VCCI đề nghị xem xét lại một số quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo
Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo chưa đưa ra thông tin để thuyết phục rằng, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo có quy mô tối thiểu 5.000 (năm nghìn) tấn thóc; công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ thì sẽ đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm hơn là các cơ sở có quy mô, công suất bé hơn...
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có ý kiến trả lời Công văn số 7487/BCT-XNK của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý các nội dung Dự thảo Đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.
MỘT SỐ NỘI DUNG CHƯA RÕ RÀNG, THIẾU THUYẾT PHỤC
Theo đánh giá của VCCI, các đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2018/NĐ-CP đều xuất phát từ những điểm hạn chế, vướng mắc được nêu trong nội dung về kết quả thực thi Nghị định 107. Hướng tiếp cận về sửa đổi, bổ sung chính sách như vậy là phù hợp.
Tuy nhiên, để đảm bảo các đề xuất này đáp ứng được các mục tiêu của quản lý nhà nước vừa đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét lại một số quy định liên quan đến kinh doanh xuất khẩu gạo.
Cụ thể, về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, Dự thảo đề xuất sửa đổi theo hướng “quy định về sức chứa tối thiểu của kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo và công suất tối thiểu của cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo; có thể cân nhắc việc quy định như Nghị định 109/2010/NĐ-CP để tận dụng nguồn lực xã hội, cơ sở vật chất đã được xây dựng khi thực thi Nghị định số 109/2010/NĐ-CP, tránh phát sinh thêm chi phí cho thương nhân, gây lãng phí nguồn lực xã hội”.
Điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại Nghị định 107 được đánh giá là một bước tiến trong cải cách điều kiện kinh doanh, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các thương nhân trong hoạt động xuất khẩu gạo – loại hàng hóa mà Việt Nam có thế mạnh.
VCCI cho rằng, việc đề xuất sửa đổi quay trở lại với điều kiện kinh doanh về diện tích tối thiểu của kho chứa thóc, công suất tối thiểu của cơ sở xay, xát, chế biến thóc gạo – vốn là những điều kiện Nghị định 107 đã bãi bỏ là một thay đổi rất lớn, đưa ra thông điệp và tín hiệu về sự thay đổi của môi trường kinh doanh Việt Nam và ngành công thương theo hướng không tích cực, rất cần được cân nhắc thận trọng.
Về yêu cầu đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, đây là mục tiêu chính đáng và phù hợp khi quản lý đối với hoạt động kinh doanh liên quan đến thực phẩm.
Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 107 thì thương nhân xuất khẩu gạo phải có “kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành”; “cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về kho chứa và cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành”.
Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước đã kiểm soát vấn đề về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm của gạo xuất khẩu thông qua yêu cầu về cơ sở vật chất của thương nhân xuất khẩu gạo phải đáp ứng theo pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Dự thảo chưa đưa ra thông tin để thuyết phục rằng, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo có quy mô tối thiểu 5.000 (năm nghìn) tấn thóc; công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ thì sẽ đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm hơn là các cơ sở có quy mô, công suất bé hơn, trong khi tất cả các cơ sở này đều đáp ứng về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Về mục tiêu tiêu chuẩn hóa đối với việc đầu tư cơ sở hạ tầng đầu vào nhằm đảm bảo sự đồng bộ hóa về năng lực chế biến của cả ngành, VCCI cho rằng, mục tiêu này là chưa đủ rõ ràng. Không rõ năng lực chế biến của cả ngành được xác định ở đâu, trên cơ sở nào?
Trong nội dung về những hạn chế, bất cập trong thực thi Nghị định 107, Dự thảo có nêu, việc không quy định về sức chứa kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo và công suất tối thiểu của cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo đã “dẫn đến không có mức chuẩn tối thiểu đối với cơ sở của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo; dẫn đến sự không công bằng trong đầu tư tham gia thị trường của các thương nhân, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh”.
Đây có thể là căn cứ để Dự thảo đề xuất quy định quy mô, công suất tối thiểu của cơ sở vật chất của thương nhân xuất khẩu. Tuy nhiên, việc Dự thảo đưa đề xuất quy định về quy mô, công suất tối thiểu đối với cơ sở của thương nhân xuất khẩu gạo sẽ không đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi muốn tham gia vào thị trường này.
Nhà nước không nên sử dụng công cụ điều kiện kinh doanh để yêu cầu tất cả thương nhân kinh doanh trên thị trường đều phải có quy mô lớn trong khi chưa chứng minh một cách thuyết phục mục tiêu chính sách này là phù hợp. Thị trường cạnh tranh sẽ là “bộ lọc” tốt nhất cho các doanh nghiệp có năng lực.
Hơn nữa, Dự thảo cũng chưa cung cấp các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp có cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo có quy mô tối thiểu bé hơn 5.000 (năm nghìn) tấn thóc; công suất tối thiểu bé hơn 10 tấn thóc/giờ như thế nào? Và liệu công cụ quản lý bằng pháp luật cạnh tranh có giải quyết được tình trạng này không?
NGUY CƠ NHIỀU DOANH NGHIỆP SẼ BỊ LOẠI KHỎI THỊ TRƯỜNG
Đánh giá tác động đối với doanh nghiệp, VCCI cho rằng, việc quay trở lại với điều kiện về quy mô vốn đã được bãi bỏ tại Nghị định 107 sẽ dẫn tới hiện tượng rất nhiều doanh nghiệp sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường, tạo ra rào cản cản trở doanh nghiệp quy mô vừa và bé gia nhập thị trường sẽ tác động lớn đến thị trường cạnh tranh trong ngành này.
Dự thảo chưa đánh giá tác động đối với các chủ thể này trong khi đây là nội dung rất quan trọng để xem xét đến tính phù hợp của đề xuất quy định điều kiện kinh doanh theo hướng khắt khe hơn.
Tóm lại, đây là một đề xuất thay đổi lớn trong quy định tại Nghị định 107 và sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo. Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá một cách thận trọng và cung cấp đầy đủ, rõ ràng hơn đặc biệt là những vấn đề nêu ở trên.
Đối với vấn đề thời hạn Giấy chứng nhận, VCCI đề xuất sửa đổi phù hợp với thời hạn của hợp đồng thuê kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo của thương nhận tại thời điểm nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận.
“Cùng đáp ứng điều kiện kinh doanh và được cấp giấy phép nhưng thời hạn của giấy phép của các thương nhân lại khác nhau tạo ra sự bất bình đẳng giữa các chủ thể này, ít nhất ở việc các thương nhân có Giấy chứng nhận có thời hạn sẽ phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính hơn và đứng trước nguy cơ không được cấp phép, bị loại ra khỏi thị trường nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận”, VCCI bày tỏ quan ngại.
Hợp đồng thuê kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo là giao dịch dân sự. Thời hạn của hợp đồng là do hai bên thỏa thuận và có thể bị điều chỉnh hoặc thay đổi bất kì lúc nào. Như vậy, thời hạn trong Giấy chứng nhận sẽ phải thay đổi liên tục. Điều này vừa tạo ra nhiều thủ tục hành chính, vừa khó quản lý từ phía cơ quan nhà nước khi phải đối soát giữa thời hạn hợp đồng và thời hạn của Giấy chứng nhận.
Dự thảo cũng đề xuất bổ sung quy định chế tài tạm dừng thực hiện thủ tục hải quan đối với các lô gạo xuất khẩu nhập khẩu của thương nhân thuộc trường hợp thực hiện không đúng, không đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định.
Về đề xuất này, VCCI đề nghị ban soạn thảo xem xét lại chế tài này bởi vì quá nặng. Trong các quy định liên quan đến xử lý vi phạm hành chính, các hành vi vi phạm nghĩa vụ báo cáo chế tài xử phạt thường không áp dụng biện pháp dừng hoạt động kinh doanh. Dừng thực hiện thủ tục hải quan đối với lô gạo xuất khẩu, nhập khẩu được xem là dừng hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận