24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quang Hưng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

VCCI: Dự thảo về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa "làm khó" DN

VCCI vừa gửi ý kiến liên quan đến hàng loạt vấn đề còn bất cập của Dự thảo Thông tư quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi tắt là Dự thảo).

VCCI cho biết, dự thảo quy định về việc quản lý hoạt động truy xuất nguồn gốc với các loại sản phẩm, hàng hoá. Tuy nhiên, các quy định này có nguy cơ không thống nhất, chồng chéo với các quy định về truy xuất nguồn gốc khác do các Bộ chuyên ngành ban hành, chẳng hạn, Thông tư 25/2019/TT-BYT, Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, các quy định trong Dự thảo chỉ phù hợp với các đối tượng sản xuất công nghiệp quy mô lớn, có tính đồng nhất cao mà không phù hợp với các đối tượng nông sản có đặc điểm đồng nhất toàn chuỗi thấp. Ví dụ, mã truy xuất nguồn gốc, vật mang dữ liệu… áp dụng cho các công đoạn sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi, thuỷ sản… là không khả thi.

Ngoài ra, nhiều quy định tại Dự thảo không thống nhất với các quy định khác. Thông tư 25/2019/TT-BYT, Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT đã quy định về các thông tin lưu trữ, và phân theo lô sản xuất, trong khi Dự thảo quy định các thông tin lưu trữ theo công đoạn. Một số thông tin lưu trữ trong Dự thảo mà không có trong Thông tư 25/2019/TT-BYT như hình ảnh hàng hoá, các công đoạn sản xuất, mã truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn, quy chuẩn được áp dụng.

Mặc dù, Điều 7.2 Dự thảo đã giao việc xác định nhóm sản phẩm, hàng hoá bắt buộc thực hiện, ưu tiên triển khai cho từng bộ, ngành. Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa xác định được hiệu lực giữa các văn bản nói trên, chẳng hạn nếu xác định nhóm hàng nông sản thuộc nhóm bắt buộc thực hiện thì thực hiện theo Dự thảo hay Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT?

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại các quy định trong Dự thảo, trong đó, cân nhắc bổ sung quy định loại trừ phạm vi áp dụng với một số sản phẩm, hàng hoá đã được điều chỉnh theo pháp luật chuyên ngành.

Điều 5.4 Dự thảo quy định về kết nối hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá quốc gia. Tuy nhiên, quy định trên còn tương đối chung chung, không rõ ràng, và do đó có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi.

"Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ một số vấn đề sau: Việc kết nối lên Cổng thông tin có bắt buộc hay không?; Yêu cầu kỹ thuật và trình tự, thủ tục kết nối với Cổng thông tin như thế nào? được quy định ở đâu?", VCCI ý kiến.

Điều 12 Dự thảo quy định các hệ thống truy xuất nguồn gốc đã vận hành phải thực hiện đánh giá sự phù hợp theo quy định tại Điều 5.

Tuy nhiên, Dự thảo không có quy định về thời hạn chuyển tiếp để doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu mới. Điều này có thể hiểu doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng các yêu cầu này tại thời điểm Thông tư có hiệu lực. Trong khi đó, thời điểm có hiệu lực của Thông tư (kể từ khi ban hành) thường tương đối ngắn. Việc này có thể khiến các doanh nghiệp bị động, gặp khó khăn trong việc nghiên cứu, chuẩn bị và đáp ứng các yêu cầu này.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thời hạn chuyển tiếp, có thể cân nhắc khoảng thời gian 1 năm.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đã gửi ý kiến đến Bộ Khoa học và Công nghệ liên quan đến hàng loạt vấn đề còn bất cập của Dự thảo Thông tư quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Cụ thể, theo VASEP mâu thuẫn chồng chéo với quy định truy xuất với các quy định hiện hành về truy xuất nguồn gốc của Việt Nam. Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế đều đã ban hành các Thông tư về truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của 2 Bộ (Thông tư số 17 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý; Thông tư số 25 của Bộ Y tế quy định việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế).

Các quy định về truy xuất nguồn gốc của 2 Thông tư trên có rất nhiều điểm không đồng nhất với các quy định của Dự thảo. Chẳng hạn quy định về thông tin phải lưu trữ cho mục đích truy xuất nguồn gốc của 2 Thông tư trên không hoàn toàn giống quy định về thông tin truy xuất nguồn gốc phải lưu trữ của Dự thảo; cách thức thực hiện truy xuất nguồn gốc của 2 Thông tư trên là theo lô hàng trong khi Dự thảo quy định các thông tin lưu trữ theo công đoạn; thời gian lưu trữ thông tin về truy xuất nguồn gốc của 2 Thông tư là từ 6 tháng đến 2 năm tại cơ sở còn Dự thảo không quy định thời gian lưu trữ thông tin nhưng yêu cầu kết nối thông tin lên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia... Điều này gây khó khăn cho việc tuân thủ của các đối tượng nằm trong phạm vi áp dụng của 2 Thông tư trên (vì các đối tượng này cũng thuộc đối tượng áp dụng của Dự thảo).

VASEP cũng cho rằng quy định về kết nối thông tin lên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia chưa rõ ràng. Hiện tại Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia chưa có và cũng chưa có bất kỳ Văn bản pháp quy nào quy định các vấn đề liên quan đến cổng này. Trong khi đó, các quy định của Dự thảo về kết nối thông tin của doanh nghiệp, người dân lên cổng còn chung chung, chưa rõ ràng, gây khó khăn cho các đối tượng thực thi.

"Có rất nhiều thông tin nhạy cảm/thông tin bí mật của cơ sở được yêu cầu phải gửi lên Cổng như thông tin về quy trình công nghệ/các công đoạn trong sản xuất sản phẩm, thời gian sản xuất của từng sản phẩm trong lô hàng... là không hợp lý”, VASEP nêu.

Đáng chú ý, theo VASEP, Dự thảo không có quy định về thời hạn chuyển tiếp để cơ sở, người dân đáp ứng các yêu cầu mới. Như vậy, tất cả các cơ sở, người dân đang tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh đều sẽ phải áp dụng ngay các quy định này khi Thông tư có hiệu lực. Đây là một trở ngại rất lớn khi nhiều cơ sở đang áp dụng các hệ thống truy xuất nguồn gốc riêng với các trang thiết bị rất phức tạp hay sử dụng công nghệ và để chuyển đổi nhằm đáp ứng được các yêu cầu mới của Dự thảo thì cần nhiều thời gian, thậm chí cả kinh phí đầu tư

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả