Vĩ mô tháng 2: Ảm đạm
Tôi gửi đến anh em những vấn đề kinh tế đáng lưu ý được tôi đánh giá và trích xuất số liệu từ Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2023 của Tổng cục Thống kê:
- Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP): Sau tháng 1 giảm sốc, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 2 cũng không tiến triển được bao nhiêu khi chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo mức giảm 6,3% lũy kế hai tháng đầu năm. Số lượng việc làm trong ngành giảm 1,1% so với cùng kỳ, đồng nghĩa tỷ lệ thất nghiệp trong ngành tăng lên.
=> Làn sóng sa thải, cắt giảm nhân sự trong cả khối doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài (kể cả các doanh nghiệp FDI lớn) đang là vấn đề nổi cộm trên truyền thông thời gian qua và nó là chỉ báo rõ ràng nhất nền kinh tế đang đối mặt với khó khăn kép (1) Kinh tế thế giới giảm tốc dẫn đến tiêu dùng toàn cầu suy giảm và (2) Lãi suất cao khiến chi phí đẩy buộc doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất.
- Số doanh nghiệp tạm ngừng hoặc giải thể gia tăng đột biến: 3.802 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp giải thể tăng sốc 37,5% lên 2.636 doanh nghiệp. Lũy kế 2 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng có 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và 25,7 nghìn doanh nghiệp đóng cửa.
=> Số doanh nghiệp đóng ròng lên tới 6.700 doanh nghiệp/tháng là dấu hiệu cảnh báo suy thoái.
- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Vốn nội suy yếu nhưng vốn ngoại cũng chẳng khá hơn. Theo đó lũy kế hai tháng, FDI đăng ký cấp mới và cấp bổ sung giảm 38% chỉ còn 3,1 tỷ USD. FDI giải ngân thực tế giảm 4,9% so với cùng kỳ còn 2,55 tỷ USD. Tuy GSO không bóc tách chi tiết nhưng theo tôi tổng hợp thì FDI đăng ký mới đang có chuỗi 12 tháng sụt giảm liên tiếp. Câu chuyện không chỉ riêng ai khi FDI tại TQ nửa cuối năm cũng về mức thấp nhất 18 năm.
=> Mặt bằng lãi suất cao trên toàn cầu + Lo ngại suy thoái khiến dòng vốn đầu tư trên toàn cầu có xu hướng co cụm chuyển sang trạng thái phòng ngự. Tại Việt Nam, khối FDI chiếm bình quân 70% giá trị xuất khẩu (2 tháng đầu năm 2023 là 76,7%), 50% sản lượng công nghiệp và 20% GDP. Do đó sự giảm tốc liên tục của FDI nói riêng có thể tiềm ẩn rủi ro suy thoái hiện hữu.
- Xuất nhập khẩu: Xuất khẩu tháng 2 có cải thiện nhẹ khi tăng 9,8% so với tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Cũng cần lưu ý Tết năm ngoái rơi vào tháng 2/2022 nên nền so sánh là không cao. Nhập khẩu giảm khiến cán cân thương mại vẫn dương, tương ứng xuất siêu 2,3 tỷ USD trong tháng 2 và 2,82 tỷ USD trong 2 tháng. Không có ngành nào xuất khẩu thực sự nổi bật trong tháng 2: Sắt thép (+1% tháng 2 và -30% 2 tháng), dệt may (+12% tháng 2 và -20% 2 tháng), gỗ và sản phẩm gỗ (-11% tháng 2 và 35% 2 tháng), cao su (+16% tháng 2 và -23% 2 tháng), thủy sản (-13% tháng 2 và -33% 2 tháng), xi măng (-13% tháng 2 và -30% 2 tháng).
=> Xuất khẩu là nạn nhân trực tiếp của việc sức mua toàn cầu suy giảm và cũng sẽ là rủi ro tiềm tàng với nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam.
- Du lịch phục hồi nhưng chậm hơn kỳ vọng: Tính chung hai tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt 1.804,1 nghìn lượt người, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chưa bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
=> Mức độ phục hồi của ngành du lịch Việt Nam trong năm 2023 sẽ phụ thuộc vào thời điểm TQ cho phép mở tour sang Việt Nam, dự kiến tháng 4.
- Vốn đầu tư công tăng trưởng nhưng thua xa kế hoạch đề ra: Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Hai ước đạt gần 30 nghìn tỷ đồng, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 56,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước.
=> Đây vẫn là cực tăng trưởng trọng tâm của Chính phủ trong năm 2023 nhưng tiến độ giải ngân chậm vẫn luôn là bài toán nan giải.
Phong Trần
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận