Vay trả nợ nước ngoài 10 tháng: Không cấp mới bảo lãnh chính phủ cho các dự án
Theo Bộ Tài chính, việc huy động vốn vay nước ngoài cũng như trả nợ nước ngoài của Chính phủ bám sát kế hoạch, nằm trong mức đã được phê duyệt, đảm bảo đầy đủ, đúng hạn theo cam kết. Hoạt động vay, trả nợ các khoản vay cho doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh nằm trong hạn mức cho phép.
Vay trả nợ nước ngoài bám sát kế hoạch
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, kế hoạch vay nước ngoài của Chính phủ (bao gồm vay về cho vay lại) trong năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1330/QĐ-TTg) là 107.421 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, trong tháng 10/2020 (tính đến 23/10/2020), thực hiện rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 111,4 triệu USD, trong đó cấp phát khoảng 43,5 triệu USD, cho vay lại khoảng 67,9 triệu USD.
Lũy kế 10 tháng đầu năm 2020 (từ 1/1 - 23/10/2020), rút vốn nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài khoảng 1 tỷ 622 triệu USD (tương đương khoảng 37.640 tỷ đồng, đạt khoảng 35% kế hoạch vay), trong đó cấp phát khoảng hơn 1 tỷ USD, vốn vay về cho vay lại khoảng 620 triệu USD. Số liệu này không bao gồm các khoản rút vốn có thể đã được các nhà tài trợ giải ngân nhưng chưa thông báo cho Bộ Tài chính.
Một trong những vấn đề được dư luận hết sức quan tâm là thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Thời gian qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Chính phủ cũng cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từ đó phần nào ảnh hưởng thu ngân sách nhà nước và nguồn lực để chi trả nợ nước ngoài. Tuy nhiên, việc thực hiện nghĩa vụ các khoản trả gốc, lãi của Chính phủ nằm trong mức đã được phê duyệt, đảm bảo đầy đủ, đúng hạn theo cam kết. Qua số liệu thống kê của Bộ Tài chính, 10 tháng đầu năm 2020, tổng trả nợ nước ngoài (trả gốc; trả lãi và phí) của Chính phủ khoảng 62.301 tỷ đồng (vốn cấp phát và vốn vay về cho vay lại.
Theo phân tích của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại – Bộ Tài chính, việc thực hiện trả nợ của Chính phủ cả năm 2020 có thể thấp hơn so với dự toán chủ yếu do vận động thành công việc lùi thời điểm áp dụng điều khoản trả nợ nhanh vốn IDA vay Ngân hàng Thế giới đến 1/7/2021; diễn biến tỷ giá tiền đồng Việt Nam so với các ngoại tệ chính tương đối ổn định và mặt bằng lãi suất trên thị trường vốn quốc tế hiện duy trì ở mức thấp kỷ lục trước tác động của đại dịch Covid-19.
Hạn chế tối đa cấp bảo lãnh các khoản vay mới
Căn cứ Khoản 4 Điều 13 Luật Quản lý nợ công năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 8/4/2020 về hạn mức cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ và hạn mức bảo lãnh chính phủ năm 2020. Tính đến hết tháng 10/2020, hoạt động vay, trả nợ của các khoản vay cho doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh nằm trong hạn mức được cho phép. Điều này có nghĩa trong 10 tháng năm 2020 không thực hiện cấp mới bảo lãnh chính phủ cho các dự án; các dự án được bảo lãnh không thực hiện rút vốn; 2 ngân hàng chính sách không thực hiện phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.
Cụ thể, đối với bảo lãnh vay cho các chương trình, dự án, theo Bộ Tài chính, trong tháng 10 không thực hiện cấp mới BLCP cho các dự án vay vốn trong nước. Các dự án được bảo lãnh vay trong nước không thực hiện rút vốn, thực hiện trả nợ gốc là 123 tỷ đồng và trả nợ lãi là 299 tỷ đồng. Dư nợ bảo lãnh của các dự án vay vốn trong nước tính đến hết tháng 10/2020 khoảng 24.707 tỷ đồng. Các dự án được bảo lãnh vay nước ngoài thực hiện rút vốn 1.311 tỷ đồng, trả gốc 7.626 tỷ đồng và trả lãi 1.913 tỷ đồng.
Lũy kế 10 tháng đầu năm 2020, các dự án bảo lãnh nước ngoài thực hiện rút vốn 6.268 tỷ đồng, thực hiện trả gốc khoảng 25.606 tỷ đồng, trả phí và lãi khoảng 6.477 tỷ đồng. Dư nợ bảo lãnh vay nước ngoài khoảng 211.630 tỷ đồng.
Về bảo lãnh phát hành trái phiếu cho Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), trong tháng 10 không thực hiện phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, không trả nợ gốc và thực hiện trả lãi 293 tỷ đồng. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2020, NHCSXH không thực hiện phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, tổng trả nợ khoảng 4.402 tỷ đồng, trong đó trả nợ gốc khoảng 2.325 tỷ đồng, trả lãi và phí khoảng 2.077 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh khoảng 37.006 tỷ đồng.
Về bảo lãnh phát hành trái phiếu cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, trong tháng 10 không thực hiện phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trả nợ gốc 50 tỷ đồng và thực hiện trả lãi 123 tỷ đồng. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2020, Ngân hàng Phát triển không thực hiện phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, tổng trả nợ khoảng 19.472 tỷ đồng, trong đó trả nợ gốc khoảng 15.422 tỷ đồng, trả lãi và phí khoảng 4.049 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh khoảng 92.102 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận