Vì sao các công ty Nhật Bán khó phá "trần" 100 tỷ USD giá trị vốn hóa?
Các công ty Nhật Bản đang tụt lại phía sau bất chấp sự đổi mới công nghệ và chiến lược thâu tóm đã góp phần thúc đẩy sự mở rộng quy mô trên khắp thế giới.
Vào cuối năm 1989, thời điểm nền kinh tế “bong bóng” của Nhật Bản tiến gần đến bờ vực tan vỡ, các công ty Nhật Bản chiếm khoảng một nửa trong số 100 tập đoàn có giá trị lớn nhất thế giới. Giờ đây đại diện duy nhất của “đất nước Mặt trời mọc” trong danh sách đó là Toyota Motor.
Yếu tố lớn nhất đằng sau tình trạng giá trị thị trường còn thấp của các công ty Nhật Bản trên thị trường chứng khoán là các lãnh đạo doanh nghiệp không có khả năng đưa ra các quyết định khó khăn và tập trung nguồn lực vào các mảng kinh doanh quan trọng và mang tính chiến lược.
Giới chuyên gia cho rằng các công ty Nhật Bản có thể tham khảo kinh nghiệm của các công ty phương Tây khác, theo đó nên tập trung vào các mảng kinh doanh cốt lõi và bán các mảng kinh doanh không sinh lời.
Sự gia tăng đáng kể giá trị thị trường của tập đoàn hàng tiêu dùng đa quốc gia của Mỹ Procter & Gamble (P&G) so với các công ty Nhật Bản như Fast Retailing và Rakuten là một ví dụ điển hình. P&G đã bán nhãn hiệu snack khoai tây Pringles cho Kellogg's vào năm 2012 và đơn vị kinh doanh pin Duracell cho Quỹ đầu tư Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett vào năm 2014.
Từ đó, P&G tập trung vào các sản phẩm bột giặt, mỹ phẩm chăm sóc da và tám thương hiệu cốt lõi khác trong 20 năm qua. Giá trị thị trường của tập đoàn tăng lên 300 tỷ USD từ mức 100 tỷ USD kể từ thời điểm đó.
Trong khi đó, Uniqlo - thương hiệu tiêu biểu của nhà bán lẻ thời trang Nhật Bản Fast Retailing - chưa thể đạt mức 70 tỷ USD, còn công ty thương mại điện tử hàng đầu Rakuten đã mất đà sau khi chạm mốc 20 tỷ USD. Tương tự, giá trị thị trường của Kao, một nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn của Nhật Bản, đã tăng gấp đôi, nhưng chỉ đạt 39 tỷ USD trong cùng giai đoạn.
Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) đang lên kế hoạch “đại tu” cơ cấu phân loại thị trường để thu hút nhà đầu tư. Mục tiêu của động thái này là tạo ra một thị trường "đắc địa" cho các cổ phiếu blue-chip được lựa chọn - một danh mục dành riêng cho các công ty có sức hấp dẫn nhà đầu tư mạnh mẽ. Như vậy, TSE sẽ tách riêng một nhóm cổ phiếu của các công ty hàng đầu để tăng sức mạnh cho thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, những thay đổi bề ngoài như vậy có lẽ chưa đủ để thu hút vốn. TSE vốn đã có một chỉ số theo dõi những cổ phiếu hàng đầu, đó là Chỉ số Topix Core 30. Chỉ số này bao gồm 30 công ty lớn nhất về doanh thu hoặc vốn hóa thị trường. Các cổ phiếu cấu thành chỉ số này được xem xét lại mỗi năm để đảm bảo rằng chỉ có các công ty tăng trưởng mạnh nằm trong danh sách.
Mặc dù cấu thành từ những cổ phiếu blue-chip mạnh nhất, Topix Core 30 lại có hiệu quả hoạt động kém hơn các chỉ số khác. Hiện tại, chỉ số Core 30 ở mức dưới 80% giá trị được ghi nhận vào ngày 1/4/1998, trong khi chỉ số Topix cao hơn 40%. Chỉ số Topix Small Index, gồm cổ phiếu của nhóm các doanh nghiệp không nằm trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất, lại cao hơn 120% so với mức ghi nhận vào tháng 4/1998.
Các số liệu cho thấy yếu tố chính đằng sau sự tăng trưởng mờ nhạt của thị trường chứng khoán Nhật Bản chính là sự ì ạch của các cổ phiếu hàng đầu. Các công ty Nhật Bản có xu hướng ngừng tăng trưởng sớm hơn so với các đối thủ phương Tây và Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp khổng lồ của Nhật Bản gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực tăng mức vốn hóa thị trường qua ngưỡng 10.000 tỷ yen (100 tỷ USD).
Theo dữ liệu từ QUICK-Factset, từ năm 1985 trở đi, trong số các công ty trên toàn thế giới có giá trị vốn hóa thị trường vượt quá 10 tỷ USD (xấp xỉ 1.000 tỷ yen) có 20% công ty đạt 50 tỷ USD, nhưng riêng tại Nhật Bản chỉ có 3 doanh nghiệp đạt được mốc này. Bên cạnh đó, có 9% doanh nghiệp từng đạt mốc 100 tỷ USD. Trong đó, chỉ có 8 công ty đến từ Nhật Bản, con số này thấp hơn nhiều so với 86 công ty ở Mỹ, 53 công ty đến từ châu Âu và 18 doanh nghiệp Trung Quốc.
Các công ty Nhật Bản có xu hướng trưởng thành sớm, theo phân tích chỉ số về khả năng sinh lời so với tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), chỉ số cho thấy hiệu quả của công ty trong việc sử dụng tài sản, do một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Waseda thực hiện. Kết quả cho thấy ROA trung bình của các công ty Nhật Bản, chạm đỉnh ở mức hơn 10% khoảng 10 năm sau khi thành lập, sau đó bắt đầu giảm.
Bức tranh ROA của các công ty Nhật Bản trái ngược hoàn toàn với các đối tác từ Mỹ, những công ty duy trì tỷ lệ ROA ở mức 10%-12% trong thời gian dài. Người đứng đầu nghiên cứu trên Hiroshi Shimizu nhận xét, yếu tố lớn nhất dẫn đến sự khác biệt đó là các công ty Nhật Bản không thể chuyển nguồn lực từ những mảng kinh doanh không hiệu quả sang các lĩnh vực quan trọng và mang tính chiến lược hơn.
Theo Kazushige Okuno, Giám đốc đầu tư của công ty Norinchukin Value Investments, các công ty đang phát triển có thể duy trì động lực tăng trưởng bằng cách tập trung nguồn lực vào các mảng kinh doanh cốt lõi và hướng đến mục tiêu nắm vai trò thống trị trên thị trường.
Tuy nhiên, có những kết quả đáng khích lệ. Giá trị cổ phiếu của “người khổng lồ” thiết bị điện tử Sony đã tăng lên mức cao nhất trong 17 năm sau khi công ty đầu tư vào sản phẩm cảm biến hình ảnh có tính cạnh tranh cao trong khi thu hẹp quy mô kinh doanh hàng điện tử tiêu dùng.
Trong khi đó, đối thủ của Sony là nhà sản xuất thiết bị công nghiệp Keyence cũng đang khởi sắc khi tập trung vào các sản phẩm chủ chốt như cảm biến tự động hóa, dụng cụ đo lường và các loại thiết bị công nghiệp khác. Công ty đã thành công trong khả năng đáp ứng những yêu cầu “khó tính” của khách hàng và đang tiến dần đến ngưỡng 10.000 tỷ yen.
Bài viết kết luận, khả năng quản lý doanh nghiệp năng động là cách để thoát khỏi tình trạng kinh doanh “dậm chân tại chỗ” mà nhiều công ty Nhật Bản vẫn đang mắc kẹt./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận