VFA nêu lý do doanh nghiệp thua lỗ khi giá gạo xuất khẩu tăng
Theo VFA, khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp Việt Nam trở tay không kịp, dẫn tới khó khăn về nguồn cung và cả thị trường đầu ra.
Tại tọa đàm về tình hình thị trường lúa gạo thế giới do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và Công ty Ssresource Media phối hợp tổ chức ngày 6/9 tại TP. Cần Thơ, ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn) - cho biết: Thời gian gần đây không chỉ trên thị trường xuất khẩu mà thị trường nội địa cũng biến động mạnh, có một số thời điểm giá gạo trong nước tăng nhanh hơn giá thế giới. Việc này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp khó khăn bởi thị trường biến động bất thường và một số doanh nghiệp thiếu thông tin thị trường.
Việc biến động thị trường trong thời gian qua theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch VFA đã khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm, giá gạo tăng cao. “Do giá tăng cao đột biến nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn về nguồn cung và cả thị trường đầu ra”- ông Nam cho biết.
Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm về tình hình thị trường lúa gạo thế giới
Về khó khăn của doanh nghiệp, theo chuyên gia của Công ty Ssresource Media, những doanh nghiệp bán khống (ký hợp đồng khi chưa có chân hàng) đang phải chịu áp lực. Rất nhiều cuộc đám phán lại, sự chậm trễ trong giao hàng và điều này có nghĩa là chi phí vận chuyển, giao hàng trên toàn chuỗi đều tăng cao; chưa kể còn nhiều rủi ro khác không lường trước được có thể xảy ra… dẫn tới thua lỗ.
Chỉ ra nguyên nhân doanh nghiệp gạo thua lỗ, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch VFA cho biết, vào thời điểm tháng 5/2023, đại diện VFA có cuộc gặp với đại diện lãnh đạo TREA (Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan) tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo ông Nam, thời điểm đó hai bên đã trao đổi với nhau và đi đến thống nhất trong nhận định rằng Ấn Độ sẽ đưa ra các chính sách hạn chế xuất khẩu gạo trong năm 2023.
“Với nhận định trên, chúng tôi tin rằng giá lúa gạo vụ Hè thu sẽ không giảm như thông lệ hàng năm mà sẽ đi lên. Hiệp hội có chia sẻ thông tin với các hội viên. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không nghĩ như thế (vì năm nay giá gạo xuất khẩu luôn duy trì mức cao), nên vẫn ký hợp đồng với đối tác. Đến khi Ấn Độ ban bố lệnh cấm, các doanh nghiệp bị bất ngờ nên trở tay không kịp"- ông Nam nói.
Giá gạo nội địa thời gian qua cũng biến động mạnh
Trước bối cảnh trên, bà Trần Thanh Bình, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)- cho rằng, việc chủ động thông tin của doanh nghiệp là rất quan trọng.
Theo bà Bình, bên cạnh sự hỗ trợ dự báo thông tin của Bộ Công Thương cũng như Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn thì bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu thị trường để đưa ra phán đoán. “Tính quyết định hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp”- bà Bình nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Lê Thanh Hòa cho rằng, để hạn chế các tác động tiêu cực, hoạt động xuất khẩu gạo cần chuyển hướng theo chuỗi giá trị, kết nối cung cầu và thị trường. Ông Hòa cho biết hiện tại mới chỉ có một số doanh nghiệp làm được việc này nhưng ở góc độ cả ngành hàng vẫn chưa định hình. Đây là điều các doanh nghiệp nên tiếp tục cải thiện. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần nâng cấp năng lực của doanh nghiệp, đơn cử như việc tiếp cận thông tin bằng ngôn ngữ khác.
"Trong thời buổi thông tin là chìa khóa của quyền lực thì việc tiếp cận được nhiều nguồn thông tin sẽ là lợi thế lớn", ông Hòa nêu quan điểm.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện duy trì ổn định quanh mức 628 - 643 USD/tấn. Trong đó giá gạo 5% tấm xuất khẩu ở mức 643 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 628 USD/tấn.
Mặc dù giá gạo tăng nhưng doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại đang khó khăn do giá cả biến động tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hợp đồng liên kết bị phá vỡ, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận