Vì sao 'ai cũng có việc làm ở phương Tây' là tin xấu?
Phương Tây ngày càng giống Nhật Bản, kinh tế ảm đạm nhưng không sa thải vì sợ khó tuyển dụng lại khi cần và lo ngại dân số già.
Nếu muốn biết một thế giới tràn ngập việc làm trông như thế nào, hãy đến Nhật Bản. Tại các sân bay, lao động được thuê để vuốt phẳng vali sau khi rơi xuống băng chuyền hành lý. Ở công trường xây dựng, bảo vệ mặc đồng phục cầm dùi cui huỳnh quang chỉ để nhắc nhở người lạ không đi vào. Trong các cửa hàng bách hóa, những người phụ nữ ăn mặc lịch sự sẽ giúp bạn sử dụng thang máy.
Phần còn lại của thế giới giàu có cũng đang bắt đầu giống Nhật Bản hơn. Kể từ những ngày đầu tiên sau phong tỏa năm 2021, tăng trưởng GDP của 38 quốc gia OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế trong đó phần lớn là nước giàu) đã chậm lại và gần như đứng yên. Niềm tin kinh doanh thấp hơn mức trung bình dài hạn. Tuy nhiên, không có nhiều dấu hiệu suy yếu trên thị trường nhân sự. Hầu như ai cũng có việc làm và nhiều nước còn khan hiếm lao động.
Hôm 2/3, Christopher Waller, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đánh giá thị trường lao động của Mỹ "quá chặt chẽ". Trên toàn bộ OECD, tỷ lệ thất nghiệp là 4,9% trong tháng 12 - tháng gần nhất có dữ liệu chính thức, thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Ở một nửa số quốc gia trong OECD, bao gồm Canada, Pháp và Đức, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm cao kỷ lục.
Thất nghiệp có tăng ở một số nước như Áo, Israel hay cao nhất là Phần Lan, nơi tỷ lệ thất nghiệp đã tăng hơn một điểm phần trăm so với mức thấp sau phong tỏa, lên 7,2% vào tháng 12/2022, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình dài hạn. Các nước từng có tỷ lệ thất nghiệp cao những năm 2010 như Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha hiện có thị trường lao động tốt hơn nhiều.
Để hiểu tại sao phương Tây ngày càng tràn ngập việc làm và ít người lao động như Nhật Bản, cần xét đặc thù của đất nước mặt trời mọc. Các công ty ở Nhật không thích sa thải công nhân, ngay cả khi họ có rất ít việc để làm. Một phần vì ngày càng có nhiều người nghỉ hưu khiến các công ty phải vật lộn để tìm nhân viên mới. Vì vậy, họ chỉ miễn cưỡng để mọi người ra đi khi không còn lựa chọn nào khác.
Kết quả là tỷ lệ thất nghiệp hầu như không tăng, ngay cả trong thời kỳ suy thoái. Trong 30 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản chỉ thay đổi 3,5 điểm phần trăm, so với 9,5 điểm phần trăm trung bình các nước phát triển.
Dario Perkins, chuyên gia Công ty dịch vụ tài chính TS Lombard, chỉ ra rằng các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp ít biến động hơn cũng có xu hướng suy thoái nhẹ hơn. Khi thị trường lao động không rạn nứt, mọi người có thể tiếp tục chi tiêu ngay cả khi tăng trưởng chậm lại.
Nhưng một thị trường lao động thắt chặt, ít sa thải cũng sẽ có bất lợi. Nếu người lao động không rời bỏ các công ty hoạt động kém hiệu quả, họ sẽ không thể gia nhập những công ty sáng tạo hơn để thúc đẩy tăng trưởng. Dữ liệu cho thấy tăng trưởng năng suất của các nước giàu hiện đặc biệt yếu. Tình trạng thất nghiệp có thể gây ra thiệt hại khủng khiếp, đặc biệt với những người trẻ tuổi.
Một khả năng thực tế hơn là các công ty đang ở tình trạng tài chính mạnh. Điều này có thể cho phép họ chịu được doanh thu thấp hơn mà không cần phải cắt giảm chi phí nhân sự. Nhiều công ty đã nhận được sự giúp đỡ từ chính phủ trong thời kỳ Covid và lợi nhuận của họ những năm gần đây đã cao. Các doanh nghiệp giàu có trên khắp thế giới vẫn đang ngồi trên đống tiền mặt, khối tài sản cao hơn khoảng một phần ba so với trước đại dịch.
Một lý giải khác là do quy mô lực lượng lao động. Theo ước tính của The Economist, các nước phát triển vẫn đang thiếu 10 triệu lao động, tương đương khoảng 1,5% tổng lực lượng lao động, so với trước dịch. Ở Anh và Italy, lực lượng lao động đã thực sự bị thu hẹp. Việc nghỉ hưu sớm và dân số già ngày càng tăng là nguyên nhân. Trong khi đó, Đức muốn mở rộng người nhập cư.
"Những ai muốn xắn tay áo lên làm việc đều được chào đón ở Đức. Đó là thông điệp của chúng tôi!", Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói tại một sự kiện ở Davos (Thụy Sĩ) vào ngày 18/1. Viện Nghiên cứu lao động Đức IAB thống kê có 1,9 triệu vị trí việc làm trống vào giữa năm 2022, mức cao nhất mọi thời đại.
Nước này sẽ chứng kiến 13 triệu công nhân rời thị trường lao động trong 15 năm tới, gần một phần ba tổng số hiện có. Cơ quan Việc làm Liên bang Đức ước tính cần 400.000 người nhập cư mới hàng năm để bù đắp sự sụt giảm lực lượng lao động.
Khi một cuộc suy thoái khác sắp xảy ra, các nhà tuyển dụng có thể muốn tránh mắc phải sai lầm tương tự. Theo S&P Global Market Intelligence, các công ty không muốn cắt người vì từng phải đối mặt khó khăn khi tuyển dụng lại sau đại dịch.
Ở Mỹ, sa thải hai tháng đầu năm không nhiều như thông thường. Daniel Silver, nhà kinh tế của JPMorgan Chase suy đoán điều này là do các công ty không muốn sa thải công nhân do nhận thấy khó khăn trong việc tuyển dụng lại.
Tuy nhiên, thị trường lao động chỉ có thể trì hoãn thiệt hại chứ không thể tránh, theo The Economist. Trong một số cuộc suy thoái trước đây, tỷ lệ thất nghiệp chỉ bắt đầu tăng mạnh một thời gian sau khi GDP bắt đầu giảm. Các dữ liệu cập nhật gần đây cho thấy ít có dấu hiệu thất nghiệp tăng mạnh.
Một cuộc khảo sát gần đây của công ty nhân sự ManpowerGroup cho thấy các nhà tuyển dụng ở hầu hết quốc gia vẫn có những kế hoạch đầy tham vọng. Ở Mỹ, một cuộc khảo sát của Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia cho biết một tỷ lệ lớn bất thường các doanh nghiệp nhỏ có kế hoạch tạo việc làm mới trong ba tháng tới.
Nếu thị trường lao động có khả năng phục hồi ngay cả khi lãi suất tăng, các ngân hàng trung ương có thể muốn thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn. Việc lãi suất cao hơn nữa, hoặc một cú sốc năng lượng khác, có thể đẩy một số nhà tuyển dụng đến bờ vực buộc phải giảm người.
Tuy nhiên, áp lực giữ chân nhân viên, dù thế nào đi chăng nữa, vẫn còn vì vấn đề cấu trúc dân số. Trong thập kỷ tới, dân số các nước phát triển sẽ già đi nhanh chóng, kéo theo thu hẹp nguồn cung lao động. Công nhân giỏi có thể sẽ trở nên khó tìm hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận