VDSC: Penny đối mặt áp lực điều chỉnh, dòng tiền hướng đến các cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng
VDSC dự báo sang tháng 4, dòng tiền trên thị trường sẽ luân chuyển vào các nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng mạnh năm 2022 hoặc có yếu tố câu chuyện riêng. Mặt khác, VDSC lo ngại về khả năng điều chỉnh ở nhóm penny sau những hành động gần đây của cơ quan chức năng.
Trong Báo cáo chiến lược tháng 4, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự đoán sang tháng 4, thị trường sẽ chú ý nhiều đến các thông tin từ đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) khi triển vọng tăng trưởng 2022 được đánh giá rõ ràng hơn với chia sẻ từ ban lãnh đạo.
Theo đó, VDSC cho rằng dòng tiền trên thị trường sẽ luân chuyển vào các nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng mạnh năm 2022 hoặc có yếu tố câu chuyện riêng (ví dụ như phát hành cổ phiếu).
VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.480 - 1.570 điểm
Đối với triển vọng ngắn hạn, VDSC kỳ vọng thị trường sẽ giữ được đà tăng vững chắc khi có thông tin trong mùa ĐHĐCĐ 2022 và kết quả kinh doanh quý 1/2022 dần được công bố. Dòng tiền sẽ tiếp tục hướng tới các cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng mạnh trong năm 2022 sau khi các thông tin về mục tiêu kinh doanh được chia sẻ sau ĐHĐCĐ.
Về dài hạn, VDSC vẫn đánh giá tích cực về thị trường chứng khoán do các yếu tố xúc tác mang tính cấu trúc sẽ dần được hiện thực hóa như nhu cầu tiêu dùng trong nước, triển vọng thu nhập của các công ty, hoạt động của nền kinh tế và dòng vốn FDI sẽ ngày một tốt hơn nhờ vào việc mở cửa trở lại nền kinh tế và giải ngân gói kích thích kinh tế cũng như chính sách tài khóa hỗ trợ.
Nhóm phân tích nhận định những yếu tố trên sẽ cung cấp một bộ đệm hiệu quả chống lại triển vọng lạm phát cao hơn (nhưng vẫn trong tầm kiểm soát) và các rủi ro bên ngoài, cụ thể là bất ổn địa chính trị, và tăng trưởng toàn cầu chậm lại.
Ở chiều ngược lại, VDSC tỏ ra lo ngại về khả năng điều chỉnh ở các nhóm cổ phiếu nhỏ thiếu các yếu tố cơ bản tốt sau mùa ĐHĐCĐ và sự dè chừng của nhà đầu tư cho nhóm cổ phiếu này sau những hành động gần đây của cơ quan chức năng trong việc xử lý các hành động thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Trên cơ sở đó, VDSC dự đoán chỉ số VN-Index trong tháng 4 sẽ dao động trong khoảng 1.480 - 1.570 điểm.
VDSC cho biết, hiện tại, dòng tiền dồi dào dẫn dắt bởi nhóm nhà đầu tư F0 đã làm định giá nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, các cổ phiếu này nhanh chóng đối mặt với áp lực chốt lời khi hoạt động kinh doanh tiếp tục yếu kém như đã xảy ra trong quý 4/2021.
Do đó, VDSC lo ngại khả năng điều chỉnh ở những cổ phiếu thuộc nhóm này với triển vọng cơ bản không có nhiều chuyển biến sau mùa ĐHĐCĐ. Thêm vào đó, việc cơ quan chức năng bắt đầu mạnh tay hơn trong việc kiểm soát và xử lý các trường hợp thao túng giá cổ phiếu cũng sẽ tạo tâm lý e ngại cho nhà đầu tư với các nhóm cổ phiếu nhỏ.
4 nhóm cổ phiếu đáng đầu tư
Theo VDSC, thanh khoản thị trường xoay quanh mức 20.000 - 28.000 tỷ đồng/phiên và luân chuyển mạnh mẽ xoay quanh các nhóm ngành trong quý 1/2022 dẫn đến việc VN-Index không có xu hướng rõ ràng trong ba tháng đầu tiên. VDSC cho rằng, trong thời gian tới, xu hướng này sẽ tiếp tục và dòng tiền sẽ tập trung vào các cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng cao và yếu tố cơ bản tốt trong năm 2022.
Đặc biệt, nhóm cổ phiếu VN30 có nền tảng cơ bản tốt và có yếu tố câu chuyện riêng là một trong những lựa chọn tốt khi mức định giá đang ở vùng khá hấp dẫn. Qua chọn lọc, VDSC đưa ra 4 nhóm ngành có cơ hội đầu tư tốt:
Theo đó, nhóm gân hàng dù chịu áp lực bán trong tháng 3 nhưng VDSC tin tưởng triển vọng lạc quan với nhóm này khi mức tăng trưởng dự phóng năm 2022 ở mức trên 30%. Ngoài ra, câu chuyện phát hành riêng lẻ của VPB (15% cổ phần) với SMBC trong thời gian tới cũng là câu chuyện thú vị để tạo tâm lý tích cực cho thị trường.
Mặc dù chịu áp lực bán ra trong hai tháng qua nhưng VDSC nhận thấy có sự đảo chiều của dòng vốn ngoại ở nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tháng 3 khi khối này mua ròng 692 tỷ đồng so với việc bán ròng 110 tỷ đồng trong tháng 2.
Khi mùa ĐHĐCĐ thường niên của ngành ngân hàng đang đến gần, VDSC kỳ vọng cổ phiếu của các ngân hàng với câu chuyện xúc tác tăng vốn sẽ có diễn biến tốt.
Nhóm ngành thép, bao gồm các doanh nghiệp xuất khẩu, có thể cải thiện biên lợi nhuận gộp trong quý 2 và quý 3/2022 do đã chốt giá thấp cho một lượng lớn nguyên liệu HRC và triển vọng giá xuất khẩu tốt trong những tháng tới vì phải mất nhiều tháng để nguồn cung thép từ Nga và Ukraine trở lại mức bình thường sau khi tạm ngưng do chiến tranh và các lệnh trừng phạt. VDSC kỳ vọng giá thép sẽ không hạ nhiệt nhanh chóng, thậm chí trong kịch bản chiến tranh kết thúc trong tương lai gần.
Với nhóm xuất khẩu, đặc biệt nhóm thủy sản, VDSC cho rằng xuất khẩu cá tra sẽ ghi nhận mức phục hồi mạnh năm 2022 được hỗ trợ bởi nhu cầu cá thịt trắng toàn cầu tăng, đặc biệt sau sự thiếu hụt từ Nga; giá bán cao duy trì đến ít nhất hết quý 2/2022 do giá nguyên liệu tăng và thủy sản đánh bắt giảm do giá dầu tăng, đẩy tiêu thụ cá tra tăng. Vì vậy, VDSC kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp cá tra sẽ tăng mạnh ba chữ số trong nửa đầu năm nay trên mức nền thấp của cùng kỳ.
Với nhóm dầu khí, VDSC duy trì quan điểm thận trọng trước sự hạ nhiệt nhanh chóng của giá dầu từ mức 120 USD/thùng cùng với nỗ lực kiểm soát giá dầu của Chính phủ Việt Nam bằng cách giảm thuế bảo vệ môi trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận