
"Nhận định về huyết thống trong cách hiểu của họ (người Nhật Bản) về quyền công dân là rất lớn", cô Anna cho biết.
Nếu một trẻ em mang quốc tịch Nhật Bản không có cha mẹ là người Nhật, đứa trẻ đó sẽ phải đối mặt với định kiến và chuẩn mực xã hội đã hình thành lâu năm tại đất nước này. Những người Nhật gốc ngoại quốc hoặc mang hai dòng máu thường gặp nạn bắt nạt học đường, hoặc bị cộng đồng kỳ thị.
"Đó là quan điểm về huyết thống trong sạch. Đây là nguyên nhân dù tôi có quốc tịch Nhật Bản, nhưng lại không được chấp nhận như công dân Nhật trong hầu hết các trường hợp, vì tôi không phải là người Nhật 'thuần túy' ", Anna chia sẻ.
Tương lai cho người đa quốc tịch
Tình hình tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hong Kong cho thấy một số khu vực ở châu Á đang đi ngược xu hướng đa quốc tịch của thế giới.
Tương lai của hàng nghìn công dân song tịch ở Hong Kong hiện rất mờ mịt. Chính quyền tại khu vực này nhấn mạnh sẽ có những biện pháp cứng rắn hơn để thực thi luật cấm đa quốc tịch, nhưng nội dung cụ thể vẫn chưa được công bố.
Janice Tam, một công dân Hong Kong sở hữu hộ chiếu Anh, chia sẻ: "Phải tới 70% bạn bè của tôi sở hữu hộ chiếu khác… Nếu bạn lựa chọn hộ chiếu nước ngoài, bạn còn lại những (quyền lợi) gì khi ở lại Hong Kong?".
"Trong hiến pháp ở nhiều nước châu Á, việc tiếp cận quyền công dân là rất khó khăn đối với các cộng đồng di cư vì các chính phủ tin rằng việc sở hữu quốc tịch là một đặc quyền chứ không chỉ là một quyền. Trong bối cảnh hiện nay, khá khó để tưởng tượng rằng các chính phủ châu Á sẽ cho phép hai quốc tịch", ông Low Choo Chin nói.
Dù vậy, chuyên gia cùng công dân các nước châu Á vẫn hy vọng khu vực này sẽ dần cởi mở hơn với việc người dân sở hữu nhiều quốc tịch, đặc biệt là khi xu hướng di cư toàn cầu tăng. Giáo sư Vink tại đại học Maastricht cho rằng quá trình này cần có nhiều thời gian.
Tín hiệu khả quan là một số quốc gia châu Á đã đưa ra các quy định mới, linh hoạt hơn về quyền công dân. Năm 2005, Ấn Độ ban hành luật thường trú mới cho phép người nước ngoài gốc Ấn sinh sống và làm việc tại đất nước này.
"Tôi hy vọng rằng thế giới sẽ thay đổi. Tôi cho rằng cần có một động thái hướng tới song quốc tịch, đây không chỉ là một cơ chế nhà nước, mà còn là cơ chế bảo vệ các cá nhân, nhằm mang lại cho họ nhiều cơ hội sống tốt hơn trong tương lai", bà Jelena Dzankic nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận