Vi phạm tố tụng đã trở thành bình thường?
Vụ Hồ Duy Hải cho thấy, các vi phạm trong tố tụng diễn ra rất phổ biến, phổ biến đến mức những người làm tố tụng coi đó là bình thường và hầu như không ai chịu trách nhiệm.
Một trong những vi phạm thường thấy, nghiêm trọng nhưng lại ít được chú trọng khắc phục là bỏ lọt chứng cứ, cả cố ý và vô ý. Nó lại diễn ra chủ yếu ngay từ giai đoạn điều tra, do cơ quan điều tra và rất thiếu phản biện, giám sát.
Bỏ lọt chứng cứ có thể chỉ do chủ quan, cẩu thả như việc cảnh sát điều tra lười đi thu thập lời khai của một nhân chứng nào đó hoặc không trưng cầu giám định. Nhưng cũng có thể là cố ý như việc không ghi vào biên bản hoặc bỏ ngoài hồ sơ những lời khai, chứng cứ có lợi cho nghi can.
Có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là áp lực trấn áp tội phạm đè lên cơ quan công an, trong khi đáng ra người chịu trách nhiệm chủ yếu phải là viện kiểm sát. Dụng ý của thiết kế tố tụng hình sự 3 giai đoạn điều tra - công tố - xét xử, thì điều tra chỉ có trách nhiệm báo cáo trung thực mọi thứ, công tố mới là bên phải chịu trách nhiệm không bỏ lọt tội phạm, còn xét xử là việc phân định đúng sai giữa công tố và bị cáo.
Nguyên nhân thứ hai là hạn chế sự tham gia của luật sư trong giai đoạn điều tra. Công an đã có áp lực phải buộc tội, lại có nghiệp vụ thì rất cần sự tham gia của một bên khác cũng có nghiệp vụ và động lực gỡ tội, đó là luật sư.
Nguyên nhân thứ ba là do các trường hợp bỏ lọt chứng cứ đã diễn ra rất hiếm khi bị xử lý. Chỉ một số trường hợp rất hãn hữu, gây hậu quả thực sự như oan sai án tử hình hoặc tù giam thì dư luận mới đặt câu hỏi về trách nhiệm của cán bộ điều tra đã bỏ lọt chứng cứ.
Nhưng nếu chỉ xử lý trường hợp có hậu quả nghiêm trọng thì không khác gì chỉ phạt lái xe vi phạm luật giao thông khi có tai nạn, còn không có tai nạn thì vượt đèn đỏ hoặc uống rượu thoải mái. Việc xử lý vi phạm hành vi bỏ lọt chứng cứ ngay cả khi không có hậu quả là cần thiết. Vì chúng ta không biết khi nào thì sẽ có oan sai, cũng giống như không biết khi nào thì có tai nạn giao thông.
Mục tiêu của pháp luật tố tụng hình sự không phải là để trừng phạt tội phạm. Nếu chỉ cần trừng phạt, chúng ta có thể làm như thời chưa có tố tụng, đấy là cứ ngay lập tức treo cổ nghi can. Mục tiêu của tố tụng là nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ oan sai.
Nguyên tắc của thiết kế tố tụng là hình phạt càng lớn thì tố tụng càng phải chặt chẽ (due process). Tố tụng hình sự phải rất chặt chẽ, cả trên quy định lẫn thực thi, bởi nó liên quan đến tự do, tính mạng của người khác. Và bởi vì một điều đặc biệt, là sẽ có rất nhiều trường hợp oan sai mà mãi mãi không bao giờ được phát hiện.
Không ai dám chắc rằng thực hiện đúng một quy trình tố tụng chặt chẽ sẽ không có oan sai, nhưng nếu phải cẩn trọng thêm 1 vạn lần để bớt được 1 người chết oan, thì cũng xứng đáng chứ?
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận