"Vị ngọt" mía đường chưa "tròn vị"
Ngành mía đường trong nước đã và đang ghi nhận sự "hồi sinh", tuy nhiên nạn đường lậu và tồn kho cao đang khiến "vị ngọt" mía đường chưa "tròn vị"
Kể từ năm 2021, sau khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu, ngành mía đường trong nước đã và đang ghi nhận sự "hồi sinh".
Với năng suất đường niên vụ 2023/24 đạt đến mốc 6,79 tấn đường/ha ngành mía đường Việt Nam đã vào vị trí số 1 về năng suất đường trong khu vực.Tăng cả diện tích và năng suất
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), niên vụ mía đường 2023/24, các nhà máy trong toàn ngành đã ép được 11.204.789 tấn mía, sản xuất được 1.107.777 tấn đường các loại. So sánh với vụ ép mía 2022/2023 sản lượng mía ép niên vụ 2023/2024 tăng 17,9% và sản lượng đường tăng 18,4%. So sánh với vụ ép mía 2020/2021, trong vòng 4 vụ liên tiếp, sản lượng mía ép tăng 66% và sản lượng đường tăng 61%.
“Đặc biệt, về năng suất đường, niên vụ 2023/24 Việt Nam đạt đến mốc năng suất đường 6,79 tấn đường/ha. Đối sánh với các nước sản xuất mía đường chính trong khu vực bao gồm Thái Lan, Indonesia, Philippine, thành tích nêu trên đã lần đầu tiên đưa ngành mía đường Việt Nam vào vị trí số 1 về năng suất đường trong khu vực”.
Điều này cho thấy, kể từ năm 2021, sau khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu, ngành đường Việt Nam đã ghi nhận sự hồi sinh và tăng trưởng đáng kể.
Đáng chú ý, giá mua mía đã được ngành đường Việt Nam liên tục tăng’ qua 5 vụ liên tiếp (mức tăng 152% so với vụ 2019/20), từ giá chỉ 0,85-0,9 triệu đồng/tấn năm 2020, hiện nay đã đến mức 1,2 – 1,3 triệu đồng/ tấn mía.
"Mức giá mua mía này đã tương đương so với các nước sản xuất mía đường trong khu vực (so với giá mía niên vụ 2023/24 của Thái Lan là 38,9 USD/tấn, tương đương 935.000 đồng/tấn, giá mua mía của ngành đường Việt Nam 1.267.993 đồng/tấn, cao hơn 35%). Nhờ đó, đã dẫn đến gia tăng diện tích trồng mía, sản lượng mía và đường tăng liên tục qua 4 vụ sản xuất gần đây", ông Lộc chia sẻ.
Niên vụ 2023/24 cũng cho thấy sự chuyển dịch lớn trong sản xuất mía đường. Khu vực Miền Trung – Tây Nguyên với lợi thế cạnh tranh về nông nghiệp và công nghiệp chế biến đã có mức tăng trưởng ngoạn mục, tăng 96% so với niên vụ 2020/21. Khu vực này với 62% sản lượng đã trở thành trung tâm sản xuất mía đường lớn nhất của cả nước
“Về mặt thị trường, giá đường của các nhà máy trong nước bán ra đã thấp hơn so với các nước. Cụ thể, giá đường của Philippines là 193%, Indonesia là 106% và Trung quốc là 107% so với Việt Nam. Như vậy trong vụ ép 2023/24, ngành đường Việt Nam đã cho thấy năng lực cạnh tranh thực sự khi tiếp tục thực hiện mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía đến mức tương đương hoặc cao hơn với các nước trong khu vực trong khi vẫn giữ giá đường ở mức thấp nhất”, ông Nguyễn Văn Lộc khẳng định.
Chưa "tròn vị"
Mặc dù ghi nhận những dấu hiệu tích cực, tuy nhiên “vị ngọt” ngành mía đường vẫn chưa tròn vị trước nạn đường nhập lậu và tồn kho cao. Thống kê thời điểm tháng 7/2024, ngành đường Việt Nam vẫn còn tồn khoảng 65% sản lượng của vụ 2023/2024 cộng với đường nhập lậu ngày càng tăng và chiếm tới 30%, đẩy ngành này vào thế khó.
Mặc dù ghi nhận những dấu hiệu tích cực, tuy nhiên “vị ngọt” ngành mía đường vẫn chưa tròn vị trước nạn đường nhập lậu và tồn kho cao.
Theo ông Lộc, hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu bùng nổ những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, thể hiện qua khối lượng kỷ lục đường lậu, được cho là nguồn gốc chủ yếu từ Thái Lan, bị các cơ quan chức năng phát hiện trong những tháng đầu năm 2024, đã bịt đầu ra của đường sản xuất từ mía, khiến đường các nhà máy không bán được.
“Trong bối cảnh sức cầu đường kém do ảnh hưởng chung của kinh tế, lượng đường lỏng siro ngô nhập khẩu gia tăng càng làm thu hẹp thị phần đường từ mía trong ngành nước giải khát. Đường làm từ mía còn phải chịu áp lực ép giá kìm giá của các loại đường lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm đường nhập lậu và đường gian lận xuất xứ, đây đều là những loại đường giá rẻ vì có bản chất là đường phá giá xuất xứ Thái Lan”, Chủ tịch VSSA cho hay.
Năm 2023, Campuchia và Lào cũng nhập khẩu đường từ Thái Lan với khối lượng tương đương năm 2022, nghĩa là, năm 2023, khối lượng đường xuất khẩu không rõ nơi đến từ hai quốc gia này cũng khoảng 600.000 tấn. Như vậy, phần lớn lượng đường nhập khẩu thặng dư từ Thái Lan vào hai quốc gia này chính là nguồn gốc của các hoạt động nhập đường lậu đang diễn biến rất nghiêm trọng tại khu vực các tỉnh biên giới giữa Việt Nam với Campuchia và Lào, và bản chất đường nhập lậu vào Việt Nam chính là đường phá giá và trợ cấp xuất xứ từ Thái Lan.
“Giai đoạn 2022 - 2023, ước lượng cầu đường Việt Nam khoảng 2,1 - 2,2 triệu tấn. Nghĩa là đường nhập lậu đang chiếm đến khoảng 30% thị phần trong nước”, ông Lộc chỉ rõ.
“Thời điểm tháng 7/2024, ngành đường Việt Nam còn tồn khoảng 65% sản lượng của vụ 2023/24. Chuỗi liên kết mía đường đang đứng trước mối nguy cơ bị hủy hoại”, ông Lộc cho biết thêm.
Chính vì tồn kho lớn cộng với đường nhập lậu liên tục tăng đã đẩy ngành đường vào thực trạng thừa cung, theo đó, giá đường trong nước đang diễn biến theo chiều giảm.
Ông Lộc thông tin, tất cả các nguồn cung đường chính bao gồm đường sản xuất từ mía, đường nhập khẩu kinh doanh chính ngạch, đường nhập lậu, đường nhập khẩu gian lận xuất xứ, đường lỏng si rô ngô HFCS đều ghi nhận tương đương hoặc tăng so với cùng kỳ.
“Ngoài dư cung thì giá đường trên thị trường quốc tế cũng đang có diễn biến giảm từ đầu năm đến nay cũng tác động đến giá đường trong nước. Nếu hai nguyên nhân này không thay đổi, giá đường khó tránh được xu hướng giảm giá kéo dài”, ông Lộc phân tích.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận