VDSC: Tỷ giá trong năm 2020 là một ẩn số
CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng tỷ giá trong năm 2020 vẫn là một ẩn số khi rủi ro Mỹ áp thuế lên hàng hóa Việt Nam đang tăng lên.
Theo VDSC, ổn định tỷ giá chính là một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2019. Tính tới 15/12, tỷ giá giao dịch trên thị trường ngân hàng và thị trường tự do không thay đổi trong khi tỷ giá trung tâm tăng khoảng 1.8% so với đầu năm 2019 và cân bằng lại với tỷ giá giao dịch trên thị trường.
Nhìn lại đường đi của tỷ giá trung tâm trong năm 2019, đan xen các đợt điều chỉnh tăng là những lần đi ngang khi tỷ giá giao dịch trên thị trường nổi sóng. Đây có lẽ là nghệ thuật điều hành của NHNN trong việc ổn định tâm lý thị trường.
Trong năm 2019, tổng lượng cung ngoại hối duy trì ổn định là điểm nhấn chính giúp điều tiết tỷ giá cũng như tăng dự trữ ngoại hối lên trên 73 tỷ USD. Trong khi lượng tiền kiều hối ước đạt 16 tỷ USD, dòng vốn FDI giải ngân đạt 20 tỷ USD, tăng trưởng 8%/năm.
VDSC ghi nhận những quan ngại liên quan đến triển vọng vốn FDI khi tổng lượng vốn đầu tư mới và tăng thêm trong năm 2019 giảm 11% so với năm 2018. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của VDSC, nguồn cung ứng ngoại tệ từ dòng vốn FDI vẫn sẽ tích cực trong năm 2020. Thay vì tập trung vào số liệu tăng trưởng tổng vốn đăng ký, bổ sung, VDSC quan tâm hơn tới số lượng dự án đầu tư có thể giải ngân ngay trong năm cũng như đặc điểm của các dự án.
Nhìn lại giai đoạn 2017-2018, dòng vốn FDI đăng ký có sự đóng góp từ các dự án tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng và bất động sản. Năm 2017, các dự án nhiệt điện tỷ đô hầu như đều chậm trong tiến độ giải ngân do quá trình huy động vốn và đánh giá tác động môi trường. Ví dụ như dự án Nhiệt điện Vân Phong 1 được Sumitomo đề xuất đầu tư từ 2006, được cấp chứng nhận đầu tư cuối năm 2017, được Bộ Tài Nguyên và Môi Trường phê duyệt hồ sơ đánh giá tác động môi trường và kỳ vọng sớm có thể khởi công trong nửa cuối năm 2019.
Tuy nhiên, trong năm 2019, mặc dù vắng bóng hẳn các dự án tỷ USD nhưng số lượng các dự án có quy mô tầm trung, 100-500 triệu USD, và tập trung vào hoạt động chế biến chế tạo tăng đáng kể. Tại Đồng bằng sông Hồng, số lượng dự án đăng ký mới tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương và Hà Nam tăng trưởng đột biến trên 20% so với năm 2018 và tập trung vào lĩnh vực sản xuất thiết bị điện, điện tử. Tại khu vực Đông Nam Bộ, Hồ Chí Minh, Bình Dương và Long An vẫn là tỉnh thu hút dòng vốn FDI đăng ký mới. Bên cạnh đó, sự phân bổ các dự án FDI trong năm 2019 khá rộng khi xuất hiện các dự án tầm trung tại Nghệ An, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang,…
Trong thời gian tới, VDSC duy trì sự lạc quan vào triển vọng thu hút vốn FDI vào Việt Nam. Bên cạnh việc đa dạng hóa đối tác thương mại, ký kết thành công các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, khu vực tư nhân tại Việt Nam đang chủ động đầu tư nhằm tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Dựa trên thế mạnh hiện tại của Việt Nam và phân loại chuỗi giá trị sản xuất, VDSC cho rằng các dự án đầu tư sẽ đến từ 3 nhóm chính, gồm nhóm hàng thâm dụng lao động (dệt may và đồ gỗ), nhóm hàng chế biến & giao thương trong khu vực (thực phẩm, giấy, nhựa và cao su, sản phẩm kim loại, và vật liệu xây dựng) và sáng tạo toàn cầu (sản xuất máy tính, điện thoại và linh kiện điện tử). Trong đó, nhóm cuối cùng chủ yếu dựa vào chuỗi giá trị tạo thành bởi các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG, Microsoft,…
Đứng thứ 7 trong danh sách thâm hụt thương mại với Mỹ, gian luận xuất xứ hàng hóa (Phantom trade) gia tăng rủi ro khả năng Mỹ áp thuế lên hàng hóa Việt Nam. Điều này khiến tỷ giá trở thành ẩn số trong năm 2020
Tuy nhiên, VDSC cho rằng tỷ giá trong năm 2020 vẫn là một ẩn số khi rủi ro Mỹ áp thuế lên hàng hóa Việt Nam đang tăng lên. Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong danh sách thâm hụt thương mại của Mỹ, chỉ sau Nhật Bản, Đức, Mexico và Trung Quốc, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ năm 2019 tăng gần 30% so với năm 2018. Trong khi VDSC chưa ghi nhận làn sóng dịch chuyển sản xuất ồ ạt sang Việt Nam, điều kiện sản xuất hiện tại của Việt Nam khó có thể so sánh với các nước kể trên và kết quả thâm hụt thương mại trên 43 tỷ USD thật khó tưởng tượng.
Gian lận xuất xứ hàng hóa (Phantom trade), hàm ý các doanh nghiệp chuyển hàng hóa sang nước thứ ba trước khi xuất khẩu sang điểm đến cuối cùng để tránh rào cản thuế thương mại, đang diễn ra tại Việt Nam. Trong khi thặng dư thương mại với Mỹ tăng 33% so với năm 2018 thì thâm hụt thương mại với Trung Quốc tăng trên 40% so với năm 2018.
Trong nghiên cứu “Anti-dumping Duty Circumvention through Trade Re-routing: Evidence from Chinese Exporters” của Liu and Shi 2016, tác giả đã đưa ra nhiều dẫn chứng về mối quan hệ nhân quả giữa việc Mỹ tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc và dòng hàng hóa dịch chuyển sang các nước thứ 3. Trong đó có 2 kết luận đáng chú ý, bao gồm: Mỹ tăng thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc dẫn tới sự tình trạng hàng hóa từ Trung Quốc qua quốc gia thứ ba trước khi dược xuất khẩu sang Mỹ, cùng với các quốc gia có vị trí địa lý gần Mỹ và Trung Quốc hoặc cộng đồng dân số Trung Quốc lớn thường dễ trở thành điểm trung chuyển hàng hóa Trung Quốc nhằm tránh thuế.
Do vậy, VDSC cho rằng vai trò kiểm soát của Chính phủ vô cùng quan trọng vào thời điểm này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận