24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dũng Bùi
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ví điện tử kích hoạt dòng chảy tỉ đô la

Quy mô nền kinh tế số tại Việt Nam tăng gấp 4 lần kể từ năm 2015 đến năm 2019. Cùng giai đoạn này, ví điện tử bắt đầu được “mở cửa” sau thời gian dài thử nghiệm, không chỉ đem lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng mà còn mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho các nhà đầu tư.

"Nhà nhà" sôi nổi mở ví

Mới đây, Lazada Việt Nam tiết lộ sẽ kích hoạt ví điện tử trên nền tảng của mình vào sự kiện mua sắm lớn nhất năm, ngày 11-11 tới. Khác với Shopee đã có ví điện tử Airpay và liên tiếp đưa ra các chương trình khuyến mãi cho người dùng, hay Tiki có tích hợp ví MoMo, “tay chơi” kỳ cựu Lazada hiện vẫn chỉ có tín năng cho khách thanh toán qua thẻ ngân hàng.

Ở câu chuyện khác, Tập đoàn Vingroup đã mua lại Ví điện tử MonPay và đổi tên thành VINID Pay, phục vụ cho hệ sinh thái mua sắm đang được đẩy mạnh với hàng loạt giải pháp về công nghệ kèm theo.

Không chỉ có những "ông lớn" thương mại điện tử, nhiều tập đoàn khác cũng đầu tư đáng kể vào ứng dụng thanh toán tại Việt Nam. Điển hình như thương vụ đầu tư của SoftBank Vision Fund (Nhật Bản) và quỹ đầu tư GIC (Singapore) vào VNPAY. Dù giá trị thương vụ không được chính thức xác nhận nhưng quy mô đồn đoán lên đến 300 triệu đô la Mỹ, cho thấy rõ tiềm năng của thị trường Việt Nam. Trước đó, một “ông lớn” khác là Warburg Pincus đã rót thêm vốn vào MoMo, bổ sung vào danh mục đầu tư của ví này gồm Vincom Retail, Lodgis, Techcombank và BW Industrial Development.

Đầu tư vào ví điện tử tiếp tục tăng lên trong bối cảnh hàng loạt chiếc ví mới được cấp giấy phép. Đầu tháng 10, Công ty cổ phần Giải trí di động (ME CORP), hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các trò chơi giải trí trực tuyến, đã được cấp giấp phép cung cấp dịch vụ ví điện tử.

Sau thời gian dài thử nghiệm mô hình trung gian thanh toán, từ năm 2015 đến tháng 8-2019, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho khoảng 30 đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 27 ví điện tử với mỗi lợi thế khác nhau, có thể tự phát triển như MoMo hoặc đi theo hệ sinh thái của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Hiện nay, người dùng có thể sử dụng ví điện tử để mua sắm trực tuyến, trả tiền dịch vụ công, thanh toán cho nhiều loại hàng hóa, dịch vụ miễn sao chủ sở hữu ví điện tử có tài khoản ngân hàng và chiếc ví có liên kết đến tài khoản ngân hàng. Đáng chú ý là nhiều ví điện tử mới đây bắt đầu “đua” nhau khuyến mãi ở các điểm bán lẻ ngoại tuyến. Người dùng chỉ việc quẹt mã thanh toán từ các ứng dụng là được giảm giá, nên càng “kích hoạt” thêm nhiều người dùng mới lẫn cũ.

Sự gia tăng các chương trình khuyến mãi có lẽ là một trong những lý do giúp số lượng và doanh số giao dịch ví điện tử tăng lên nhanh trong thời gian qua, bên cạnh sự tác động đến từ quy định bắt buộc ví điện tử phải liên kết với tài khoản ngân hàng mới được giao dịch.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tính đến tháng 7-2019 đạt gần 202 triệu với giá trị gần 2,1 triệu tỉ đồng, lần lượt tăng gần 105% và 155,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Thống kê trước đó cũng cho thấy có khoảng 4,2 triệu ví đã liên kết với tài khoản ngân hàng cuối năm 2018.

Trên thực tế, sự sôi động trên thị trường thanh toán di động không thể thiếu phần các nhà băng, vốn rất tham gia rất năng động dưới nhiều hình thức. Chẳng hạn như Vietcombank ra mắt VCB Pay, Sacom YOLO của VPBank, Sacombank Pay, QuickPay (TPBank) hay Ví Việt (LienVietPostBank) hay ứng dụng OCB Omni.

Với giới kinh doanh, dịch vụ trung gian thanh toán qua di động đầy hứa hẹn ở một quốc gia có dân số lớn, sử dụng điện thoại thông mình hàng ngày, hạ tầng internet tốc độ cao, các dịch vụ trực tuyến phát triển ngày càng nhanh như thường mại điện tử, đặt xe hay gọi món.

Thúc đẩy tăng trưởng thanh toán điện tử

Có thể thấy các ví điện tử được kích hoạt ngày càng nhiều hơn cùng với quy mô nền kinh tế số đi lên nhanh chóng ở Việt Nam. Báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019" (e-Conomy Southeast Asia 2019) do Google, Temasek cùng với đối tác Bain & Company thực hiện, cho thấy quy mô nền kinh tế số của Việt Nam năm 2019 đã tăng gấp 4 lần so với các năm 2015, lên mức 12 tỉ đô la. Xét theo tỷ lệ so với GDP, Việt Nam thậm chí vượt hơn các thị trường lớn Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan.

Quy mô nền kinh tế số của Việt Nam năm 2019 đã tăng gấp 4 lần so với các năm 2015, lên mức 12 tỉ đô la.

Số người mua hàng trực tuyến thanh toán qua Ví điện tử năm 2018 chiếm 17%, tăng đáng kể so với con số 7% trong năm trước đó.

Các lĩnh vực thúc đẩy nền kinh tế số là thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ. Trong số này, thương mại điện tử đóng góp nhiều nhất, với quy mô lên đến 5 tỉ đô.

Thống kê của Sách Trắng thương mại điện tử năm 2109 cho thấy số người mua hàng trực tuyến thanh toán qua ví điện tử năm 2018 chiếm 17%, tăng đáng kể so với con số 7% trong năm trước đó. Dù vậy, dư địa thanh toán trong thương mại điện tử vẫn còn rất lớn, khi mới chỉ có 9,6% người Việt thanh toán trực tuyến khi mua hàng qua Internet, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có tỷ lệ 80,3%, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).

Ví điện tử tại Việt Nam không chỉ có tiềm năng trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến, mà hiện giờ đã “đổ bộ” vào các kênh thanh toán ngoại tuyến. Người dùng có thể “quét” mã thanh toán từ các ứng dụng của ví điện tử tại các quầy hàng, đa phần sử dụng để được giảm giá sản phẩm, hoàn tiền hay tích điểm dịch vụ.

Ví điện tử kích hoạt dòng chảy tỉ đô la

Lĩnh vực thanh toán và Ví điện tử chiếm phần lớn đầu tư vào Fintech Việt Nam. Nguồn: FinRei, tính đến tháng 6-2019.

Tiềm năng tiếp theo của Ví điện tử còn nằm ở việc “kích hoạt” cơ chế thanh toán cho dòng chảy tính bằng con số tỉ đô.

Từ năm 2019, Chính phủ bắt đầu đẩy mạnh triển khai thanh toán không tiền mặt trong lĩnh vực công, chẳng hạn như dịch vụ của ngành thuế, hải quan, điện lực, viễn thông, giáo dục, giao thông, y tế,… vốn có dòng chảy hàng ngày rất lớn, cho dù giá trị mỗi khoản có quy mô nhỏ.

Xét về hạ tầng thanh toán cho các giao dịch nhỏ lẻ, đại diện Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia NAPAS cho biết Việt Nam đã sẵn sàng. Cơ hội đã mở ra với Ví điện tử và các tổ chức tín dụng, vấn đề tiếp theo là chuyện kết nối giữa các bên với nhau mà ở đó các Ví điện tử có lợi thế hơn ngân hàng nhờ tính linh động và chi phí thấp hơn.

Ở một câu chuyện khác, ví điện tử còn làm được nhiều việc hơn, bởi nắm giữ trong tay “mỏ vàng” dữ liệu, được xem là đầu vào quan quan trọng để thực hiện các chiến lược kinh doanh khác trong tương lai.

Chẳng hạn, hai công ty hàng đầu tại Đông Nam Á là Grab và Go-Jek đã đầu tư rất nhiều vào dịch vụ tài chính công nghệ (fintech) như công nghệ thanh toán, cho vay và bảo hiểm, bên cạnh ứng dụng gọi xe, giao hàng và thực phẩm như chứng ta đang thấy trên thị trường Việt. Lĩnh vực cho vay cũng mang về lợi nhuận hấp dẫn hơn nhiều so với hoạt động gọi xe thông thường. Đây cũng là lĩnh vực làm nên tên tuổi của Ant Finance, công ty cho vay tiêu dùng của Tập đoàn Alibaba, chủ sở hữu thương hiệu ví điện tử Alipay, được cho là sắp tích hợp vào Lazada Việt Nam.

Mặc dù tiềm năng ví điện tử có thể thấy rõ nhưng thách thức cũng lớn không kém. “Khó nhất là người tiêu dùng chưa tin tưởng thanh toán điện tử và thận trọng khi sử dụng dịch vụ”, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch M_Service, đơn vị sở hữu MoMo cho biết. Trong khi đó, các Ví điện tử vì thế hiện nay vẫn đang “đốt tiền” khuyến mãi cho người dùng, nên cuộc chiến vẫn chưa có điểm dừng.

Tại Việt Nam, ví điện tử vẫn còn đang trong vòng “thử thách” sau gần 4 năm chính thức "mở cửa" đăng ký giấy phép hoạt động. Hiện nay, cơ quan quản lý đang dự thảo quy định cụ thể về hoạt động ví điện tử. Hàng loạt các quy định được đặt ra như giám sát việc mở tài khoản ví, hạn mức giao dịch, tỷ lệ sở hữu đầu tư,… để kiểm soát các giao dịch nhỏ lẻ. Tuy giải pháp thanh toán này mang đến nhiều sự tiện lợi cho người tiêu dùng nhưng cũng lắm rủi ro với chuyện bảo mật thông tin cá nhân người dùng, hay những dấu hiệu của việc huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua ví điện tử mà cơ quan công an vừa công bố gần đây.

Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán của Ngân hàng Nhà nước đang được đưa ra lấy ý kiến với nhiều nội dung cụ thể.

Theo đó, hạn mức thanh toán đối với ví điện tử cá nhân được đặt ra là tối đa 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu/tháng. Trước đó, đại diện Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết giá trị giao dịch bình quân thực tế của một Ví điện tử là 58.870 đồng/giao dịch và 1,7 triệu đồng/ tháng.

Vấn đề đầu tư vào các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán cũng được nhắc đến, với tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa trong khoảng 30-49%.

Một số quy định kiểm soát khác cũng được đặt ra, bao gồm mỗi người dùng chỉ được mở một ví điện tử tại một tổ chức cung cứng dịch vụ, nhưng có thể mở nhiều ví tại nhiều nơi. Khách hàng phải hoàn thành liên kết tài khoản Ví với tài khoản Ngân hàng để sử dụng.

Dự thảo cũng quy định rõ các hành vi bị cấm như sử dụng ví điện tử để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác.

Công an TP. Hà Nội cho biết, đang xuất hiện hoạt động của ví điện tử Payasian có mặt tại Việt Nam từ đầu năm 2019 và được quảng cáo có chức năng thanh toán trực tuyến mọi loại tiền tệ của các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của ứng dụng này đang có dấu hiệu huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công an TP. Hà Nội thông báo để người dân cảnh giác tránh bị đối tượng xấu lợi dụng mất tiền oan. Những ai đã nạp tiền vào ví điện tử Payasian có thể đến Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao của cơ quan này để trình báo hoặc cung cấp thông tin.

Về phía cơ quan quản lý, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến thời điểm hiện tại, NHNN đã cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 30 tổ chức không phải ngân hàng trong đó có 27 tổ chức cung ứng ví điện tử. “Trong các tổ chức này, không có tổ chức nào cung ứng ví điện tử có tên gọi là Payasian hay đồng tiền điện tử Paya. Đây là tổ chức không được cấp phép nhưng vẫn hoạt động”. Vì thế, trước vụ việc này, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN và các cơ quan chức năng sẽ rà soát cụ thể.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả