menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Mai Xuyên

Vì sao các gói an sinh giải ngân thấp?

Ba nguyên nhân chính khiến các gói an sinh giải ngân thấp là thủ tục rườm rà, thiếu dữ liệu về nhóm lao động tự do và tâm lý sợ sai của địa phương.

Hơn hai năm Covid-19, Chính phủ đã triển khai bốn gói an sinh hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp. Gói 62.000 tỷ đồng (Nghị quyết 42) ban hành tháng 4/2020, dự kiến hỗ trợ 20 triệu người, nhưng chỉ đạt hơn một nửa kế hoạch. Trong đó tỷ lệ giải ngân tiền mặt trực tiếp khoảng 22%, tức hơn 13.100 tỷ đồng.

Gói 26.000 tỷ đồng (Nghị quyết 68), ban hành tháng 7/2021, gồm 12 chính sách hỗ trợ lao động và người sử dụng lao động. Tỷ lệ giải ngân một số chính sách giải ngân rất thấp sau gần một năm triển khai, cụ thể hỗ trợ và duy trì việc làm cho lao động đạt 0,38%; vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh khoảng 3%; vay vốn trả lương ngừng việc 3,5%...

Gói 38.000 tỷ đồng (Nghị quyết 116) trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp giải ngân đầu tháng 10/2021, hoàn thành trong ba tháng. Hơn 12,8 triệu người nhận tiền qua tài khoản, mức 1,8- 3,3 triệu đồng; hơn 363.000 doanh nghiệp được giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 12 tháng.

Gói 6.600 tỷ đồng (Quyết định 08) hỗ trợ tiền thuê trọ nhằm giúp lao động quay lại thị trường. Chính sách ban hành hôm 28/3 và hạn cuối tháng 8, dự kiến 3,4 triệu người được thụ hưởng. Hiện tỷ lệ giải ngân đạt hơn 1%.

Trong bốn gói, chỉ gói 38.000 tỷ đồng giải ngân nhanh bởi dữ liệu doanh nghiệp, lao động thụ hưởng có sẵn trong hệ thống của ngành bảo hiểm. Các gói còn lại đều ì ạch, khiến Chính phủ phải nhiều lần đôn đốc. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này.

Thủ tục rườm rà

Rào cản đầu tiên khiến doanh nghiệp, người lao động khó tiếp cận các gói hỗ trợ là thủ tục rườm rà. Đơn cử chính sách cho doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc trong gói 62.000 tỷ đồng, triển khai cả tháng không giải ngân được dù Ngân hàng Chính sách xã hội sẵn sàng nguồn vốn. Nhiều doanh nghiệp thời điểm đó nản lòng khi liên tục bổ sung hồ sơ nhưng vẫn không đáp ứng được tiêu chí cơ quan quản lý đặt ra, như chứng minh tài chính, hoặc giảm đủ số lao động đang đóng BHXH phải ngừng việc một tháng trở lên.

Tỷ lệ giải ngân gói an sinh đầu tiên thấp được lý giải do "bối rối" vì đại dịch chưa có tiền lệ. Song đến các gói sau, ách tắc vẫn tiếp diễn dù thủ tục cắt giảm khoảng 60%. Như chính sách hỗ trợ đào tạo lại lao động chỉ giải ngân được hơn 17 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết không mặn mà bởi nghe qua quy định dễ dàng, nhưng triển khai 2-3 tháng mới xong một bộ hồ sơ. Lúc doanh nghiệp cần thì không được duyệt, duyệt rồi thì dịch đã lắng, phải tập trung sản xuất.

Vì sao các gói an sinh giải ngân thấp?
Thủ tục kê khai tờ khai để hưởng 1,5 triệu đồng từ gói 26.000 tỷ đồng mà lao động tự do ở Hà Nội nhận được từ tổ dân phố, tháng 8/2021. Ảnh: Hồng Chiêu

Với lao động tự do, điều kiện hỗ trợ là cư trú hợp pháp trên địa bàn, đồng nghĩa có đăng ký thường trú hoặc tạm trú. Người tạm trú phải có xác nhận của chính quyền hoặc công an khu vực. Thực tế nhiều người từ quê ra thành phố làm việc, thường xuyên di chuyển, ít đăng ký tạm trú hoặc chỉ thỏa thuận với chủ nhà.

Người có tạm trú cũng khó nhận hỗ trợ vì "thủ tục con". Đơn cử Hà Nội yêu cầu lao động hưởng hỗ trợ tại nơi tạm trú phải xin xác nhận không hưởng ở nơi thường trú để tránh trục lợi (sau đó đã bãi bỏ). Chống dịch ai ở đâu yên đấy, việc về quê xin xác nhận là bất khả thi.

Cả hai gói an sinh 62.000 và 26.000 tỷ đồng sau đó lần lượt phải điều chỉnh để giảm bớt thủ tục và bổ sung một số nhóm lao động vào diện hỗ trợ.

Rút kinh nghiệm, đến gói hỗ trợ tiền nhà 6.600 tỷ đồng, cơ quan quản lý thông thoáng hết mức về thủ tục. Người lao động chỉ cần làm đơn đề nghị, có xác nhận của chủ nhà, nộp cho doanh nghiệp để chuyển hồ sơ sang cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận.

Song lúc này, nhiều doanh nghiệp vì lo hậu kiểm đã tự ý yêu cầu lao động bổ sung xác nhận tạm trú hoặc công chứng hợp đồng thuê nhà, khiến thời gian hỗ trợ kéo dài. Sau hơn ba tháng triển khai, gói hỗ trợ mới giải ngân được hơn 70 tỷ cho hơn 13.500 lao động thụ hưởng.

Thiếu dữ liệu về nhóm lao động tự do

Lao động tự do - nhóm chịu tác động sâu nhất trong đại dịch - lại khó tiếp cận nhất do thiếu dữ liệu, không biết họ ở đâu, làm gì. Thống kê cả nước có hơn 30 triệu lao động khu vực phi chính thức, chiếm khoảng 66% lực lượng lao động trong độ tuổi. Họ làm việc tự do hoặc trong cơ sở kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ, không có hợp đồng, không tham gia BHXH và không hưởng lương cố định.

Lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khi tổng kết gói 62.000 tỷ đồng từng thừa nhận "có tổ trưởng dân phố đi gần chục lần mới gặp được lao động để khảo sát, đánh giá rồi mới hỗ trợ".

Để gỡ nút thắt, gói 26.000 tỷ đồng giao cho địa phương trực tiếp hỗ trợ lao động tự do hoặc nhóm đặc thù. Song việc triển khai mỗi nơi một kiểu, tùy vào ngân sách. Lao động tự do ở tỉnh này được xét vào diện hỗ trợ, nhưng tỉnh khác thì không. Tỉnh Quảng Ngãi không chi hỗ trợ cho 137.000 lao động tự do vì "ngân sách khó khăn, để dành kinh phí chống dịch".

Tới cuối tháng 5, còn 11 tỉnh chưa có số liệu báo cáo hỗ trợ lao động tự do và nhóm đặc thù, gồm Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi.

Vì sao các gói an sinh giải ngân thấp?
Người dân có hoàn cảnh khó khăn ngồi chờ nhận quà từ một nhóm từ thiện trên đường Lý Chính Thắng, TP HCM, tháng 4/2020. Ảnh: Nguyệt Nhi

Từ thực tế này, các chuyên gia kiến nghị cần nhanh chóng xây dựng hệ thống dữ liệu an sinh kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư, để nhanh xác minh thông tin lao động. Từ đó tiến tới người dân có thể đăng ký qua website và nhận tiền chuyển vào tài khoản như một số nước đang làm.

Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cũng đang xây dựng sổ việc làm điện tử gắn với dữ liệu dân cư. Sổ này sẽ chứa toàn bộ quá trình làm việc, dịch chuyển trong thị trường lao động của một người. Với nhóm phi chính thức, cơ quan quản lý kỳ vọng sổ việc làm kết nối dữ liệu dân cư, bảo hiểm... giúp triển khai các gói hỗ trợ nhanh hơn. Song với hơn 50 triệu lao động trong độ tuổi, cần ít nhất hai năm để hoàn thành dữ liệu.

Địa phương sợ sai

Ít nhất hai lần các gói an sinh đã phải bổ sung nguyên tắc "ngân sách Trung ương hỗ trợ" do địa phương ì ạch giải ngân. Gói 26.000 tỷ đồng sau sửa đổi đã bổ sung "ngân sách Trung ương hỗ trợ 40% với các tỉnh chưa tự cân đối được" hỗ trợ lao động tự do và nhóm đặc thù. Với gói tiền nhà, Chính phủ hôm 3/7 quyết định ngân sách Trung ương cấp cho địa phương 100% kinh phí.

Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh trong họp báo Chính phủ chiều 4/7 chỉ rõ gói hỗ trợ tiền nhà giải ngân chậm do các địa phương chờ kinh phí Trung ương, chưa chủ động bố trí nguồn thực hiện. Địa phương cũng sợ sai nên yêu cầu thêm xác nhận của chính quyền phường, xã; doanh nghiệp sợ sai nên lập danh sách và gửi BHXH còn chậm.

TS Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia nghiên cứu chính sách công, phân tích gói hỗ trợ chung thì toàn bộ kinh phí nên từ ngân sách Trung ương. Khi thiết kế gói cần xem trong túi có bao nhiêu tiền để quyết định quy mô, không thể "bốc thuốc" theo kiểu có bao nhiêu chi bấy nhiêu rồi giao về địa phương tự thực hiện. Quy định vô tình đặt nhiều tỉnh vào thế bí khi tìm nguồn để chi, đặc biệt tỉnh nghèo.

Theo ông Đồng, tâm lý sợ trách nhiệm khi hậu kiểm của địa phương không phải không có cơ sở khi tất cả trông vào bài học của ngành y. Thực tế tại TP HCM sau đợt dịch phát hiện có nơi chi sai hỗ trợ và cán bộ bị xử lý. Vì vậy, cần làm rõ chi sai do cố tình trục lợi chính sách hay vì thiếu giấy tờ, thiếu thông tin.

Ông Đồng kiến nghị cần xác lập nguyên tắc "chỉ truy cứu trách nhiệm khi cố tình trục lợi và được miễn trừ nếu sai sót do kỹ thuật hoặc thiếu thông tin", tạo cơ chế cho cán bộ có động lực để làm. Quốc hội cũng cần tổ chức đoàn giám sát các gói hỗ trợ; gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương với kết quả hỗ trợ; công khai tiến trình, tỷ lệ giải ngân, điểm danh nơi nào làm chậm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả