Vì sao 7/9 địa phương "đầu tàu" giảm mạnh doanh thu xuất khẩu
Trong số 9 địa phương đóng góp doanh thu xuất khẩu từ 10 - 42 tỷ USD năm 2023, rất nhiều "đầu tàu" đã bị sụt giảm doanh thu 2 con số do ảnh hưởng bởi sức mua lao dốc của nhiều thị trường lớn.
Năm 2023, cả nước có 9 địa phương đóng góp doanh thu xuất khẩu từ 10 đến vài chục tỷ USD, hụt đi một địa phương so với năm trước đó. Số liệu được nêu trong Báo cáo Xuất nhập khẩu 2023.
Trong đó, TP.HCM tiếp tục dẫn đầu cả nước về xuất khẩu, tiếp theo là Bắc Ninh, Bình Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Đồng Nai, Hà Nội và Phú Thọ.
Năm qua, TP.HCM kim ngạch đạt 42,46 tỷ USD; Bắc Ninh 39,3 tỷ USD; Bình Dương 30,6 tỷ USD; Hải Phòng 26,79 tỷ USD; Thái Nguyên 25,68 tỷ USD; Bắc Giang 24,49 tỷ USD; Đồng Nai 21,62 tỷ USD.
Với kim ngạch đạt 16,65 tỷ USD, Hà Nội đứng ở vị trí thứ 8, tiếp theo là Phú Thọ với 10,57 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của 9 địa phương này trong năm qua đạt 238 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn trong kết quả 354,7 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Đáng chú ý, trong 9 địa phương đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, có tới 7 địa phương ghi nhận tăng trưởng âm (TP.HCM, Bình Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên giảm 2 con số), 2 địa phương tăng trưởng dương là Hải Phòng tăng 7,4%, Bắc Giang tăng 8,3% so với năm 2022.
2 địa phương đạt kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ ngưỡng 10 tỷ USD là Vĩnh Phúc với 9,97 tỷ USD và Hải Dương 9,45 tỷ USD.
Trong bảng xếp hạng địa phương đóng góp doanh thu xuất khẩu chục tỷ USD trở lên của năm 2023, Hải Dương đã rớt hạng do sụt giảm 9,6% so với năm ngoái. (Năm 2022, Hải Dương đạt gần 10,5 tỷ USD).
Một số địa phương ghi nhận % tăng trưởng xuất khẩu rất cao trong năm qua nhưng xét về giá trị kim ngạch lại không được nhiều.
Lạng Sơn gây ấn tượng khi có mức tăng trưởng xuất khẩu tới 107% so với năm 2022, đạt 1,46 tỷ USD, Hà Nam 7,54 tỷ USD, tăng 35,48%, Hà Tĩnh 2,65 tỷ USD, tăng 49,7%, Tuyên Quang 183,7 triệu USD, tăng 33,6%...
Báo cáo của Bộ Công thương cũng chỉ ra 10 địa phương có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất nước, gồm: Lai Châu (hơn 12,9 triệu USD), Điện Biên (hơn 22,4 triệu USD), Sơn La (hơn 25,5 triệu), Bắc Kạn (hơn 37,69 triệu USD), Ninh Thuận (hơn 62,5 triệu USD), Cao Bằng (hơn 85,86 triệu USD), Đắc Nông (hơn 100,2 triệu USD), Hà Giang (hơn 145,9 triệu USD), Quảng Bình (hơn 179,6 triệu USD) và Tuyên Quang với hơn 183,7 triệu USD.
2023 là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó chịu tác động mạnh từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sụt giảm tổng cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất, tỷ giá.
Các động lực tăng trưởng chính của Việt Nam như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước gặp nhiều thách thức.
Tình trạng thiếu đơn hàng tại nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản..., giá xăng dầu, giá nhiều loại hàng hóa,
nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí sản xuất, sinh hoạt, vận tải còn ở mức cao; áp lực cạnh tranh và sự gia tăng các rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu...
Những khó khăn từ cả nguồn cung nguyên vật liệu và nhu cầu tiêu dùng hàng hóa đã tác động làm suy giảm kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong năm 2023.
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 354,7 tỷ USD, giảm 4,6% so với năm trước (tương ứng giảm 17,1 tỷ USD), nhập khẩu đạt 326,4 tỷ USD, giảm 9,2% (tương ứng giảm 33,2 tỷ USD) so với năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 xuất siêu 28,3 tỷ USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận