Vay tiền ép mua bảo hiểm kinh doanh kiểu “phi thị trường”
Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính riêng trong năm 2020, bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) chiếm tới 40% doanh thu bán bảo hiểm mới. Nhiều chuyên gia nhận định, bancassurance sẽ tiếp tục phát triển mạnh và trở thành một trong những kênh phân phối chính của ngành bảo hiểm.
Một số khách hàng vẫn than phiền bị làm khó khi vay tiền ngân hàng. Vì muốn vay được tiền phải mua bảo hiểm khoản vay. Nếu không mua bảo hiểm này sẽ khó khăn khi làm thủ tục vay tiền, chậm giải ngân vốn vay hoặc phải vay với lãi suất cao hơn 3%. Một số khách hàng bức xúc, mặc dù đã thế chấp tài sản để vay tiền ngân hàng, nhưng vẫn bị ngân hàng “ép” mua bảo hiểm khoản vay, trong khi không có nhu cầu. Việc “ép” mua bảo hiểm kiểu này chẳng khác nào bắt người dân chịu 2 lần tiền lãi.
Thực tế, gần đây, hàng loạt thương vụ hợp tác giữa ngân hàng thương mại với công ty bảo hiểm đã được ký kết, với hàng nghìn tỷ đồng phí trả trước của hãng bảo hiểm cho ngân hàng.
Lợi nhuận thu về từ bán bảo hiểm khiến một số ngân hàng đẩy mạnh kinh doanh mảng này bằng cách áp chỉ tiêu đến từng nhân viên. Điều đó tạo ra áp lực cho cán bộ, và khi bị áp lực thì các cán bộ có thể tìm mọi cách để có thể bán được bảo hiểm.
Theo tìm hiểu, không phải ngân hàng nào cũng áp dụng quy định phải mua bảo hiểm tiền vay, số tiền khách hàng phải chi để mua bảo hiểm cũng khác nhau. Với tài sản thế chấp là cơ sở kinh doanh, nhà xưởng, dãy nhà trọ cho thuê… thì ngân hàng mới yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm tài sản thế chấp khoản vay. Điều này nhằm bảo đảm khi có sự cố xảy ra sẽ có công ty bảo hiểm thay khách hàng thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Nếu tài sản thế chấp có giá trị nhỏ thì thường ngân hàng không yêu cầu mua bảo hiểm, trừ trường hợp khi thẩm định thấy tính rủi ro cao. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn khuyến khích khách hàng mua bảo hiểm cho tài sản đó.
Nhìn nhận một cách khách quan, đã có một số trường hợp khách hàng có khoản vay tại ngân hàng gặp rủi ro, nhờ có bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ trả thay, nên khách hàng thoát khỏi giai đoạn khó khăn.
Thực tế, trường hợp nhân viên ngân hàng tư vấn để khách hàng vui vẻ mua bảo hiểm không phải đa số. Nhiều khách hàng phản ánh tình trạng đến giao dịch tại nhà băng, nhưng nhân viên mời chào mua bảo hiểm gần như mang tính chất kèm theo, khách hàng buộc phải mua các gói bảo hiểm này.
Chị Mai Hương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thường xuyên đến ngân hàng giao dịch, mỗi lần như vậy đều nhận được những lời mời chào mua bảo hiểm với những mức chiết khấu cao, có quà tặng. Có lần, tôi còn được tư vấn mua bảo hiểm còn “lãi” hơn gửi tiết kiệm”.
Mới đây Bộ Tài chính khẳng định, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm nhằm đảm bảo việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, không quy định cụ thể hoặc giới hạn về các sản phẩm bảo hiểm bán qua ngân hàng.
Do đó, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng, phối hợp với các ngân hàng kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nếu có, thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm.
Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm với các tổ chức tín dụng, có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời trường hợp vi phạm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận