24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thúy Hà
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vì sao 7 dự án BOT bị thua lỗ?

7 dự án BOT giao thông đều đã hoàn thành, song doanh nghiệp không được thu phí hoặc dự án giảm doanh thu do thay đổi chính sách, lưu lượng xe giảm.

Dự án BOT xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới dài gần 40 km và cải tạo quốc lộ 3 dài 25 km có tổng mức đầu tư 2.740 tỷ đồng. Để hoàn vốn cho dự án, UBND tỉnh Thái Nguyên thống nhất đặt một trạm thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới và một trạm trên quốc lộ 3. Tuy nhiên, người dân huyện Phú Lương đã tập trung phản đối nhà đầu tư thu phí trên đường cũ đã cải tạo.

Từ năm 2017 đến nay, trạm BOT quốc lộ 3 chưa được thu phí, trong khi mỗi tháng nhà đầu tư phải trả khoảng 16 tỷ đồng tiền lãi vay. Doanh thu trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới đạt thấp do nhiều xe đi trên quốc lộ 3 thay vì đi đường mới. Công ty BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đã kiến nghị Nhà nước mua lại dự án gần 3.000 tỷ đồng, gồm tổng mức đầu tư sau khi quyết toán, lãi vay ngân hàng.

Dự án BOT cầu Thái Hà vượt sông Hồng nằm trên đường nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Dự án có tổng mức đầu tư 1.670 tỷ đồng, trạm thu phí đặt tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, được thu phí từ tháng 1/2019.

Đến nay, lưu lượng phương tiện qua cầu Thái Hà quá thấp. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay số tiền thu phí từ năm 2019 đến 2021 đạt gần 84 tỷ đồng, chỉ đạt 14-15% phương án tài chính. Doanh thu thấp nên ảnh hưởng đến khả năng hoàn vốn của dự án. Mới đây, chủ đầu tư đã giảm phí cầu Thái Hà trong 3 tháng để thu hút phương tiện.

Theo Công ty Cổ phần BOT cầu Thái Hà, doanh thu thu phí thấp vì phương tiện chọn đi cầu Hưng Hà không phải trả phí. Dự án BOT Thái Hà không thể hoàn vốn, càng kéo dài thời gian thu phí thì doanh nghiệp càng lỗ, không có nguồn tài chính để bù đắp.

Dự án đường tránh phía tây TP Thanh Hóa triển khai năm 2014, đưa vào khai thác từ tháng 1/2019, nhưng Công ty Cổ phần BOT đường tránh Thanh Hóa chưa được thu phí để hoàn vốn.

Theo phương án ban đầu được cấp có thẩm quyền cho phép, dự án được sử dụng trạm thu phí Bỉm Sơn để thu phí hoàn vốn. Tuy nhiên, do trạm Bỉm Sơn trên quốc lộ 1 nằm cách tuyến tránh phía Tây khoảng 38 km, nên theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thu phí hoàn vốn cho dự án này là không đúng.

Đơn vị chức năng cũng không đặt trạm trên đường tránh phía Tây vì thiếu khả thi, phương tiện sẽ đi tuyến tránh phía Đông để tránh trả phí. Trạm Bỉm Sơn (Tào Xuyên) trước đó đã thu phí cho tuyến tránh phía Đông TP Thanh Hóa đến tháng 8/2017. Để xử lý vướng mắc này, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị dùng vốn ngân sách mua lại với chi phí khoảng 920 tỷ đồng.

Dự án hầm đường bộ Đèo Cả được Chính phủ phê duyệt năm 2012, gồm 4 công trình hầm xuyên núi trên quốc lộ 1 là hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân 2 do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện. Tổng mức đầu tư cho dự án là hơn 21.610 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước 5.040 tỷ đồng, còn lại 16.560 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư.

Quá trình triển khai, phương án tài chính của dự án hầm đường bộ Đèo Cả bị ảnh hưởng do việc thay đổi chính sách. Ngoài phần vốn góp của nhà nước, Chính phủ đã có chủ trương thu phí cao tốc La Sơn - Túy Loan (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng) để hoàn vốn cho dự án hầm Đèo Cả, song Quốc hội quyết định không thu phí cao tốc này do dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách.

Việc chậm được hỗ trợ khiến nhà đầu tư gặp khó khăn vì thiếu vốn thực hiện dự án và phát sinh trả lãi vay. Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, nếu không thu phí trạm BOT này, Nhà nước cần hỗ trợ khoảng 2.350 tỷ đồng cho dự án.

Dự án BOT đầu tư mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn km1738+148-km1763+610 trên địa bàn Đăk Lăk có vốn đầu tư 836 tỷ đồng, dự kiến hoàn vốn 20 năm. Dự án gặp khó khăn khi các cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng tuyến tránh đường Hồ Chí Minh đoạn phía Tây thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đăk Lăk), chạy gần song song với đường Hồ Chí Minh.

Khi có tuyến tránh, lưu lượng xe trên đường Hồ Chí Minh qua thị xã Buôn Hồ giảm khiến doanh thu dự án BOT giảm 70-80%, nhà đầu tư BOT thiệt hại nặng. Công ty Cổ phần BOT Quang Đức đã kiến nghị các cấp mua lại dự án để xóa trạm thu phí. Báo cáo quyết toán dự án BOT này tính đến đầu năm 2020 là 658 tỷ đồng.

Vì sao 7 dự án BOT bị thua lỗ?

Năm 2019, trạm T2 liên tục phải xả trạm vì bị tài xế phản ứng gây ùn tắc. Ảnh: Cửu Long

Dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 đoạn Km14-Km5+889 và quốc lộ 91B đoạn Km0-Km15+793 tại TP Cần Thơ có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, Công ty Cổ phần Đầu tư quốc lộ 91 đã lập hai trạm thu phí T1 và T2 trên quốc lộ 91.

Khi trạm T2 trên địa bàn Thốt Nốt, TP Cần Thơ, thu phí đầu năm 2017 thì bị nhiều tài xế phản ứng vì cho rằng trạm thu phí đặt sai vị trí, thu phí phương tiện đi theo quốc lộ 80 về phà Vàm Cống, Long Xuyên và ngược lại mặc dù các phương tiện chỉ sử dụng vài trăm mét đường BOT. Sau đó, trạm T2 phải dừng thu phí từ tháng 5/2019 đến nay.

Bộ Giao thông Vận tải đã có chủ trương không tiếp tục thu phí tại trạm T2 trên quốc lộ 91, tách đoạn tuyến quốc lộ 91B ra khỏi hợp đồng dự án và bàn giao tuyến quốc lộ 91B cho TP Cần Thơ. Phần kinh phí cải tạo đoạn quốc lộ 91 sẽ được tính toán lại và đề xuất hoàn vốn cho nhà đầu tư bằng ngân sách.

Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc theo hợp đồng BOT có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, bao gồm việc thi công mới cầu sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn khoảng 71 km. Sau khi hoàn thành, công trình cho phép sà lan tải trọng trên 300 tấn lưu thông từ Bình Dương về các cảng ở TP HCM, giảm áp lực cho đường bộ.

Tháng 9/2019, doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi đã đưa vào khai thác cầu đường sắt Bình Lợi. Riêng hạng mục nạo vét luồng sông Sài Gòn, doanh nghiệp dự án mới hoàn thành công tác thiết kế, chưa thi công vì thiếu vốn.

Vì sao 7 dự án BOT bị thua lỗ?

Cầu đường sắt Bình Lợi mới đưa vào khai thác năm 2019. Ảnh: Hữu Khoa

Theo phương án tài chính, việc hoàn vốn cho nhà đầu tư sẽ áp dụng thu phí phương tiện đường thủy tải trọng hơn 300 tấn tại ba cảng: An Sơn, Rạch Bắp và Bến Súc (Bình Dương). Tuy nhiên, hiện cảng Bến Súc, Rạch Bắp chưa được đầu tư, trong khi cảng An Sơn mới xây dựng một phần. Tỉnh Bình Dương cũng đã điều chỉnh quy hoạch, bỏ cảng Bến Súc mà thay bằng cảng ở vị trí khác. Do vậy dự án khi hoàn thành sẽ không có cảng để thu phí như phương án trước đó.

Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư cho dự án cũng gặp nhiều vướng mắc như ngân hàng tài trợ không thể giải ngân vốn vay do cơ cấu vốn thay đổi so với ban đầu, hợp đồng tín dụng bị phá vỡ nên không còn nguồn lực thực hiện các hạng mục còn lại... Theo Bộ Giao thông Vận tải, phương án thu phí hoàn vốn và tài chính đều không khả thi nên dự án BOT này không thể hoàn thành mục tiêu ban đầu.

Trước tình trạng của 7 dự án trên, ngày 17/5, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất sử dụng vốn ngân sách để mua lại. Theo Bộ này, nếu các dự án BOT không được xử lý sẽ phá vỡ phương án tài chính, phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ cũng như môi trường thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng giao thông.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả