Vì sao Bộ GTVT xin “thông cảm” cho đường sắt Cát Linh – Hà Đông?
Cuối cùng thì tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã được cấp chứng nhận an toàn hệ thống. Tuy nhiên vẫn chưa thể chạy trong dịp 30/4- 1/5, Bộ GTVT xin người dân “thông cảm”…
Xin “thông cảm” vì Cát Linh - Hà Đông lại trễ hẹn
Theo kế hoạch gần nhất, Bộ GTVT sẽ bàn giao dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho UBND TP Hà Nội để khai thác thương mại vào dịp Lễ 30/4-1/5. Tuy nhiên, dự án này thêm lần nữa không đạt được kế hoạch đề ra và lại lỡ hẹn với người dân Thủ đô.
Bộ GTVT cho rằng: “Các điều kiện kỹ thuật của Dự án đã đảm bảo có thể vận hành, tuy nhiên các hồ sơ, thủ tục nghiệm thu còn phụ thuộc vào quy trình kiểm tra, xem xét và đánh giá kết quả thực hiện của Tư vấn an toàn ACT và Hội đồng kiểm tra nhà nước, dẫn đến mốc thời gian đó không đạt được như mong muốn”.
“Bộ rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ, thông cảm của nhân dân và toàn xã hội”, Bộ GTVT cho biết.
Vẫn không chạy dù đã được cấp chứng nhận an toàn hệ thống
Ngày 29/4, Tư vấn đánh giá độc lập về an toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã cấp chứng nhận an toàn cho dự án.
Theo Bộ GTVT, thời điểm lập dự án và khởi công xây dựng (năm 2011), chưa có quy định về đánh giá an toàn hệ thống đường sắt trước khi đưa vào sử dụng. Tới năm 2016, quy định thay đổi, đường sắt đưa vào sử dụng phải có đánh giá an toàn hệ thống. Do đó, năm 2017, chủ đầu tư đã ký hợp đồng thuê Tư vấn ACT đánh giá an toàn hệ thống đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Về lý do đánh giá an toàn hệ thống do Tư vấn ACT thực hiện bị kéo dài, Bộ GTVT lý giả: Theo hợp đồng, đánh giá an toàn hệ thống bao gồm cả nội dung chi tiết, nhưng khi ký hợp đồng với tư vấn (năm 2017), nhiều nội việc đã thực hiện xong, như: Hiện trạng các hạng mục thi công xây lắp (phần lớn đã hoàn thành); công tác thiết kế, đấu thầu, mua sắm thiết bị (đã cơ bản xong); đoàn tàu sản xuất xong và vận chuyển về Việt Nam lắp đặt...
Khi ban hành chứng nhận an toàn, theo quy trình của công tác cấp chứng an toàn hệ thống châu Âu, Tư vấn ACT phải báo cáo Ủy ban ISA (Ủy ban các tư vấn đánh giá an toàn độc lập, mà Tư vấn ACT là thành viên) xem xét, ra quyết định cuối cùng.
Do đó, thời gian qua mất nhiều thời gian làm rõ với Tổng thầu và Tư vấn ACT để khôi phục các tài liệu trước năm 2017, nên việc đánh giá cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống gặp khó khăn, vướng mắc.
Ngay sau khi có chứng nhận an toàn, Bộ GTVT sẽ khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng đưa vào sử dụng công trình của chủ đầu tư và gửi bổ sung tới Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng. Bộ GTVT đề nghị Hội đồng kiểm tra Nhà nước kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành xây dựng công trình Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Sau khi có chứng nhận an toàn hệ thống do ACT cấp và chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu hoàn thành, Bộ GTVT đề nghị Hội đồng kiểm tra xem xét ban hành thông báo kiểm tra công tác nghiệm thu dự án để kịp bàn giao, vận hành khai thác dịp 1/5 tới.
Dự kiến sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, Hội đồng sẽ có xem xét, đánh giá cuối cùng để ra thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư.
Còn 16 khuyến cáo an toàn đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Theo Bộ GTVT, hiện các nội dung đánh giá an toàn hệ thống tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) đã được Tư vấn ACT (Pháp) kiểm tra, 16 khuyến cáo còn lại được được Bộ GTVT và đơn vị liên quan thực hiện hoặc cam kết thực hiện.
Tới nay, Tư vấn ACT đã có 13 báo cáo đánh giá an toàn hệ thống đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Tư vấn đã ban hành Chứng nhận kiểm tra dự án và kết quả đánh giá với: 263 nội dung chuyên ngành công trình; đánh giá 76 mối nguy hiềm, 31 chức năng an toàn và quản lý rủi ro của 11 chuyên ngành thiết bị; đánh giá sự thuần thục của nhân sự trong xử lý 10/63 tình huống khẩn cấp.
Tư vấn ACT đưa ra 16 khuyến cáo cần khắc phục. Trong đó, phía đơn vị nhận vận hành khai thác (UBND TP Hà Nội) cần phối hợp thực hiện 9/16 vấn đề (4 nội dung cần đầu tư thêm trong giai đoạn khai thác nằm ngoài thiết kế)
Còn 7/16 nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư (Ban quản lý dự án đường sắt), hiện tiếp tục làm việc với Tư vấn ACT để hoàn thành đánh giá an toàn.
Trong 16 khuyến cáo của Tư vấn ACT, tới nay các nội dung đã hoàn thành gồm: Chứng nhận phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; đánh giá an toàn bước 2 với hệ thống tín hiệu; Metro Hà Nội đã hoàn thiện lại 64 quy trình xử lý tình huống khẩn cấp và diễn tập tại hiện trường; Bổ sung các biển chỉ dần cho người khuyết tật; Bổ sung biện pháp sơ tán hành khách trong trường hợp khẩn cấp; Sự sẵn sàng vận hành (gồm: mức độ thuần thục của nhân sự vận hành; bổ sung quy trình vận hành thao tác cho các nhân viên, tăng số lượng nhân viên; bổ sung diễn tập trong tình huống bất ngờ).
Riêng với các khuyến cáo đầu tư bổ sung để an toàn hơn trong quá trình khai thác, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận phối hợp thực hiện khi tiếp nhận và khai thác, gồm: Giải pháp để người giảm khả năng vận động có thể tiếp cận ga và lên tàu; Nút chống ngủ gật cho lái tàu; Cải tiến hệ thống cửa riêng để cấp khí tươi cho hệ thống điều hòa thông gió; Hệ thống cảnh báo cháy trên tàu; Hệ thống rào chắn trên ke ga (khoảng giữa đoàn tàu và sân ga); Cải tiến hệ thống cửa và tay cầm mở khẩn cấp; Cải tiến hệ thống báo cháy ở nhà ga.
Một trong 16 khuyến cáo của Tư vấn ACT là lắp thêm Hệ thống rào chắn trên ke ga (khoảng giữa đoàn tàu và sân ga nơi khách chờ tàu), phần này phía Hà Nội cam kết sẽ đầu tư lắp đặt trong quá trình khai thác.
Về hồ sơ an toàn cho đoàn tàu (điện kéo và phanh điện), ngày 1-2/4 vừa qua, Tổng thầu mới trả lời không thể cung cấp tài liệu này do Trung Quốc không có quy định đánh giá an toàn với đoàn tàu có người lái. Thay vào đó, Tổng thầu và các nhà sản xuất thiết bị liên quan cấp chứng thư xác nhận chịu trách nhiệm về chất lượng đoàn tàu.
Hiện Bộ GTVT đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan để báo cáo giải trình 16 khuyến cáo mà Tư vấn ACT nêu, làm cơ sở cho Tư vấn ACT cấp chứng nhận đánh giá an toàn hệ thống cuối cùng.
Trước đó, từ ngày 31/3 vừa qua, Ban quản lý dự án đường sắt và Công ty Metro Hà Nội đã thực hiện quá trình kiểm đếm, bàn giao hồ sơ dự án đường sắt trên. Khi các thủ tục còn lại hoàn thành, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội sẽ ký bàn giao để đưa vào vận hành thương mại ngay. Kế hoạch bàn giao được đưa ra trước đó là trong tháng 4 này, để vận hành dịp nghỉ Lễ 30/4-1/5.
Sau cả chục lần "hứa" rồi "thất hứa", Bộ GTVT xin người dân “thông cảm” cho đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Với người dân, sau hơn chục năm mòn mỏi đợi chờ, hy sinh lợi ích vì dự án, đến giờ người dân Thủ đô được gì, ai sẽ thông cảm cho người dân./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận