Vé máy bay dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5: Có tăng giá bất thường?
Chỉ vài ngày sau khi mở bán vé cho hành khách đi trên các chuyến bay tăng cường dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, tới sáng 24/4, một số chặng bay nội địa lại về trạng thái hết vé, hoặc chỉ còn vé giá cao sau ít ngày giá vé giảm.
Lại “cháy vé”
Khảo sát ngày 24/4 của PV, trên trang bán vé máy bay trực tuyến của các hãng hàng không nội địa cho thấy, một số đường bay tiếp tục hết vé những ngày cao điểm nghỉ lễ 30/4 - 1/5, chỉ 4 ngày sau khi mở bán vé các chuyến bay tăng cường. Cụ thể, chặng từ Hà Nội và TPHCM đi Phú Yên, Hà Nội đi Vinh ngày 29/4 hiện đã hết vé (dù vé chuyến bay tăng cường các chặng này mới mở bán thêm hôm 21/4).
Trong khi đó, các điểm đến du lịch lớn vé tiếp tục duy trì mức cao. Cùng ngày bay 29/4, từ Hà Nội đi Phú Quốc, Bình Định giá vé lên tới 3,8 triệu đồng/chiều; Hà Nội đi Khánh Hòa từ 2,9 triệu đồng/chiều; Hà Nội đi Đà Lạt, Huế, Quảng Bình giá vé từ 2 triệu đồng/chiều. Cùng ngày 29/4, chiều từ TPHCM đi Phú Quốc chỉ 1 chuyến bay còn vé, giá từ 2,1 triệu đồng/chiều trở lên. Các chuyến còn lại giá vé từ 4,5 triệu đồng/chiều; TPHCM đi Quảng Bình, Bình Định từ 2,3 triệu đồng/chiều; TPHCM đi Thanh Hóa, Nghệ An từ 2 triệu đồng/chiều…
Chỉ sau 4 ngày mở bán vé các chuyến bay tăng cường (từ 21/4), hầu hết các loại vé giá từ 1 đến dưới 2 triệu ở những chặng nhu cầu cao, hoặc chặng ít chuyến bay dịp nghỉ lễ đều đã được đặt hết, hiện chỉ còn lại vé giá cao. Vé máy bay giá thấp hiện chỉ có ở các chiều bay trống, như từ các tỉnh đi Hà Nội, TPHCM những ngày đầu nghỉ lễ và ngược lại vào những ngày cuối dịp nghỉ lễ; hoặc ở những đường bay các hãng tập trung nhiều như Hà Nội - Đà Nẵng - TPHCM.
Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM) cho biết, dịp nghỉ lễ 30/4 đến 1/5 tới (tính từ 28/4 đến 3/5), sân bay dự kiến đón hơn 755.700 lượt khách (tăng gần 33% so với cùng kỳ dịp nghỉ lễ năm trước), với tổng số hơn 4.400 chuyến bay. Trong đó, sân bay đón hơn 500.100 khách nội địa, hơn 255.700 khách quốc tế.
Nhu cầu đi lại dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 tăng cao khiến vé may bay khan hiếm, giá tăng. Ảnh minh hoạ: Phan Công |
Cùng thời gian trên, sân bay Nội Bài (Hà Nội) dự kiến phục vụ lượng khách tăng hơn 20% so với cùng kỳ dịp nghỉ lễ năm trước. Ngày cao điểm nhất, sân bay Nội Bài phục vụ khoảng 96.000 lượt khách, với 580 lượt chuyến bay cất/hạ cánh, trong đó lượng khách đi nội địa hơn 68.000 lượt, khách quốc tế hơn 28.000 lượt.
Uẩn khúc “cò”, đại lý ôm vé, găm hàng?
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một hãng hàng không cho hay, sau giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng không nội địa đã tăng trưởng, bay quốc tế dần phục hồi. Bối cảnh mới, năm nay các hãng hướng tới khai thác hiệu quả, thay vì bay nhiều, giá rẻ để hút khách, có dòng tiền như 3 năm dịch vừa qua. Thị trường du lịch cũng phục hồi, số ngày nghỉ dịp 30/4 - 1/5 kéo dài, nhiều khách đã lên lịch sớm, nên vé giá rẻ đã được mua hết từ trước, nên sát ngày nghỉ chỉ còn vé giá cao.
Cận ngày nghỉ lễ 30/4 – 1/5, vé máy bay khan hiếm, giá cao, trên một số diễn đàn xuất hiện tin rao bán vé máy bay giá rẻ. Trước thực tế trên, các hãng đã đưa ra khuyến cáo hành khách cẩn trọng, tránh mua phải vé máy bay giả, hoặc gặp đối tượng lừa đảo đặt chỗ ảo để lấy tiền khách nhưng không trả tiền xuất vé.
Cũng theo vị này, năm nay sát ngày nghỉ lễ (trước 1 tuần), các hãng mới mở bán vé các chuyến bay tăng cường và có thêm giá rẻ bán ra. Tuy nhiên, do nhu cầu cao, số vé giá rẻ cũng nhanh chóng được khách đặt mua hết. Thế nhưng chuyến bay tăng cường này chủ yếu cũng có lịch khởi hành rơi vào chiều muộn hoặc đêm về sáng. Chưa kể, các chuyến bay dịp lễ, tết chủ yếu có khách đi một chiều, như từ Hà Nội, TPHCM đi những ngày đầu nghỉ lễ, và về ngày cuối nghỉ lễ, chỉ những chuyến bay này giá vé đắt. Trong khi chiều ngược lại, khách rất ít dù giá vé chỉ vài trăm nghìn đồng, do đó hãng phải cân đối chi phí, khách đi phải chịu cả chi phí chiều bay trống.
Về lịch bay tăng cường dịp nghỉ lễ sắp tới chỉ được công bố và mở bán trước kỳ nghỉ 1 tuần, đại diện hãng hàng không trên lý giải, do các hãng phải thu xếp nguồn lực tài chính, phương tiện, nhân sự mới bay tăng cường được. Có hãng thời gian qua chưa khai thác hết năng lực đội máy bay hiện có, máy bay để thời gian dài muốn vận hành lại cần thời gian để bảo dưỡng, sửa chữa, bay thử. Thông thường vào dịp cao điểm, các hãng có thể thuê máy bay (thuê máy bay có tổ bay và bảo dưỡng), nhưng năm nay thị trường này cũng khan hiếm trên toàn cầu, do nhu cầu sử dụng máy bay các hãng đều tăng, nên khó thuê hơn.
Thời gian đàm phán, thuê máy bay kéo dài, trong khi nguồn lực tài chính, nhân sự của các hãng vẫn còn hạn chế sau dịch bệnh, hãng muốn bay tăng cường cũng không dễ. “Thị trường bay quốc tế cũng phục hồi tốt, khách đi lại tăng, các hãng phải ưu tiên nguồn lực của mình cho bay quốc tế, ảnh hưởng tới khai thác đường bay nội địa. Ngoài ra, ở sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, nhà chức trách phải điều phối một số khung giờ cất/hạ cánh (slot - PV) cho một số hãng hàng không nước ngoài khai thác đường bay quốc tế, nên số slot còn trống cho bay tăng cường dịp cao điểm cũng không nhiều”, vị đại diện hãng hàng không trên nói.
Với việc nhiều khách bay, hãng du lịch cho rằng, chính các đại lý “ôm vé” máy bay khi còn rẻ để bán ra lúc giá lên đã khiến thị trường rơi vào cảnh đội giá như hiện nay, một chuyên gia hàng không chia sẻ, để đặt được vé máy bay, phải có thông tin khách đi, nên việc “ôm vé” rất khó. Các hãng đều có loại vé cho khách đổi tên, nhưng mất phí, phí đổi cũng không thấp. Chỉ có loại vé máy bay theo đoàn, các hãng thường bán cho đại lý hoặc công ty du lịch, đi kèm với điều kiện như thời hạn phải chốt danh sách khách đi, phải đi theo đoàn, đặt cọc tiền… Loại vé theo đoàn được các công ty du lịch đặt rất sớm, giá có phần ưu đãi, có thể bán ra cho bất kể ai trong thời hạn cho phép. Tuy nhiên, mua loại vé này có rủi ro, nếu tới hạn không có danh sách khách đi (không bán được), toàn bộ tiền cọc và vé sẽ bị hãng thu hồi về để bán cho khách lẻ, nên vẫn có loại vé giờ chót.
“Loại vé bán theo đoàn thì các đại lý, công ty du lịch đặt để bán cho khách du lịch, tính trong giá đặt tua, không phải mục đích kiếm lợi nhuận từ tiền chênh vé máy bay. Khi các công ty không gom đủ khách du lịch mới dư vé máy bay và bán ra ngoài, tuy nhiên số lượng không nhiều, dịp cao điểm giá cũng không quá ưu đãi. Còn đại lý vé máy bay thông thường, chủ yếu hưởng chiết khấu doanh số, hoa hồng hãng trả, hoặc từ phần tiền phí quản trị hệ thống mà khách mua trực tiếp mà hãng phải trả. Nếu đại lý bán vé sẽ được hưởng phần phí này. Việc ôm vé để chờ tăng là không khả thi do rất rủi ro”, vị chuyên gia phân tích.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận