Vì sao Ấn Độ khó áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc ngăn COVID-19?
Rất nhiều lời kêu gọi Ấn Độ phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn thảm họa COVID-19 được đưa ra, nhưng chuyên gia nhận định đây là phương án không khả thi.
Hàng triệu người Ấn Độ đang sống dưới các biện pháp hạn chế do địa phương áp đặt để ngăn COVID-19, tuy vậy, chính quyền trung ương từ chối các lời kêu gọi phong tỏa toàn quốc từ các chuyên gia y tế hàng đầu.
Hiệp hội Y khoa Ấn Độ hồi đầu tháng này cho biết, phong tỏa toàn quốc hoàn trong 10-15 ngày sẽ giúp hệ thống y tế quá tải của nước này có thời gian để "khôi phục và bổ sung về nhân lực và vật lực" cần thiết. Cố vấn COVID-19 hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci hôm 9/5 cũng nói Ấn Độ nên "đóng cửa nếu muốn cắt đứt chuỗi lây nhiễm".
Tuy nhiên, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã từng làm điều này trước đó và phải hứng chịu một bài học đau đớn. Các chuyên gia cho biết việc phong tỏa toàn quốc một lần nữa không phải biện pháp khả thi với Ấn Độ.
Khi làn sóng COVID-19 đầu tiên tấn công Ấn Độ vào tháng 3/2020, Thủ tướng Modi thông báo phong tỏa toàn quốc chỉ vài giờ trước khi chính thức thực thi, yêu cầu đóng cửa biên giới, cấm đi lại liên bang, dừng kinh doanh và yêu cầu mọi người ở nhà.
Lệnh phong tỏa kéo dài gần bốn tháng đã giúp Ấn Độ kiểm soát đại dịch, nhưng phải trả giá đắt khi đẩy những người nghèo và dễ tổn thương nhất của nước này vào cảnh không có thu nhập và lương thực, cũng như bị mắc kẹt ở xa nhà.
Lần này, ông Modi tuyên bố phong tỏa toàn quốc sẽ là "lựa chọn cuối cùng".
"Chúng tôi phải cứu đất nước khỏi phong tỏa. Chúng tôi phải cố hết sức để tránh điều đó", Modi nói trong bài phát biểu toàn quốc ngày 20/4.
Kể từ đó, lãnh đạo của 35 trong 36 bang và vùng lãnh thổ của Ấn Độ đã áp các biện pháp hạn chế riêng, bao gồm lệnh giới nghiêm ban đêm, đóng cửa một phần hay phong tỏa một tuần. Những biện pháp ngắn hạn, cục bộ này khác biệt khá nhiều so với cách tiếp cận trước đây của Ấn Độ.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, Ấn Độ đã ghi nhận gần 25 triệu ca mắc và hơn 274.000 ca tử vong, biến quốc gia Nam Á trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Theo một mô hình dự báo đại dịch của Viện Khoa học Ấn Độ, với tốc độ lây nhiễm hiện tại, số ca nhiễm của Ấn Độ có thể lên tới 50 triệu ca vào ngày 11/6 và số ca tử vong vào khoảng 400.000 người.
Mô hình này cho biết lệnh phong tỏa toàn quốc 15 ngày có thể cứu sống khoảng 100.000 người và ngăn khoảng 20 triệu người nhiễm virus. Số ca COVID-19 dự kiến giảm càng nhiều nếu thời gian phong tỏa càng lâu.
Tuy nhiên, phong tỏa toàn quốc cũng mang đến những rủi ro cho Ấn Độ, đặc biệt là với những người nghèo. Khoảng 100 triệu người Ấn Độ là lao động nhập cư, phần lớn từ các vùng nông thôn tới thành phố làm việc. Trong đợt phong tỏa đầu tiên, nhiều người đã bị mắc kẹt trong cảnh không có việc làm và lương thực, tạo nên một cuộc di cư hàng loạt từ các thành phố lớn.
Với hệ thống đường sắt quốc gia bị tạm dừng và đóng cửa biên giới nội địa, hàng trăm người đã cố đi bộ hàng nghìn km về nhà trong nhiều tuần. Nhiều người đã chết vì kiệt sức, mất nước, chết đói hoặc tai nạn trên hành trình này.
Ajnesh Prasad, giáo sư tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Royal Roads, nói chỉ có một bộ phận người dân nhất định mới có đủ điều kiện để ở nhà và duy trì quy định giãn cách xã hội.
"Nếu chúng ta nói về người nghèo đô thị, họ không thể tuân thủ các quy định. Họ sẽ nói với bạn rằng việc tuân thủ sẽ tương đương với chết đói", Prasad nói.
Mật độ dân số cũng làm vấn đề thêm phức tạp, khi khoảng 35% người dân đô thị sống ở khu ổ chuột, nơi các gia đình không có đủ không gian sống và thiếu điều kiện vệ sinh, theo Ngân hàng Thế giới (WB).
Trong các khu ổ chuột đông đúc, mỗi gia đình thường sống chung trong một phòng nhỏ và phải sử dụng chung phòng tắm với các gia đình khác. Điều đó khiến yêu cầu giữ khoảng cách để ngăn nguy cơ lây nhiễm rất khó thực hiện.
Những điều này khiến việc phong tỏa trở nên không khả thi và hiệu quả. Làm việc từ xa, học trực tuyến với kết nối internet, điện ổn định để sử dụng máy tính xách tay được xem là những điều xa xỉ đối với đại đa số người dân Ấn Độ. Họ thậm chí khó có điều kiện được tiếp cận bác sĩ hay nguồn oxy y tế khi làn sóng COVID-19 thứ hai ập tới.
Nền kinh tế khó khăn của Ấn Độ khiến chính phủ khó áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc thứ hai. Đợt phong tỏa đầu tiên đã khiến phần lớn quốc gia rơi vào cảnh nghèo đói, khi ước tính số người có thu nhập không quá 2 USD tăng 75 triệu người, theo Trung tâm nghiên cứu Pew.
"Phong tỏa thường đi kèm một cái giá đắt về mặt kinh tế và xã hội. Thông báo đột ngột cũng khiến đa số đất nước không có chuẩn bị về thu nhập, thực phẩm, an ninh và an toàn. Trong khi đó, cả chính quyền liên bang và bang đều không chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng di cư", Chandrika Bahadur, người đứng đầu nhóm COVID-19 của Ấn Độ, cho hay.
Ấn Độ có hệ thống tài chính yếu hơn nhiều quốc như Mỹ hoặc Anh. Họ có ít ngân sách và cơ quan để hỗ trợ những người cần nhất. "Nếu chính phủ không thiết lập được một hệ thống hỗ trợ xã hội mạnh mẽ thông qua chính sách công, dưới dạng các chương trình trợ cấp, phong tỏa là không khả thi", Prasa nói.
Hồi đầu tháng 4, khi số ca nhiễm bắt đầu tăng mạnh ở thủ đô New Delhi, nhiều lao động nhập cư vội vã trở về quê nhà trước khi bất kỳ biện pháp hạn chế nào được đưa ra. Nhiều người sợ rằng một đợt phong tỏa bất ngờ có thể khiến họ bị mắc kẹt lần nữa.
Với địa hình đa dang và phân bổ dân số khác nhau, tình hình COVID-19 ở các khu vực rất khác nhau. Với mật độ dân số cao, Delhi, Mumbai và Bangalore là những nơi chứng kiến ảnh hưởng rõ rệt nhất của COVID-19. Mỗi bang cũng có nguồn lực và năng lực y tế khác nhau. Do đó các chuyên gia nhận định lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ khiến chính quyền địa phương khó có thể có biện pháp kiểm soát đại dịch phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương.
"Cơ bản là không có câu trả lời có hoặc không đơn giản nào cho một nhóm câu hỏi phức tạp", Bahadur nói về đại dịch ở Ấn Độ. "Ở một quốc gia có sự đa dạng như vậy, các quyết định mang tính địa phương, được thúc đẩy bằng cách tiếp cận dựa trên khoa học chung, với sự phối hợp phản ứng mạnh mẽ là lựa chọn tốt nhất của chúng tôi để thành công".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận