VEAM bảo lãnh cho công ty con trái luật
Bảo lãnh và cho vay trái quy định, một số cựu lãnh đạo của Tổng công ty cổ phần Máy động lực và máy nông nghiệp – VEAM (mã VEA) bị cơ quan điều tra đề nghị truy tố.
Mới đây, Bộ Công an đã đề nghị truy tố đối với các cựu lãnh đạo VEAM, gồm ông Trần Ngọc Hà (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị), Lâm Chí Quang (cựu Tổng giám đốc), Vũ Quang Tâm và Vũ Từ Công đều là cựu Phó tổng giám đốc với tội danh vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Theo kết luận điều tra, từ năm 2007 - 2013, VEAM thực hiện 6 lần bảo lãnh cho công ty con là Công ty cổ phần Vận tải và thương mại VEAM (Vetranco) vay tiền tại các ngân hàng. Ngoài ra, VEAM còn cho Vetranco vay tiền nhiều lần trái quy định để ký các hợp đồng mua bán hàng hóa. VEAM còn ký hợp đồng mua hàng theo đề nghị của Vetranco theo hình thức trả tiền ngay, sau đó bán lại theo hình thức trả chậm cho Vetranco.
Tính đến ngày 31/12/2018, Vetranco không thanh toán cho VEAM tổng số tiền 216 tỷ đồng liên quan đến 4 khoản vay; trong đó, phần bảo lãnh và cho vay trái quy định là 75,8 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra làm rõ, từ năm 2011 - 2013, Tổng giám đốc VEAM qua các thời kỳ không thực hiện theo quy trình có sự tham mưu của các bộ phận chuyên môn nhưng đã ký 7 văn bản cam kết bảo lãnh thanh toán cho các hợp đồng tín dụng của Vetranco và các ngân hàng như BIDV, Vietinbank, Agribank. Trong 7 văn bản trên thì có 2 văn bản không phát sinh nghĩa vụ. 5 văn bản do ông Lâm Chí Quang ký thì có một văn bản là xác nhận lại. Tổng số tiền bảo lãnh được xác định tại 4 văn bản là 193 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn do VEAM bảo lãnh và cho vay trái quy định, Vetranco đã lập các hợp đồng khống mua bán hàng hóa lòng vòng để chuyển tiền cho các doanh nghiệp vay trái quy định.
Cụ thể, Vetranco cho nhóm pháp nhân do bị can Trần Quang Tiến sở hữu gồm Công ty cổ phần Đầu tư Tập đoàn Đại Nam, Công ty cổ phần Thương mại và đầu tư Tương Lai, Công ty cổ phần Đầu tư Minh Quang và Công ty cổ phần Thép Minh Quang vay nhằm hưởng lãi suất. Mức lãi suất theo lãi vay của ngân hàng và khoản chênh lệch từ 0,8 - 1,25% giá trị tiền vay.
Để hợp thức các khoản cho vay trên, Đào Quốc Việt – cựu Giám đốc Vetranco và Trần Quang Tiến đã ký khống các hợp đồng mua hàng của Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Bách Việt – do Tiến chỉ định, sau đó bán hàng cho nhóm công ty của Tiến với phương thức thanh toán trả chậm 90 ngày. Các công ty này không trả nợ đầy đủ khiến Vetranco không thanh toán các khoản vay ngân hàng đúng hạn.
VEAM đã phải đứng ra thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trả thay cho Vetranco số tiền 75,8 tỷ đồng. Trong số tiền trên, VEAM bị ngân hàng cưỡng thu 23 tỷ đồng và buộc phải chuyển cho Vetranco 52,7 tỷ đồng để trả nợ ngân hàng.
Cơ quan điều tra xác định các cựu lãnh đạo của VEAM đã thực hiện bảo lãnh trái quy định, gây thiệt hại cho VEAM số tiền 75,8 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định các cựu lãnh đạo của VEAM đã thực hiện bảo lãnh trái quy định, gây thiệt hại cho VEAM số tiền 75,8 tỷ đồng.
Kết luận nêu tại các ngày chuyển tiền, Vetranco đều có số dư nợ lớn quá hạn thanh toán với VEAM. Còn nhóm công ty của Trần Quang Tiến hiện đã dừng hoạt động, không còn tài sản và mất khả năng thanh toán cho Vetranco.
Vụ án đã phần nào hé lộ góc khuất tại doanh nghiệp vốn có nguồn tiền dồi dào. VEAM vốn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc Bộ Công thương, được thành lập năm 1990. Sau khi cổ phần hóa vào năm 2016, hiện VEAM có vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng và đầu tư vốn tại 27 đơn vị. Tại thời điểm cuối năm 2020, Công ty có khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn lên tới 13.241 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phần lãi từ công ty liên doanh, liên kết ghi nhận con số 5.109 tỷ đồng và doanh thu hoạt động tài chính 976 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất lên tới 5.676 tỷ đồng. Đầu năm 2021, VEAM tiến hành trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2019 với tỷ lệ 52,529%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận