Vĩ mô và chứng khoán: Phát triển và ổn định phải song hành
“Mọi hoạt động của thị trường cần được quan sát kỹ và đánh giá cẩn trọng, bởi thực tế vai trò “hàn thử biểu” của TTCK với kinh tế thực thường tương đối lỏng lẻo, không riêng gì Việt Nam mà cả thế giới cũng vậy” TS. Cấn Văn Lực cho biết.
Bất thường và bình thường
Sáu tháng đầu năm 2021, dù nền kinh tế tiếp tục đối mặt rất nhiều thách thức, đặc biệt là tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, nhưng TTCK tiếp tục chiều hướng đi lên mạnh mẽ khi chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 25% so với đầu năm và thanh khoản nhiều phiên vượt xa mức 1 tỷ USD...
Diễn biến có phần trái ngược giữa TTCK (xu hướng đi lên) và nền kinh tế thực (đang đối mặt với nhiều khó khăn hơn do đợt bùng phát dịch lần thứ 4) khiến không ít quan ngại đặt ra là liệu TTCK có còn được xem là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, thậm chí là những nguy cơ TTCK rơi vào bong bóng có thể ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên xét ở góc độ khác, nhất là trong so sánh với diễn biến ở các nước khác trên thế giới thì triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn được xem là sáng sủa nhất, nên cũng có những lý do để tin tưởng diễn biến tích cực của các chỉ số chứng khoán sẽ dần được hiện thực hóa vào nền kinh tế thực và ngược lại.
Chia sẻ tại các buổi tọa đàm trong chuỗi Talkshow "Thị trường chứng khoán và dự báo"cuối tháng 6 vừa qua, bà Tạ Thị Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBCKNN) cho rằng, nếu đặt trong bối cảnh tác động mạnh của đại dịch Covid-19 mà TTCK vẫn tăng trưởng mạnh thì đây là một bất thường. Nhưng đà tăng điểm của TTCK Việt Nam lại là bình thường khi đặt trong tương quan chung - hầu hết các thị trường lớn trên thế giới đều có sự tăng trưởng mạnh. Hơn nữa, cũng dễ hiểu khi dòng tiền đổ vào chứng khoán gia tăng trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như bất động sản đang chững lại. Ngoài ra theo các chuyên gia, sự tăng điểm của chỉ số chứng khoán trong thời gian gần đây còn thể hiện kỳ vọng rất lớn của nhà đầu tư (NĐT) về phục hồi mạnh hơn của nền kinh tế và của các doanh nghiệp khi đại dịch tiếp tục được kiểm soát tốt.
Về triển vọng thời gian tới, TS. Nguyễn Sơn - Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cho rằng, dư địa cho TTCK tiếp tục tăng trưởng vẫn còn. Ông dẫn ra một loạt cơ sở cho nhận định này: Tăng trưởng GDP hiện nay tuy thấp so với mục tiêu đặt ra nhưng vẫn rất cao so với các nước trong khu vực; dòng vốn dồi dào với mặt bằng lãi suất thấp, ổn định và có thể còn kéo dài trong một vài năm nữa khi Fed chưa tăng lãi suất; hiện dư nợ cho vay chứng khoán chỉ chiếm 0,48% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế và vẫn trong giới hạn kiểm soát; dòng tiền của khu vực dân cư trước đây đầu tư vào lĩnh vực khác tạm thời đưa vào chứng khoán tạo hiệu ứng tăng cho thị trường; dự báo tài khoản chứng khoán mở mới vẫn tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm…
Vẫn cần cẩn trọng
Nhìn từ góc độ vĩ mô, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, mức lạm phát thấp (1,47%) và tăng trưởng GDP không quá thấp (5,64%) trong 6 tháng đầu năm tạo ra cơ hội tốt cho nền kinh tế và TTCK Việt Nam trong cuối năm. “Chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo GDP cả năm nay sẽ đạt mức tăng trưởng từ 6,1-6,3%; lạm phát từ 3,4-3,6% theo kịch bản cơ sở. Trong 6 tháng cuối năm 2021, nhiều ngành nghề, doanh nghiệp trên TTCK sẽ tiếp tục triển vọng tăng trưởng tích cực và dự báo năm nay lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng trung bình 20%”, chuyên gia này nhận định.
Với hoạt động của khối ngoại, nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù về cơ bản khối ngoại bán ròng, nhưng mức độ bán ròng không nhiều và không đáng lo ngại khi dòng vốn ngoại này không rút khỏi Việt Nam mà để trên tài khoản tiền mặt – tức là đang chờ đợi các cơ hội đầu tư mới. Bằng chứng là khối ngoại vẫn mua ròng trên thị trường trái phiếu và bắt đầu xu hướng trở lại mua ròng lớn trên thị trường cổ phiếu trong một số phiên gần đây. Hơn nữa, NĐT ngoại đã không còn đóng vai trò là lực lượng chủ chốt, mang tính dẫn dắt thị trường như trước đây. Hiện giao dịch của NĐT ngoại chỉ chiếm 10% trong tổng lượng giao dịch toàn bộ thị trường, còn 90% là đầu tư nội.
Bên cạnh đó một số ý kiến cho rằng, một nguồn tiền không nhỏ chảy vào kênh chứng khoán trong thời gian vừa qua là từ khu vực kinh tế phi chính thức, vốn trước đây đầu tư vào các lĩnh vực khác nhưng do vòng quay của nguồn tiền này hiện gặp khó khăn vì đại dịch nên đã dịch chuyển vào các thị trường tài sản, trong đó có TTCK. Vì vậy, đây thậm chí là cơ hội tốt để TTCK tiếp tục thu hút và “giữ chân” được các nguồn vốn từ khu vực phi chính thức trên và về lâu dài sẽ tốt cho nền kinh tế nói chung. Như vậy, bên cạnh việc cẩn trọng, kiểm soát để TTCK không tăng nóng, trở thành bong bóng thì cũng cần tiếp tục có các giải pháp khuyến khích để các dòng tiền trong dân chảy vào các kênh chính thức.
Mặc dù còn có nhiều dư địa và triển vọng song TS. Cấn Văn Lực cảnh báo vẫn không thể chủ quan. “Mọi hoạt động của thị trường cần được quan sát kỹ và đánh giá cẩn trọng, bởi thực tế vai trò “hàn thử biểu” của TTCK với kinh tế thực thường tương đối lỏng lẻo, không riêng gì Việt Nam mà cả thế giới cũng vậy” TS. Lực cho biết.
Trong đó, những rủi ro thay đổi từ bên ngoài (lạm phát và lãi suất có xu hướng tăng; nhiều nước có xu hướng thắt chặt thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa;khả năng sinh lời của doanh nghiệp bị co hẹp khi chi phí đầu vào tăng nhưng giá cả đầu ra khó tăng tương ứng…) sẽ tác động đến TTCK toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Với TTCK Việt Nam, còn có một số rủi ro khác như có tới trên 90% NĐT hiện nay là NĐT nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp, có tâm lý đám đông, chấp nhận hệ số đòn bẩy tài chính tương đối cao… nên khi thị trường rơi vào nhịp điều chỉnh thì đối tượng NĐT này thường dễ có những phản ứng thái quá.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cũng cho rằng, những diễn biến trên TTCK gần đây không thực sự là “hàn thử biểu” phản ánh sức khoẻ của nền kinh tế. Theo chuyên gia này, việc VN-Index tiếp tục tăng “nóng” lên trên mốc 1.400 điểm đang gây ra lo ngại về nguy cơ xuất hiện bong bóng trên thị trường. “Tiền đang đổ quá nhiều vào chứng khoán, nhất là dòng tiền tập trung tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường thứ cấp chứ không phải sơ cấp. Điều ấy có nghĩa là tiền chưa đến “túi” của các nhà sản xuất, kinh doanh. Điều này tiềm ẩn rủi ro lớn nếu diễn biến như hiện nay không kiểm soát chặt. Một khi hình thành bong bóng chứng khoán, thì sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận