Vay tiền sắm Tết
Buổi sáng tinh mơ tại một khu chợ nhỏ ở vùng quê hẻo lánh bất giác râm ran hơn hẳn ngày thường. Mấy chiếc xe hai bánh cũ kỹ của khách đi chợ và tiểu thương, đậu thành từng hàng ở bãi giữ xe, được ai đó gài lên mảnh giấy nhỏ với thông điệp “cho vay tiêu dùng, giải ngân nhanh, không cần thế chấp và chứng minh thu nhập”.
Đầu làng cuối xóm người ta bắt đầu thảo luận về cơ hội vay tiền sắm Tết sau một năm làm ăn khó khăn.
Cô Hai sống gần chợ trong ngôi nhà xây bằng gạch đã lâu giờ thủng lỗ chỗ vì không được bả ximăng và sơn quét lại. Tuy nhiên, với công việc làm thuê làm mướn, cô khó lòng chứng minh thu nhập để mong ngân hàng cho vay chút tiền nhằm hoàn thiện mái ấm của mình. Hơn nữa, ngôi nhà do ba mẹ chồng để lại, vợ chồng cô chưa làm được giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp, khó đáp ứng về mặt thủ tục để thế chấp.
Anh Chín tóc bạc trắng vì lo. Hơn hai năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập từ vườn thanh long hầu như không có, một số vụ còn lỗ tiền công thợ thu hoạch và chăm sóc cây. Sống gắn bó với nghề trồng trọt bao nhiêu năm nay, khi rủi ro xảy ra, người nông dân đâu phải muốn bỏ là bỏ. Cố gắng cầm cự đến ngày giá thanh long khởi sắc, nhưng càng chờ, anh càng lo. Vườn thanh long này được gầy dựng một phần từ tiền vay ngân hàng và mới trả được phân nửa số nợ, bây giờ muốn vay thêm là cả vấn đề lớn. Không biết bao nhiêu lần các cán bộ tín dụng ngân hàng xuống chỗ anh thẩm định lại mô hình trồng trọt nhưng sau đó đều từ chối cấp thêm vốn duy trì hoạt động vườn. Nghĩ về ngày Tết cận kề, anh Chín chỉ biết thở dài.
Nhiều năm trước, khi còn làm trong ngành ngân hàng, cuối năm là lúc tôi cũng nghe được nhiều câu chuyện vui buồn tương tự. Người may mắn thì kể câu chuyện lương thưởng với những kế hoạch du xuân hấp dẫn, người khó khăn than thở về nguồn ngân sách eo hẹp và những gánh nặng chi tiêu Tết nhất. Cho vay tiêu dùng là một sản phẩm chính trong hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, các ngân hàng truyền thống và tổ chức tài chính thông thường sẽ tập trung nhiều vào hoạt động cho vay thấu chi hoặc tín chấp cấp cho cán bộ nhân viên dựa trên lương và bảo hiểm xã hội.
Đối với các cá nhân lao động tự do hoặc hộ gia đình sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, việc cung cấp nguồn vốn phục vụ nhu cầu tiêu dùng khá hạn chế. Điều này là dễ hiểu, rủi ro nợ xấu và khả năng khó giải quyết các món nợ quá hạn không có cơ sở đảm bảo khiến các ngân hàng không muốn chú trọng thị phần này. Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Chính sách có cung cấp nguồn vốn nông nghiệp và các gói tín dụng vi mô cho đối tượng khó khăn, tuy nhiên, quy mô rất nhỏ và không thể bao quát hiệu quả nhóm đối tượng có nhu cầu rất lớn.
Hoạt động tín dụng ngân hàng được ví như hệ tuần hoàn với trái tim và các vi mạch bơm máu vào nuôi dưỡng nền kinh tế. Các dòng máu này từ trước đến nay dường như chỉ tập trung bơm vào các doanh nghiệp và cá nhân uy tín, để giảm thiểu rủi ro kinh doanh vốn. Tuy nhiên, đã là hệ tuần hoàn thì phải đảm bảo cho máu lưu thông đến tất cả hoạt động của một cơ thể sống, từ lớn đến nhỏ.
Việt Nam có hơn 95% quy mô khối kinh doanh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể. Bên cạnh đó, còn tồn tại một nhóm lớn lao động tự do, hoạt động nông nghiệp ở nông thôn theo hộ gia đình manh mún, nhỏ lẻ. Thực trạng này nảy sinh nhu cầu vay tiêu dùng với khách hàng không có khả năng chứng minh thu nhập ổn định và nguồn tài sản thế chấp chưa có tính thanh khoản cao. Với một thị trường vốn phát sinh cầu thực, ắt phải có cung. Và đó là nguyên nhân tồn tại các hoạt động tín dụng phi chính thức, trong đó tín dụng đen chiếm đến 35% tổng nguồn cung vốn này.
Bất chấp các chính sách can thiệp và kiểm soát, triệt phá các đường dây cho vay nặng lãi, tệ nạn đòi nợ thông qua siết tài sản, bôi nhọ danh dự người vay và thân nhân, thậm chí là các tội ác gây rối loạn xã hội vẫn diễn ra, gắn liền với các hoạt động cho vay tín dụng đen và cầm cố tài sản.
Gần đây, sự phát triển của công nghệ thông tin đang đem lại nhiều cơ hội cho vay tiêu dùng thông qua phần mềm cho vay giữa cá nhân với cá nhân, ứng dụng kinh tế chia sẻ để đánh giá thông tin bằng tính năng cho phép người vay chủ động xây dựng tiểu sử tín dụng để chứng minh năng lực và tạo lập uy tín vay vốn.
Lãi suất cho vay sẽ tùy thuộc vào mức độ rủi ro và năng lực đảm bảo tài chính của người đi vay. Người vay thông qua hình thức này sẽ có động lực trả nợ đúng hạn để tiếp tục được vay với mức giải ngân cao hơn và lãi suất vay thấp hơn.
Tuy nhiên, ngoài các công ty Fintech và các cá nhân có nhu cầu cung cấp vốn chính đáng, các phần mềm, chương trình cho vay online cũng là không gian hoạt động của một số lượng lớn đường dây tín dụng đen. Những tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi tiếp tục thông qua đó để cung cấp nguồn vốn với mức lãi suất cao vô lý đi kèm các hình thức đòi nợ phạm pháp.
Để giải quyết thực trạng này, tôi cho rằng chính phủ cần nhìn nhận tín dụng tiêu dùng của các cá thể không có khả năng chứng minh thu nhập và tài sản đảm bảo là một nhu cầu lớn và chính đáng, rất cần được đáp ứng trên thị trường vốn. Sự xuất hiện của công nghệ phần mềm, hoạt động của các Fintech gần đây đang đem lại giải pháp hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu này một cách hiệu quả hơn, giúp hạn chế thực trạng bất cân xứng thông tin nghiêm trọng của tín dụng tiêu dùng tín chấp.
Tuy nhiên, cách thức vận hành của các hình thức cung ứng vốn này có đặc điểm khác biệt so với quy trình cấp phát tín dụng của các ngân hàng và tổ chức tài chính truyền thống. Ngoài ra, việc tiềm ẩn rủi ro liên quan đến tín dụng đen đòi hỏi phải xây dựng một hành lang pháp lý đặc thù, hiệu quả để hỗ trợ và kiểm soát các hoạt động tín dụng tiêu dùng thông qua không gian mạng và hoạt động của các tổ chức Fintech. Đây là nhu cầu thiết yếu và có tính khẩn cấp, vừa giúp hỗ trợ phát triển kinh tế vừa đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận